Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà quản lý, đại biểu Quốc hội khẳng định, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học là một quá trình bền bỉ, đòi hỏi phương pháp nhận diện kịp thời, có giải pháp và định hướng để kiểm soát, đặc biệt là trước áp lực của tăng trưởng và tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và đảm bảo môi trường
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim nêu rõ, chủ đề hội thảo là mối quan tâm, là mục tiêu của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo chung đó.
Chủ trương, định hướng của Đảng đã được thể chế hóa bằng hành lang chính sách, pháp luật và cụ thể hóa bằng các hành động quyết liệt, đồng bộ trong suốt thời gian qua. Nhận thức về vai trò vđất nước ngày càng sâu sắc hơn.
Tuy nhiên, Phó Tổng Biên tập Lê Thanh Kim xác nhận, công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học ở nước ta vẫn đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức. Tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học mặc dù đã được kiểm soát song vẫn diễn biến phức tạp, một số nơi, khu vực vẫn ở mức đáng báo động. “Nguy cơ này nếu không có giải pháp để kiểm soát, xử lý kịp thời sẽ tác động lớn đến mục tiêu phát triển bền vững”.
Tại hội thảo, các đại biểu nhất trí cho rằng, phát triển kinh tế, xã hội bền vững gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học là yêu cầu rất cần thiết và mang tính lâu dài. Đây cũng là xu thế chung, buộc chúng ta phải thực hiện để hướng tới phát triển bền vững, cụ thể hóa mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị quyết số 36-NQ/TW và hệ thống các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các địa phương, bộ ngành với nhiều quan điểm tư tưởng tiến bộ, nội dung đổi mới… Về khung khổ chiến lược, chính sách cơ bản đã đầy đủ, vấn đề là việc tổ chức thực hiện và triển khai trong thực tế.
Đồng tình với ý kiến trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, phát triển đồng bộ, cân bằng giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường cần có sự tham gia của tất cả các bên. Vai trò này rất quan trọng, phải đi trước. Đơn cử, nhìn ở góc độ doanh nghiệp, vấn đề môi trường có tác động trực tiếp đến giảm năng lực cạnh tranh quốc gia và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Do đó, cần làm là phải rất nhanh, quyết liệt, khẩn trương, nhanh chóng hoàn thiện toàn bộ nhiệm vụ về thể chế.
Trước thực tế đó, để hài hoà giữa mối quan hệ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo môi trường, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, tất cả những dự án trước khi hoàn thành phải có công cụ kiểm soát, đảm bảo sàng lọc đạt quy chuẩn các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Cùng với đó, cần tăng cường giám sát, kiểm tra, hoàn thiện thêm chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe để bảo đảm tính tuân thủ pháp luật về môi trường.
TS. Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển cũng đề nghị các địa phương cần có nghị quyết, kế hoạch cụ thể để thực hiện, ban hành quy trình – vấn đề quan trọng để bảo đảm vấn đề môi trường đặt trong tổng thể chung.
Thể hiện rõ vai trò của cơ quan dân cử trong hoạt động giám sát
“Muốn phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, thì vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND vô cùng quan trọng”. Đó là khẳng định GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh, Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Ông khẳng định, Quốc hội luôn thực hiện tốt vai trò giám sát trong các dự án liên quan đến vấn đề môi trường. Từ đó, là cơ sở định hướng cho Chính phủ, các cơ quan hữu quan thực hiện, nhiều dự án không bảo đảm yếu tố về bảo vệ môi trường, bảo đảm đa dạng sinh học đã bị dừng triển khai.
Cũng nhấn mạnh đến vai trò giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết, tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 tổ chức sáng nay (17/11), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao hiêu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội, các đoàn ĐBQH, các vị ĐBQH, các ủy ban của Quốc hội, HĐND các cấp… Đặc biệt quan tâm, tập trung việc giám sát vấn đề bức xúc mà cử tri quan tâm. “Công khai kết quả giám sát như thế nào để tạo ra sự chuyển biển thực sự trong xã hội cũng như các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ môi trường”.
Ông Thi cho biết, thực tế qua tập hợp kiến nghị của các ĐBQH và HĐND đã có 34 kiến nghị và vướng mắc, bất cập khi triển khai thực hiện Nghị định 08 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường; hay một số kiến nghị về vướng mắc, bất cập khi triển khai thực hiện Thông tư 02 của Bộ Tài nguyên môi trường quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường mới ban hành năm 2022.
Ông Thi cũng nêu con số: cả nước còn 27/293 khu công nghiệp đang hoạt động mà chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, và đặc biệt ở một số đô thị lớn, tính đến tháng 9/2023. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ Sáu mới đây, vấn đề ô nhiễm môi trường lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Sài Gòn, Đồng Nai… cũng được các đại biểu đề nghị làm rõ.
Bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học cần đặt vai trò, sự tham gia của toàn xã hội một cách có trách nhiệm hơn. Vì vậy, GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh đề nghị cần có cơ chế, chính sách cụ thể để phát huy vai trò của cộng đồng, vận động người dân tham gia sâu, rộng vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường. Thúc đẩy thực hiện việc giám sát nhân dân với công tác bảo đảm nhiệm vụ, quy định về bảo vệ môi trường… GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho rằng, khi thực hiện được các mục tiêu này sẽ tạo cơ sở cho việc thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội đề ra.
"Việc thông qua Khung toàn cầu đa dạng sinh học sau năm 2020 (GBF) đã có những tác động nhất định đến việc huy động nguồn lực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam. Điều này vừa tạo cơ hội khi Việt Nam là nước đang phát triển nên tiếp cận được nguồn hỗ trợ từ các nước phát triển; song thách thức là phần kinh phí còn lại phải huy động được từ nguồn tài chính truyền thống.
Hiện, tài chính cho đa dạng sinh học chủ yếu trong 1% chi cho bảo vệ môi trường và thực tế rất hạn chế. Khảo sát tại các Vườn quốc gia chủ yếu chỉ đủ duy trì cho vận hành hành chính, tuần tra bảo vệ, còn bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, phát huy giá trị của Vườn quốc gia để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững thì chưa có nguồn lực thực hiện. Ngoài ra, các quốc gia cần huy động nguồn lực tài chính mới, như các tín chỉ đa dạng sinh học, tín dụng xanh, trái phiếu xanh...
Về nguồn lực cho đa dạng sinh học, dù văn bản rất quan trọng song thực tiễn đầu tư lại rất ít, chưa được quan tâm. Theo đánh giá của UNDP, chúng ta chỉ đáp ứng rất thấp cho đa dạng sinh học, chỉ khoảng 10%. Do đó, mục tiêu tham vọng nhưng nguồn lực không có nên khó thực hiện", bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường, phát biểu.
Chi phí bảo vệ môi trường khiến chi phí đầu tư của doanh nghiệp tăng cao?
Thực tế, trong suốt 35 năm phát triển kinh tế, chúng ta không hạch toán vốn tự nhiên này vào chi phí của hàng hóa, dịch vụ. Chúng ta chỉ tính chi phí về khai thác, không tính tới giá trị của tài nguyên đó được hình thành hàng tỷ năm, hàng triệu năm mới có được. Chúng ta đang hưởng lợi nhờ thiên nhiên. Theo ước tính của Tổ chức Bảo
tồn thiên nhiên, giá trị này tương đương khoảng 55 % GGD toàn cầu, khoảng 58 nghìn tỷ là do thiên nhiên ban tặng.
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế