| Hotline: 0983.970.780

Nhà vườn bàng hoàng vì hàng trăm buồng chuối bị 'ép chín rụng' bằng hóa chất?

Thứ Năm 06/12/2018 , 06:05 (GMT+7)

Những ngày qua, thông tin vùng trồng chuối ven sông Đuống ở xã Dương Hà (Gia Lâm, Hà Nội) bị “đầu độc” khiến người dân hoang mang. Thực hư chuyện này ra sao?

Không phải do thời tiết!

Xã Dương Hà được thiên nhiên ưu ái ban tặng một vùng đất bãi phì nhiêu, cây cối tốt tươi. Nghề trồng chuối tiêu hồng ở đây có từ lâu, nhưng manh mún không tập trung thành vùng. Ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Chủ tịch UBND xã Dương Hà cho biết, chỉ khoảng 4 năm trở lại đây, khi một số người dân vùng Khoái Châu (Hưng Yên) lên thuê đất để trồng chuối, cam Vinh thì vùng đất bãi mới thực sự thay da đổi thịt.

10-13-50_4
Người dân mong sớm tìm ra thủ phạm để yên ổn SX

Theo ông Thịnh, 4 năm qua, nhóm người này tạm trú, sản xuất ổn định ở địa phương, chưa có bất kỳ điều tiếng hay sự vụ gì. Ngày 22/11, thông tin từ người dân cho biết, hàng nghìn buồng chuối sắp chặt bán của những hộ này bỗng dưng chín đỏ, nứt toác.

“Chúng tôi đã xuống kiểm tra trực tiếp, thăm hỏi các hộ dân. Thông tin ban đầu là hàng nghìn, nhưng sau khi cùng các hộ dân kiểm đếm, số lượng chính xác khoảng 700 buồng. Người dân nghi là do có kẻ dùng thuốc dấm chuối khiến quả bị chín ép không đều”, ông Thịnh cho hay.

10-13-50_2
Nhiều quả dù còn xanh vẫn bị nứt toác, chín thối trên cây

Cũng theo ông Thịnh, thời điểm xảy ra sự việc, hoàn toàn không có chuyện thời tiết bất thường nên nguyên nhân chắc chắn là do con người. Còn là ai, vì nguyên nhân gì thì phải chờ kết luận điều tra của Công an huyện Gia Lâm. Sau sự việc, UBND xã Dương Hà đã phát thông báo đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ tài sản hoa màu trên đất trong những tháng cuối năm.
 

Bàng hoàng, bức xúc

Theo tìm hiểu, dãi đất bãi bồi thôn Trung, xã Dương Hà đang được anh Nguyễn Huy Toàn và chị Đỗ Thị Thủy, trú tại xã Tứ Dân (Khoái Châu – Hưng Yên) thuê để trồng chuối tiêu hồng và một ít diện tích cam Vinh. Tổng diện tích thuê lại là 9 mẫu, thời hạn 5 năm với giá 1 triệu đồng/sào/năm.

Anh Toàn khẳng định, từ năm 2014 tới nay, gia đình SX ổn định, không tranh chấp đất đai cũng như đầu ra với ai. Do có thâm niên trồng chuối, tay nghề cao, chuối nhà anh luôn được đặt mua xô cả vườn. Và theo anh Toàn, bán kính khoảng 5 cây số, chuối nhà anh luôn bán được giá nhất do mẫu mã, chất lượng cao. Điển hình như năm nay, vườn chuối đã được các thương lái đặt mua với giá 200 nghìn đồng/buồng.

10-13-50_3
Người trồng chuối bàng hoàng, bức xúc

“Sáng 22/11, chúng tôi ra thăm vườn thì phát hiện chuối có dấu hiệu chín vàng, tạo thành một vệt dọc theo buồng. Sau khi kiểm đếm, nhà tôi có khoảng 400 buồng chuối chín bất thường như vậy. Chúng tôi phải tiến hành cắt bỏ phần chuối chín, có khi chín quá thì tự rụng xuống đất”.

Thửa bên cạnh, chị Đỗ Thị Thủy mặt méo xệch, tay dùng liềm kiểm tra cắt bỏ từng quả chuối hỏng. Sự việc dù đã xảy ra hơn 1 tuần, nhưng nhiều quả tiếp tục bị chín ép, nứt toác làm đôi.

10-13-50_1
Sau hơn 1 tuần, chuối vẫn chín lẻ tẻ trên buồng
“Chúng tôi nhận định, không cần nhiều người để làm việc này. Chỉ cần một bình xịt cầm tay 2 lít pha thuốc đậm đặc, khoảng 2 tiếng đồng hồ là kẻ gian có thể triệt hạ hàng trăm buồng. Mỗi thao tác vén nilon rồi xịt chỉ mất vài giây thôi…”, chị Thủy nói.

“Hôm đó khi tôi ra thăm vườn, nhìn bảo quái lạ sao chuối hôm trước còn xanh lại lại chín, buồng còn nhỏ cũng chín. Nghi ngờ bị kẻ gian phun thuốc nhưng chúng tôi tìm không ra chứng cứ để lại”, chị Thủy ngậm ngùi.
 

Chuối có bị ngấm độc!?

Bằng kinh nghiệm của người có gần 20 năm kinh nghiệm trồng chuối, anh Toàn khẳng định, đây là hành động của người am hiểu về chuối. Buồng chuối hỏng là do bị xịt thuốc dấm sinh học Ethylene đậm đặc, ép quả chín sớm. Đây là loại thuốc khi tác dụng với nước, bám lên bề mặt quả chuối tạo ra sức nóng làm chuối chín.

Theo anh Toàn, trước đây loại thuốc này do Trung Quốc SX, nhưng nay nhiều đơn vị trong nước tự SX, phân phối công khai tại các cửa hàng thuốc BVTV. Nếu dùng Ethylene với liều lượng thông thường, từ 5 – 7 ngày chuối sẽ chín vàng. Ngược lại nếu dùng đậm đặc thì chỉ 2 ngày là chuối chín vàng ruộm dù xanh đến mấy. Anh Toàn khẳng định, loại thuốc này khá an toàn và được áp dụng rộng rãi nhiều năm qua. Thuốc chỉ có tác dụng làm nóng khiến chuối chín chứ không thẩm thấu, gây độc hại như nhiều người lầm tưởng.

10-13-50_5
Sự việc gây ra thiệt hại kinh tế nặng nề cho người trồng chuối

Sau sự việc, các gia đình ở đây đã có đơn trình báo lên Công an huyện Gia Lâm để về xác minh, lấy mẫu giám định. Chiều 3/12, Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm cũng cử cán bộ về gặp gỡ người dân, tiếp tục xác minh. Người dân và lãnh đạo xã Dương Hà cho biết, chưa nhận được phản hồi từ phía Công an huyện Gia Lâm.

Anh Toàn cho biết, sau khi thương thảo, lái buôn vẫn chấp nhận mua xô toàn bộ số chuối còn lại như hợp đồng ban đầu. Riêng số buồng bị hỏng, tận dụng chăm sóc để bán lẻ với giá 20 – 30 nghìn đồng/buồng. “Từ hôm xảy ra sự việc, mấy gia đình chúng tôi phải dựng lều, cắt cử nhau ngủ lại ngay tại vườn chuối để trông coi. Rất mệt mỏi…”, anh Toàn than.

 

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.