Chủ dự án phớt lờ quy định?!
Dự án nhận chìm chất nạo vét (CNV) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư. Trước khi cấp phép, tháng 4/2023 chủ dự án đã lập và được UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) về dự án này.
Loại vật, chất được cấp phép nhận chìm của dự án có nguồn gốc từ việc nạo vét tại khu vực xây dựng công trình đê chắn sóng và luồng tàu vào cảng Chân Mây, thuộc dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 2.
Theo giấy phép, khu vực biển sử dụng để nhận chìm có diện tích là 49ha trong khu vực để nhận chìm CNV ngoài biển thuộc phạm vi quản lý tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được UBND tỉnh phê duyệt. Vị trí nhận chìm được giới hạn bởi các điểm góc cụ thể, có tọa độ thể hiện trên Bản đồ khu vực biển sử dụng để nhận chìm kèm theo Giấy phép được cấp; độ sâu sử dụng từ 30m đến 31m tính từ mức “0” hệ cao độ quốc gia.
Phương tiện chuyên chở, cách thức nhận chìm được sử dụng xáng cạp dung tích từ 6m3 đến 12m3, sà lan tự hành 1.000 tấn (dung tích 654m3), tàu kéo đẩy có công suất 1.200 CV (mỗi sà lan vận chuyển 3 chuyến/ngày); nhận chìm trung bình khoảng 7.879 m3/ngày, tối đa 14.400 m3/ngày; nhận chìm vật CNV theo hình thức xả đáy; thời hạn và thời điểm thực hiện hoạt động nhận chìm này là 18 tháng, kể từ ngày được UBND tỉnh cấp Giấy phép nhận chìm ở biển.
Chủ dự án nộp lệ phí cấp giấy phép nhận chìm ở biển theo quy định tại Thông tư 105/2018/TT-BTC ngày 15/11/2018 của Bộ Tài chính và các khoản phí theo quy định của pháp luật có liên quan.
Theo Giấy phép chủ dự án phải bố trí đủ kinh phí để thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, phục hồi môi trường trong quá trình thực hiện nhận chìm gây ra; chỉ được tiến hành nhận chìm sau khi được giao khu vực biển theo quy định của pháp luật; lập, phê duyệt và niêm yết công khai kế hoạch quản lý môi trường của Dự án tại UBND xã Lộc Vĩnh và tại trụ sở Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế, công nghiệp.
Thông báo về thời gian bắt đầu nhận chìm, thông tin về các phương tiện vận chuyển, thông tin về đơn vị thi công, đơn vị giám sát thi công nạo vét, nhận chìm, giám sát môi trường với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và các cơ quan chức năng liên quan trong đó có chính quyền địa phương là UBND xã Lộc Vĩnh để làm cơ sở cho việc theo dõi, kiểm tra, giám sát.
Đồng thời phải thực hiện nhận chìm đúng địa điểm, khối lượng, thành phần vật chất được phép nhận chìm, sử dụng đúng phương tiện chuyên chở, cách thức nhận chìm, thời điểm và thời hạn nhận chìm theo quy định của Giấy phép; phải có các biện pháp phòng, chống các sự cố, bảo đảm an toàn lao động, an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện nhận chìm.
Trường hợp có các dấu hiệu không đảm bảo an toàn, nhận chìm không đúng vị trí hoặc không đúng thành phần của CNV hoặc khối lượng bị hao hụt trong quá trình vận chuyển vật chất nhận chìm hoặc một trong các thông số quan trắc, giám sát môi trường vượt giới hạn cho phép thì phải dừng ngay hoạt động nhận chìm và thực hiện ngay các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường, khắc phục sự cố; đồng thời báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Mặc dù quy định như trên nhưng cuối tháng 6/2023, theo ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, UBND xã mới chỉ nhận được Giấy phép và Quyết định giao khu vực biển của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh (chủ dự án) để nhận chìm CNV ngoài biển, mà chưa thấy chủ dự án niêm yết công khai kế hoạch, các thông tin khác như quy định.
Theo ông Minh, trên địa bàn xã hiện có hàng trăm hộ dân nuôi trồng thủy sản và hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Do đó, xã mong muốn các cơ quan chức năng cần thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý, giám sát chặt chẽ để giảm thiểu tác động đến môi trường.
Trong khi đó, giải thích việc chủ dự án niêm yết công khai kế hoạch, các thông tin khác như quy định tại xã Lộc Vĩnh, ông Đặng Phúc Hiền, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Khu vực Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh nói rằng cơ quan ông đã gửi “đầy đủ” các văn bản, hồ sơ liên quan cho chính quyền xã Lộc Vĩnh, việc vì sao chưa niêm yết thì để ông kiểm tra lại (?!).
Phải đúng luật, thận trọng
Theo Giấy phép nói trên, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế quy định hàng loạt nhiệm vụ, biện pháp để giám sát chặt chẽ; yêu cầu chủ dự án phải đảm bảo các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái, an sinh kinh tế - xã hội.
Theo đó loại vật, chất nhận chìm chủ yếu là bùn (sét rất dẻo, màu xám xanh, xám ghi, trạng thái chảy) và cát bụi, kết cấu rời rạc; tỷ lệ bùn sét chiếm 83,7%, cát chiếm 16,3%.
CNV được phép nhận chìm không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quá quy chuẩn an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường; chủ dự án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin, số liệu, đánh giá và các kết quả tính toán, phân tích nêu trong hồ sơ đề nghị cấp phép nhận chìm ở biển.
Tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến hoạt động nhận chìm trong suốt quá trình nhận chìm ở biển; không cản trở hoặc gây thiệt hại đến hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên hợp pháp ở biển của tổ chức, cá nhân khác; thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường biển, chương trình quản lý, giám sát môi trường, giám sát hành trình, vị trí, khối lượng chất nhận chìm phải được thực hiện theo các nội dung trong ĐTM…
Nhận chìm hay xử lý CNV hiện nay đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế đang là vấn đề cấp bách, bức thiết và cũng rất nhạy cảm. Hồi tháng 3/2023, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ban hành Quyết định số 622/QĐ- UBND về việc “Phê duyệt khu vực để nhận chìm CNV ngoài biển thuộc phạm vi quản lý tỉnh Thừa Thiên - Huế”.
Theo đó, có 6,8 triệu mét khối sẽ được nhận chìm ngoài biển trên diện tích 800ha; trong đó phân làm hai khu vực, mỗi nơi khoảng 400ha nằm ngoài khơi vùng biển Chân Mây - Lăng Cô, thuộc xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc.
Đáng chú ý, do phạm vi tác động của khu vực nhận chìm CNV rộng, liên quan sinh kế hàng ngàn ngư dân của 6 xã, thị trấn của huyện Phú Lộc trong vùng ảnh hưởng, gồm Lăng Cô, Lộc Vĩnh, Lộc Bình, Vinh Hiền, Giang Hải và Vinh Mỹ nên Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh đã chủ trì từng bước thực hiện thận trọng, trong đó có công văn xin ý kiến của bộ, ngành trung ương.
Điều đáng tiếc, theo tìm hiểu của phóng viên, phần lớn các hộ ngư dân, hội nghề cá trong 6 xã, thị trấn vừa nêu không biết đến kế hoạch nhận chìm của tỉnh, trước khi Quyết định 622 được ký ban hành.
Khi được hỏi thông tin về dự án nhận chìm CNV đang triển khai trên địa bàn, lão ngư Huỳnh Văn Học, người dân thôn Bình An 2, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc cho biết, ông chưa nhận được thông tin chính thức nào từ chính quyền địa phương. "Dự án của Nhà nước thì người dân chấp hành nhưng thấy cũng lo lắng khi tôm cá ngày càng ít mà khu vực làm nghề truyền thống thì người ta lại đang đổ chất thải xuống", ông Học bày tỏ.
Theo PGS.TS Hoàng Công Tín, Trưởng Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế, thành viên Tổ phản biện Nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá hiện trạng, xác định khu vực để nhận chìm CNV ngoài biển thuộc phạm vi quản lý tỉnh Thừa Thiên - Huế” do Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh chủ trì, các hoạt động nhận chìm CNV phải được giám sát chặt chẽ để đảm bảo không có các tác động tiêu cực đến môi trường và hệ sinh thái biển.
“Cần tăng cường tần suất quan trắc chất lượng nước và khảo sát điều tra các hệ sinh thái biển. Bên cạnh đó, đánh giá tác động môi trường phải được tiến hành trước khi bắt đầu các hoạt động nhận chìm để đánh giá các tác động có thể xảy ra đối với môi trường, sinh kế, và các hoạt động kinh tế khác, từ đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa. Cùng với đó, cần đảm bảo vai trò giám sát của cộng đồng dân cư trong lĩnh vực nhận chìm CNV ngoài biển theo Điều 159 của Luật Bảo vệ môi trường 2020”, ông Tín nói.
Còn đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép theo từng dự án; nếu dự án nào không đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn, loại vật chất được phép nhận chìm xuống biển theo luật định, sẽ không được cấp phép, hoặc ngừng ngay khi xảy ra sự cố.
Vì sao chính quyền địa phương chưa cử người giám sát?
Theo ghi nhận, hơn 480.000m3 đầu tiên đã bắt đầu nhận chìm xuống biển Chân Mây trong những ngày gần đây, nhưng vẫn chưa có cán bộ, nhân dân giám sát. Lý giải việc này, ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh nói rằng lãnh đạo xã lo ngại về sự an toàn sức khỏe của cán bộ và người dân bởi hải trình vận chuyển CNV đi nhận chìm khá xa bờ (hơn 10km). “Việc này chúng tôi cần phải xin ý kiến của lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc mới giám quyết định”, ông Minh nói.