"Bộ NN-PTNT tổ chức đoàn làm việc với TP. Hà Nội để kiểm tra một số chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, Bộ muốn làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, hợp tác xã, để tháo gỡ khó khăn trong thời Covid-19, nhằm đẩy nhanh tiêu thụ nông sản", Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chia sẻ khi tới thăm cơ sở sản xuất của Công ty Cổ phần Đầu tư An
Hòa tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội chiều 1/6.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Hà Nội đã xây dựng được nhiều chuỗi nông sản an toàn, đặc biệt là tại các vùng ven đô như Văn Đức. Với thế mạnh phát triển rau, hoa, những vùng ven này cung cấp cho thành phố hàng chục tấn rau mỗi ngày, đồng thời xứng đáng là mô hình điểm để nhân rộng ra cả nước.
Chuyến thăm của Thứ trưởng Trần Thanh Nam đến ngay sau khi Bộ NN-PTNT dự thảo về Chương trình phối hợp giữa Hà Nội với các tỉnh, thành lân cận trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu của Bộ NN-PTNT là đẩy mạnh hợp tác, liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, Bộ muốn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước. Đây là một kế hoạch lớn, có thể tăng tỷ trọng một số sản phẩm chủ lực như thịt, rau, thủy sản, gạo... trong 5 năm tới.
Với kế hoạch tăng giá trị chuỗi cung ứng tối thiểu 10% năm, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị: "Kết nối người sản xuất, hợp tác xã, người tiêu thụ để làm thành chuỗi giá trị. Có như vậy mới vừa nâng cao giá trị nông sản, vừa đảm bảo chất lượng thực phẩm".
Một trong những trở ngại lớn nhất trong việc nâng giá trị chuỗi cung ứng nông sản là dịch Covid-19. Để kiểm soát dịch bệnh, nhiều chốt kiểm dịch được dựng nên, khiến việc lưu thông hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng bị chậm trễ.
Giải pháp được Thứ trưởng Trần Thanh Nam đưa ra, là liên kết trực tuyến các hợp tác xã với những doanh nghiệp lớn hoặc chợ đầu mối.
Ông cũng chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp lập các diễn đàn online để kết nối vùng nguyên liệu với các tập đoàn bán lẻ trong cả nước.
"Qua buổi kiểm tra thực địa hôm nay, chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị có sự tham gia của nhiều bên liên quan, nhằm tăng chuỗi giá trị cung ứng. Có như vậy, những mô hình tốt mới được nhân rộng ra 21 tỉnh, thành phố phía Bắc vừa ký kết hợp tác với Hà Nội", ông nhấn mạnh.
Trong giai đoạn 2015-2020, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tăng mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội tăng 486%, Sơn La tăng 414%, Hà Nam tăng 160%... Đây là cơ sở để Bộ NN-PTNT thúc đẩy các Sở NN-PTNT vào cuộc, với phương châm đảm bảo tiêu thụ nông sản bình thường cả trước, trong và sau dịch Covid-19.
Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ NNPTNT và TP.Hà Nội đặt mục tiêu nâng số chuỗi, quy mô chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn được truy xuất nguồn gốc tăng 10%/năm, 7 chuỗi được nâng cấp theo chuẩn mực quốc tế và số chuỗi giá trị ngành hàng được nhân rộng 200%/năm.
Sau 5 năm thực hiện đã thiết lập được 786 chuỗi liên kết giữa Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố, chiếm 48% số chuỗi của cả nước. Các chuỗi đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tích cực hưởng ứng tham gia.
Nhiều chuỗi được tổ chức khép kín từ khâu sản xuất đến khâu phân phối tiêu thụ sản phẩm, tạo ra các thương hiệu sản phẩm mạnh trên thị trường, như: Hợp tác xã Hoàng Long, thịt lợn Oganic Green, trứng gà Công ty CP Tiên Viên, nấm công ty Kinoko Thanh Cao...
Trong khuôn khổ Chương trình, nhiều hoạt động kết nối giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh được triển khai để giới thiệu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản và đặc sản vùng miền, đồng thời hỗ trợ lưu thông hàng hóa trên địa bàn thành phố.