| Hotline: 0983.970.780

'Nhấc bổng' hình ảnh Việt Nam lên tầm quốc tế

Thứ Bảy 12/02/2022 , 13:30 (GMT+7)

Sự đồng hành doanh nhân Việt kiều và nông dân Việt đã xua tan mọi mặc cảm, mọi âu lo, để cùng bước những nhịp điệu mạnh mẽ hơn, phấn chấn hơn, vững chãi hơn.

Lễ xuất khẩu nhãn lồng Hưng Yên sang thị trường EU và Vương quốc Anh năm 2021. Ảnh: Tùng Đinh.

Lễ xuất khẩu nhãn lồng Hưng Yên sang thị trường EU và Vương quốc Anh năm 2021. Ảnh: Tùng Đinh.

Trong những câu chuyện lạc quan mùa xuân, nếu nói một tương lai gần Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia có nền công nghiệp hiện đại thì nhiều người còn băn khoăn, nhưng nói một tương lai gần Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới thì ai cũng đồng tình.

Vì sao như vậy? Vì Việt Nam có sẵn truyền thống sản xuất nông nghiệp và đang có sự góp tay của lực lượng kiều bào đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Thử nhìn lại năm 2021 đầy cam go do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trên cả nước đã thành lập mới và trở lại hoạt động 1.640 doanh nghiệp ngành nông nghiệp. Nghĩa là, ngay đầu năm 2022, Việt Nam đã có tổng cộng trên 14.400 doanh nghiệp ngành nông nghiệp.

Đáng mừng hơn, đội ngũ doanh nghiệp hùng hậu đang đầu tư trực tiếp và sâu rộng vào lĩnh vực nông nghiệp, đã chứng kiến sự có mặt của những kiều bào luôn hướng về Tổ quốc Việt Nam.

Thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 3.500 dự án, doanh nghiệp do kiều bào thành lập hoặc góp vốn với với tổng số vốn đăng ký lên đến 11 tỉ USD. Theo dự báo, con số này vẫn chưa dừng lại và hứa hẹn tiếp tục tăng trưởng trong vài năm tới.

Đầu tư của kiều bào về Việt Nam trải rộng trên nhiều lĩnh vực, nhưng nông nghiệp vẫn được xếp ở vị trí ưu tiên nhất. Bởi lẽ, hơn ai hết, chính những người con Việt Nam xa xứ hiểu rằng, mảnh đất chôn nhau cắt rốn của họ rất cần sự chung tay thật ân cần, thật bền chặt để từng sản phẩm từ lũy tre tự tin hội nhập toàn cầu.

Mặt khác, doanh nhân Việt kiều cũng hiểu rằng, mỗi sản phẩm nông nghiệp từ quê hương từng chịu đựng không ít gian nan và lam lũ, sẽ trở thành căn cước kiêu hãnh để họ đối thoại tự tin với bạn bè năm châu.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên, từ chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản đến chế biến, thương mại, bán lẻ, xuất khẩu đều có sự hiện diện rõ nét dấu ấn của đội ngũ Việt kiều. Thậm chí, những trải nghiệm phong phú và những vốn liếng tích lũy trong nhiều năm sống ở nước ngoài, đã giúp những doanh nhân Việt kiều khi đầu tư về quê hương, dễ dàng tạo ra những đột phá mạnh mẽ cho dây chuyền sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Để những doanh nhân Việt kiều nô nức về nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, không thể chỉ trông mong vào tình cảm mỗi cá nhân tha phương ngày đêm thương nhớ từng cầu ao lặng lẽ hay từng bờ đê âm thầm. Phải nói cho đầy đủ, đó là sự tương tác hiệu quả giữa chí hướng của doanh nhân Việt kiều và thái độ cầu thị của những nhà quản lý nông nghiệp nước ta.

Hàng loạt những thủ tục hành chính đã được cải cách quyết liệt để mở cánh cửa lớn đủ sức hấp dẫn cho doanh nhân Việt kiều đặt sự nghiệp của họ song hành với thành tựu nông nghiệp Việt Nam. Trong 5 năm qua, ngành nông nghiệp đã tiên phong cắt giảm hàng nghìn điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa hàng nghìn thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ bản mọi văn bản quy phạm pháp luật phủ kín mọi lĩnh vực quan trọng của ngành.

Nông sản Việt Nam trên lộ trình chinh phục thế giới, có thể lấy điều gì làm phương tiện nhận diện thương hiệu? Chắc chắn, chọn lựa đầu tiên chính là những sản phẩm OCOP. Trong chuyến công du Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ NN-PTNN Lê Minh Hoan đã quyết định chọn sản phẩm OCOP làm quà tặng lưu niệm cho các chính khách quốc tế, trực tiếp gợi mở và thắp lên ý tưởng tích hợp văn hóa và kinh tế thành một thể thống nhất tăng trưởng.

Sản phẩm OCOP Việt Nam từ bản cao miền núi Tây Bắc hay từ xóm nhỏ miệt vườn Nam bộ, đều được chưng cất từ bàn tay cặm cụi và khéo léo của người Việt Nam, luôn là đáp án cho sự chờ đợi của doanh nhân Việt kiều trên con đường mang nông sản Việt đến các thị trường khó tính nhất hành tinh.

Bởi lẽ, tài sản quý báu của kiều bào, không chỉ là nguồn vốn và tri thức, mà còn nằm ở tấm lòng gắn bó quê hương và tinh thần tự hào dân tộc. Mỗi kiều bào dù đang định cư ở nơi nào trên trái đất, cũng chính là một đại sứ thuyết phục nhất để đưa sản phẩm OCOP Việt Nam đến tay người tiêu dùng toàn cầu.

Mùa xuân 2022, từ địa đầu Móng Cái đến tận mũi Cà Mau, các dự án phát triển kinh tế nông nghiệp của kiều bào đã được triển khai rộng khắp. Đã xuôi ngược tha hương cầu thực nhiều năm, ánh mắt doanh nhân Việt kiều nhìn ngắm mỗi hạt lúa, mỗi con tôm, mỗi trái vải đều lấp lánh mồ hôi tin cậy cội nguồn. Nông sản Việt đối với doanh nhân Việt kiều luôn có giá trị cao hơn khái niệm vật chất thông dụng. Cho nên doanh nhân Việt kiều đồng hành nông dân Việt như một phép cộng cho no ấm và thịnh vượng.

Nông sản Việt xuất hiện ngày càng nhiều tại các thị trường lớn trên thế giới.

Nông sản Việt xuất hiện ngày càng nhiều tại các thị trường lớn trên thế giới.

Có không ít doanh nhân Việt kiều rất thành đạt ở những quốc gia văn minh. Thế nhưng, họ sẵn sàng từ bỏ những sự trọng vọng kẻ đón người đưa nơi đất khách, để trở về Việt Nam làm một đứa con khiêm nhường và bận rộn phía sau lũy tre xanh bạt ngàn thương nhớ.

Vì họ hiểu rằng, trên đất đai này, cha ông họ từng lặn lội một nắng hai sương để khai hoang, để lập ấp, để cấy cày, để vun xới. Họ quay lại chốn chôn nhau cắt rốn, để tiếp tục cùng bà con hôm nay gieo trồng những vụ mùa mới và sản xuất những nông sản mới trong sự ngạo nghễ của người Việt tự tin hội nhập.

Ra đi từ một đất nước đã nếm trải không biết bao nhiêu mất mát bởi chiến tranh và thiên tai suốt chiều dài lịch sử, mỗi doanh nhân Việt kiều nhận thức rất rõ ràng họ không chỉ có trách nhiệm làm giàu cho bản thân, mà còn phải có sứ mệnh góp phần cải thiện cuộc sống cho những người nông dân Việt lấm láp đang khao khát vươn lên mỗi ngày.

Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì phải đi với cộng đồng, doanh nhân Việt kiều tâm niệm như vậy, và họ khởi động lại một sự nghiệp kỳ vĩ hơn trên từng kênh rạch miệt vườn Cửu Long, trên từng cánh đồng phù sa sông Hồng, trên từng vạt đồi lộng gió Tây Nguyên, trên từng làng nghề ven biển miền Trung.

Doanh nhân Việt kiều đầu tư vào nông nghiệp có lường trước những rủi ro không? Có chứ. Họ thừa thông minh và thừa trải nghiệm để thấy từng đoạn đường mấp mô gập ghềnh để đưa nông sản Việt vươn tầm thế giới.

Tuy nhiên, họ dám đánh cược bằng tất cả tình yêu của họ, và họ tin vào lao động cần cù và khả năng thích ứng của những người nông dân có chung huyết quản Tiên Rồng hào khí chinh phục mọi trở ngại. Sự đồng hành doanh nhân Việt kiều và nông dân Việt đã xua tan mọi mặc cảm, mọi âu lo, để cùng bước những nhịp điệu mạnh mẽ hơn, phấn chấn hơn, vững chãi hơn.

Ngành nông nghiệp Việt Nam và doanh nhân Việt kiều lại cùng nhau khởi hành đến những mùa xuân phía trước. Mùa xuân đầy khát vọng được chắt chiu từ 4.000 năm con Rồng cháu Tiên đùm bọc trìu mến.

Mùa xuân đầy mơ ước của những con người Việt Nam cần cù và sáng tạo, biết sống và biết yêu ngày mai Việt Nam. Có người từng thách đố “hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng quả đất lên”. Còn doanh nhân Việt kiều thế kỷ 21 lại nghĩ khác.

Doanh nhân Việt kiều nồng nhiệt nói với nông dân Việt rằng: Hãy cho tôi một nông sản hội đủ trái tim trìu mến và phẩm chất sáng tạo Việt Nam, tôi sẽ nhấc bổng hình ảnh Việt Nam lên tầm quốc tế!

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.