Nhạc sĩ Văn Ký sinh ra tại Vụ Bản - Nam Định. Năm 1945, chàng trai Vũ Văn Ký 17 tuổi đã tham gia cướp chính quyền trong cao trào Cách mạng Tháng 8 tại Nông Cống - Thanh Hóa. Và từ đó, con đường kháng chiến đã mở ra con đường âm nhạc của nhạc sĩ Văn Ký.
Với ca khúc “Trăng xưa” viết năm 1948, nhạc sĩ Văn Ký chính thức đứng vào hàng ngũ văn nghệ sĩ ở Liên khu 4. Năm 1957, nhạc sĩ Văn Ký trở thành hội viên sáng lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Sau nhiều ca khúc cổ vũ tinh thần quân dân, nhạc sĩ Văn Ký viết ca khúc “Bài ca hy vọng” vào năm 1958. “Bài ca hy vọng” nhanh chóng lan rộng vào đời sống. “Bài ca hy vọng” không chỉ hát trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa mà còn vang lên khắp chiến trường miền Nam chống Mỹ. Đặc biệt, “Bài ca hy vọng” được xem như vũ khí tinh thần của những người yêu nước bị địch giam cầm và tù đày: “Đường ta đi lên xây đời trong hoa thơm có mùa xuân nào đẹp bằng. Về tương lai, ngày quê hương màu xanh áo mới chứa chan niềm tin…”.
Ngoài “Bài ca hy vọng”, trong gia tài âm nhạc hơn 400 ca khúc của nhạc sĩ Văn Ký còn có nhiều ca khúc quen thuộc với công chúng như “Trời Hà Nội xanh”, “Nha Trang mùa thu lại về”, “Tây Nguyên bất khuất”, “Cô gái Tày cầm đàn lên đỉnh núi”…
Nhạc sĩ Văn Ký còn là tác giả của nhiều nhạc cảnh, ca kịch và nhiều tổ khúc ca ngợi tình yêu, đất nước Việt Nam.
Nhạc sĩ Văn Ký được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.