Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn tên khai sinh là Phạm Văn Thành, sinh ngày 23/5/1942 tại Phnom Penh, Campuchia. Dù ra đời ở xứ chùa tháp, nhưng huyết mạch quê cha Nam Định và quê mẹ Hưng Yên vẫn chảy những giai điệu dân ca Việt trong tâm hồn Phạm Văn Thành. Năm 15 tuổi, Phạm Văn Thành viết ca khúc đầu tay “Em là thiếu niên Việt kiều”.
Năm 1960, chàng trai Phạm Văn Thành gia nhập Đoàn Văn công Giải Phóng đóng tại căn cứ Tây Ninh. Mật danh hoạt động ở chiến khu Phạm Minh Tuấn do giáo sư Nguyễn Văn Hiếu đặt cho, cũng trở thành bút danh viết nhạc của ông từ đêm giao thừa 1961.
Tên tuổi nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn được xác định với ca khúc “Qua sông” viết năm 1963, sau những ca khúc phản ánh trực diện không khí chiến đấu như “Tiếng hát dân công”, “Đập tan kế hoạch Staley”, “Xông lên trả thù cho Tây Nguyên”...
Cuốn sách "Phạm Minh Tuấn những bài ca không quên" thống kê, trong một thập niên, từ 1963 đến 1973, hàng loạt ca khúc của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã xuất hiện để đồng hành bước chân quân dân miền Nam như “Xuân về trên quê ta”, “Giọng hò trên sông Ba Lai”, “Lá thư đảm đang”, “Anh vẫn đi chiến đấu” (lời Hoàng Việt), “Đi diệt Mỹ”, “Đường ta đi”, ‘Hò đào đường”, “Mở đường”, “Đắc Tô Mỹ nghẻo ngụy queo”, “Chuyển gạo”, “Tiếng hát dưới gầm cầu” (thơ Viễn Phương), “Bài ca nữ tự vệ Sài Gòn”, “Gởi anh giải phóng Trị Thiên”, “Ký ức cầu dây”, “Em đi về hướng bom rơi” (thơ Diệp Minh Tuyền), “Người gác núi”, “Đêm rừng”...
Sau Hiệp định Paris, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn ra Bắc theo học Trường Âm nhạc Việt Nam. Ngày non sông thống nhất, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn ở Hà Nội đã viết ca khúc “Đường tàu mùa xuân” trước khi trở về sinh sống tại TP.HCM.
Thập niên 80 của thế kỷ 20 là giai đoạn chín muồi trong hoạt động sáng tác của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Những ca khúc của ông vang lên khắp các sân khấu lớn nhỏ như “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ” (thơ Nguyễn Nhật Ánh), “Dấu chân phía trước” (thơ Hồ Thi Ca), “Khát vọng” (thơ Đặng Việt Lợi) “Đất nước” (thơ Tạ Hữu Yên) “Như loài hoa cát”, “Mùa xuân từ những giếng dầu”, “Lối nhỏ vào đời”, “Hà Nội ơi thầm hát trong tôi”, “Tình khúc thiên thu”...
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn cũng là người tham gia viết nhạc cho một số bộ phim như “Giã từ những đêm trắng”, “Dòng sông ám ảnh”, “Ngôi sao biển”, “Người không mang súng”, “Viên ngọc Côn Sơn”... Riêng ca khúc "Bài ca không quên” viết cho bộ phim cùng tên đã vượt khỏi màn ảnh, và trở thành một trong những tác phẩm quen thuộc nhất của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn.
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn có thời gian làm Phó Giám đốc Nhạc viện TP.HCM và Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TP.HCM, vì vậy ông cũng dành nhiều sự quan tâm cho sự phát triển của đời sống âm nhạc: “Thế hệ tôi lý tưởng là chống giặc ngoại xâm, chấm dứt chiến tranh, xây dựng lại đất nước và bảo vệ biên cương vì độc lập tự do của Tổ quốc. Tôi nghĩ mục tiêu hiện nay là làm thế nào để dân giàu nước mạnh. Do đó mỗi thanh niên phải dựa vào hoàn cảnh của mình để đưa ra những mục tiêu cụ thể cho mình, cho đất nước và phải nhớ đến công ơn những đấng sinh thành ra mình, cho dù xã hội phát triển đến đâu thì cũng nhớ đến những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Nhạc trẻ hiện nay chủ yếu nói về những vấn đề cá nhân quá nhiều, họ chưa viết đúng tầm cái mà họ đang có. Tuy nhiên, tôi miễn bình luận vì mỗi người một phong cách, không ai giống ai nên không thể nói một lúc mà được”.
Cuốn sách “Phạm Minh Tuấn những bài ca không quên” dày hơn 500 trang, do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành, không chỉ giới thiệu gần 200 ca khúc, mà còn cung cấp có hệ thống một số sáng tác của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn ở thể loại hợp xướng tổ khúc, Romance và khí nhạc.
Ở tuổi 80, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn tuy “lão” mà chưa “an”. Ông vẫn lặng lẽ sáng tác, dù ít công bố. Bởi lẽ, ông quan niệm: “Âm nhạc đến với chúng ta từ lúc chào đời qua lời ru của mẹ và tiễn đưa chúng ta đến thế giới bên kia. Như vậy là không thể nào vắng âm nhạc được. Âm nhạc tự nguyện đến với chúng ta và chúng ta cũng vô tư đến với chúng. Bài hát nào hay sẽ còn mãi, cái nào dở sẽ bị rơi rụng.
Tuy nhiên hiện nay, dù cuộc sống của một viên chức về hưu chẳng dư giả gì, song thời điểm này, những ca khúc của tôi có tung ra thì nó cũng lẫn vào đâu đó, mặc dù tôi tự tin khẳng định rằng chúng khá hay. Tôi sẽ đợi cho đến khi chúng được yêu thích thật sự. Chính vì thế, gần hai mươi ca khúc tôi sáng tác trong thời gian gần đây cũng đang... nằm trong tủ.
Tôi cũng trăn trở nhiều lắm. Làm sao có được bút pháp mới phục vụ cho cuộc sống hôm nay, nói được tâm thế người Việt Nam thời hội nhập. Tôi vẫn đang tìm tòi, khi nào cảm thấy hài lòng, sẽ giới thiệu rộng rãi cho mọi người”.