Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là một tên tuổi ăn sách trên thị trường. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ở tuổi 67 đã thành một tác giả chuyên nghiệp, để mỗi năm gom đủ năng lượng sáng tạo cho một cuốn sách mới.
Với truyện dài “Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tâm sự: “Trong thời gian dịch bệnh, cuộc sống trở nên trầm uất, nặng nề, mọi sinh hoạt đều xáo trộn, lại thêm những đau thương, mất mát khiến tất cả chúng ta đều thấy lòng hoang mang, nặng trĩu, bất an. Nhưng cho dù hoàn cảnh nghiệt ngã đến mấy, chúng ta vẫn phải sống tiếp. Người nông dân tiếp tục trồng trọt, người công nhân tiếp tục sản xuất. Nhạc sĩ sáng tác ca khúc, họa sĩ vẽ tranh, nhà văn viết văn... Đó là cách chúng ta vượt qua khó khăn, là cách chúng ta chiến thắng dịch bệnh để cuộc sống luôn tiến về phía trước. Chúng ta đâu có thể ngưng sống, ngưng làm việc để chờ dịch bệnh qua đi. Khi cặm cụi trên những trang văn, tôi chỉ nghĩ giản dị như vậy”.
Bớt đi một tác phẩm cũng không hề ảnh hưởng đến vị trí của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trên văn đàn. Bớt đi một tác phẩm cũng không hề ảnh hưởng đến “thương hiệu” nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong người đọc. Vì vậy, giữa không khí thích ứng bình thường mới, có thêm một cuốn sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là độc giả thêm một cơ hội được chia sẻ. Cho nên, gánh nặng tâm lý không nằm ở người viết, mà nằm ở đơn vị xuất bản.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hoàn thành truyện dài “Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng” vào ngày 15/12/2021. Nghĩa là Nhà xuất bản Trẻ chỉ có 30 ngày để biên tập, in ấn và nộp lưu chiểu cho kịp phát hành 100 nghìn bản sách vào ngày 16/1/2022. Vậy mà, những người hâm mộ Nguyễn Nhật Ánh không chỉ được cầm trên tay cuốn sách mới, lại còn được chứng kiến vài hoạt động sôi nổi phụ hoa cho tác phẩm.
Cụ thể, trong ngày phát hành sách 16/1/2022 tại TP.HCM, hai trăm bạn đọc đầu tiên đến mua vé vào Thảo Cầm Viên sẽ được tặng một huy hiệu có in hình các con vật dễ thương vốn là minh họa của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường trong “Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng”. Trên cả nước có 15 điểm bán sách trực tiếp có chữ ký của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, mỗi điểm số lượng sách có chữ ký là 100 cuốn tại Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Kiên Giang, Nha Trang, Đà Lạt, Gia Lai, Đắc Lắk...
Truyện dài “Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng” được in 80 nghìn bản bìa mềm có giá bán mỗi cuốn 145 nghìn đồng và 20 nghìn bản bìa cứng có giá bán mỗi cuốn 265 nghìn đồng. Mỗi cuốn sách kèm theo hai tấm thiệp hình trái tim, có in hai bài thơ trong tác phẩm.
Bài thơ thứ nhất: “Có gì đâu! Đâu có gì đâu/ thời gian như nước chảy qua cầu/ bờ cỏ không còn in dấu cũ/ ườn địa đàng kia táo đã sâu/ Có gì không? Không có gì đâu/ tem chưa đóng dấu đã phai màu/ đường đi không tới đành quay lại/ cuộc sống chưa xong lại bắt đầu/ Có gì chăng? Chẳng có gì đâu/ chỉ là hai chiếc bóng bên nhau/ chiếc tan chầm chậm khi chiều xuống/ một chiếc chưa tan đã đổi màu/ Có gì tôi? Tôi có gì em? Chỉ là sợi khói chớm bay lên/ em tôi cay mắt mà tôi khóc/ sỏi đá đôi khi cũng rất mềm/ Có gì em? Em có gì tôi? Chỉ là bóng nắng chiếu nghiêng thôi/ đến khi nắng tắt thì sương xuống/ chắc tại thu về nên lá rơi"
Bài thơ thứ hai: “Đêm hái lời chim dành tặng ban mai/ Đêm xâu cho anh một tiếng thở dài/ Đêm trồng tặng em một mùa hoa cúc/ Để em nhìn hoa nhớ chiều đã khuất/ Đêm mọc giùm anh sợi tóc thời gian/ Đêm chảy giùm em lệ của địa đàng/ Dắt díu nhau qua những ngày nương náu/ Gọi người ta yêu là người yêu dấu/ Đêm ủ giùm em hoa trái ban ngày/ Nuôi nấng giùm anh men của cơn say/ Lời của đêm đen không hề gian dối/ Tự giấu mình đi, đêm làm bóng tối”.
Đã hơn một thập niên, cứ mỗi năm nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đều có một cuốn sách khuynh đảo các nhà sách truyền thống lẫn nhà sách trên mạng. Tuy nhiên, thời Covid-19 hoành hành, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh làm sao để không lỗi hẹn công chúng?
Ông thổ lộ: “Xưa nay tôi vẫn viết đều đặn mỗi ngày. Trong mùa dịch, nhịp sáng tác của tôi không bị ảnh hưởng nhiều về mặt thời gian. Nhưng về tinh thần thì đúng là rất khó giữ sự điềm tĩnh. Khi nhà thơ - họa sĩ tài hoa Lê Thánh Thư, một người bạn thân thiết của tôi đột ngột qua đời vì Covid-19, tôi đã bị sốc một thời gian dài. Lúc đó, tôi không thể bình tĩnh để làm bất cứ chuyện gì. Nhưng rồi tôi biết mình không thể để nỗi buồn cầm chân mãi. Nếu tôi không nhúc nhích một ngón tay nào thì không ai có thể giúp tôi nhấc mình lên khỏi nỗi buồn được. Thế là tôi lại ngồi vào bàn. Tôi tin làm việc là cách tốt nhất để chữa lành vết thương trong tâm hồn mình”.
Sau các tác phẩm “Tôi là Bêtô”, “Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ”, “Chúc một ngày tốt lành”, “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng” thì truyện dài “Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng” là cuốn sách thứ 5 của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mà nhân vật chính là những con vật ngộ nghĩnh được mô tả khá sinh động.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bộc bạch về thể loại văn chương đồng thoại được vận hành trở lại trong truyện dài “Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng” của mình: “Tôi chọn viết về các con vật để tìm thấy sự bình yên, mặc dù trước đó tôi đã nghĩ đến một cuốn sách khác. Thế giới hồn nhiên, rộn ràng, tươi vui của các con vật ngộ nghĩnh giúp tâm hồn tôi lấy lại thăng bằng. Đối với tôi, đó giống như một liệu pháp tinh thần”.
Thể loại văn chương đồng thoại, tất nhiên phải sử dụng thủ pháp nhân cách hóa. Trong truyện dài “Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng” có thể nhận ra những tình cảm thiết tha xóa nhòa thế giới loài vật và thế giới loài người: “Lớp học của cô giáo ngỗng vẫn đủ đầy nhưng bọn nhóc cứ thấy buồn tênh. Khu vườn chỉ vắng mỗi bác Tai Dài mà sao mênh mông rộng dài quá thể. Ai cũng biết bác Tai Dài không thể không ra đi, rằng đó là chọn lựa tốt cho tất cả nhưng khoảng trống bác để lại thật không dễ lấp đầy. Vắng bóng bác cần mẫn đi tuần, vắng tiếng quát của bác mỗi khi có ai đó lẻn vào vườn, vắng cả tiếng bác la rầy bọn nhóc, cảnh sắc trong vườn cơ hồ kém tươi hơn. Ngay cả gió cũng đi lại rón rén trên những cành cây và ở dưới đất cỏ ba lá nằm như mơ ngủ”.
Thậm chí, có đôi chỗ, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chủ động đưa ra sự so sánh thẳng thắn giữa loài vật và loài người: “Mắt Tròn không còn bé nữa. Bây giờ nó đã là cô gà mới lớn. Gà hay người gì cũng thế, cứ đến ngưỡng tuổi này là lòng đầy xáo trộn. Bao nhiêu cảm xúc mới mẻ ùa tới khiến trái tim bỗng dưng chênh vênh chập chờn nức nở. Chị Ngần mỗi khi gặp anh cu Hiên chắc cũng thế. Chị bảo lúc đó tim chị loạn nhịp”.
Truyện dài “Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng” chắc chắn không dừng số lượng phát hành ở 100 nghìn bản in. Tên tuổi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và kỹ năng kinh doanh của Nhà xuất bản Trẻ, cho phép thị trường sách tin tưởng như vậy.
Thế nhưng, một đóng góp khác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chính là sự “thuần hóa” một loài hoa. Hoa kèn hồng (có tên khác là hoa chuông hồng) là giống hoa châu Mỹ được du nhập để trồng trên các đường phố đô thị nước ta trong khoảng 20 năm gần đây.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đưa hoa kèn hồng vào tác phẩm để trồng bên... bờ suối, thì người Việt cảm thấy gần gũi hơn với giống hoa này. Và có thể, qua tài năng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, không ai còn muốn tin hoa kèn hồng là giống cây ngoại lai, mà đều nghĩ hoa kèn hồng là giống cây bản địa.