| Hotline: 0983.970.780

Nhật ký thời chiến hé lộ vẻ đẹp con người Việt Nam

Thứ Năm 30/04/2020 , 08:10 (GMT+7)

Nhân dịp 45 năm thống nhất đất nước, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn đã ấn hành bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” gồm 4 tập, với hơn 30 tác giả.

Bộ sách 'Nhật ký thời chiến Việt Nam' được ấn hành nhân dịp 45 năm thống nhất đất nước. Ảnh: ĐXT.

Bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam" được ấn hành nhân dịp 45 năm thống nhất đất nước. Ảnh: ĐXT.

Từ cuốn sổ tay mang tính riêng tư của từng chiến sĩ, những trang viết đầy hơi thở đạn bom và ân tình đã bước vào đời sống xã hội, đã hé lộ vẻ đẹp con người Việt Nam trong khói lửa nguy nan.

Điều độc đáo của bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” mà ai cũng có thể nhận ra, đó là cuộc sống đa dạng của các tác giả. Có người là chiến sĩ công binh, có người là chiến sĩ đặc công, có người là chiến sĩ phòng không, có người là cán bộ khoa giáo chi viện cho chiến trường miền Nam… “Nhật ký Hoàng Công Sơn thì đại diện cho binh chủng Đặc công; nhật ký Tây tiến viễn chinh đại diện cho thế hệ các chiến sĩ làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia thập niên 80…

Hầu hết công chúng không xa lạ với thể loại nhật ký chiến tranh. Bởi lẽ, trước đây có hai tác phẩm từng xôn xao độc giả khắp nơi là “Mãi mãi tuổi hai mươi” và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”.

Thế nhưng, nhận thấy vẫn còn hàng vạn tác phẩm khác vẫn chìm khuất trong đâu đó trong từng ngõ nhỏ, trong từng xóm nghèo đang ẩn giấu bao điều muốn kể lại, nhà văn Đặng Vương Hưng và các đồng nghiệp đã cất công sưu tầm.

Kết quả, hơn hai chục nhật ký khác được tìm thấy trong di vật những người lính năm xưa mà thân nhân của họ luôn nâng niu cất giữ.

Bây giờ, với bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”, độc giả được biết thêm những tác phẩm ấn tượng như “Gửi lại mai sau” của Nguyễn Hải Trường, “Nhật ký vượt Trường Sơn” của Phạm Quang Nghị, “Những ngày trong vòng vây” của Trần Mai Hạnh, “Nhật ký chiến trường” của Dương Thị Xuân Quý, “Bê trọc” của Phạm Việt Long, “Nhật ký đi B” của Triệu Bôn, “Trở về trong giấc mơ” của Trần Minh Tiến hoặc “Tài hoa ra trận” của chàng họa sĩ Hoàng Thượng Lân, “Trời xanh không biên giới” của Đặng Sỹ Ngọc, “Bão lửa cầu vồng” của Nguyễn Văn Thân…

Hầu hết tác phẩm xuất hiện trong “Nhật ký thời chiến Việt Nam” đều có tuổi đời hơn 45 năm. Tức là được viết trước khi lá cờ chiến thắng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975.

Thế nhưng, thú vị hơn là ở lực lượng tham gia nghĩa vụ quốc tế trên chiến trường Campuchia, cũng có nhật ký “Tây tiến viễn chinh” của Trần Duy Chiến viết những năm đầu thập niên 80 ở thế kỷ trước.

Tác giả Trần Duy Chiến đã viết rất nhiều về những “thói hư tật xấu” trong sinh hoạt của người Tiểu đội trưởng và những đồng đội trong đơn vị.

Kết thúc chiến tranh, hầu hết các nhân vật nhiều “thói hư tật xấu” đó và kể cả tác giả, đều hi sinh. Khi thân nhân gia đình các anh đi tìm mộ ở nghĩa trang liệt sĩ Sông Bé, thì có một điều kỳ lạ, rất khó giải thích: Mộ của các anh được quy tập thành hàng, Tiểu đội trưởng “đứng” đầu tiên, như là khi còn sống, họ vẫn trong một hàng quân, cùng đội ngũ…

Đại diện những người biên soạn “Nhật ký thời chiến Việt Nam”, nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ: "Dù sự xuất hiện của các tác giả có khác nhau về tuổi tác, trình độ văn hóa và những trang ghi chép khác nhau về chiến trường, về thời gian… nhưng các trang nhật ký trong bộ sách này đều giống nhau ở một điểm chung: Đó là những tâm sự của những người con đã hiến dâng tuổi thanh xuân, hiến dâng cả cuộc đời mình cho tương lai đất nước - qua những trang nhật ký, những lời tâm tình gan ruột của những người anh, người cha, người chồng, người vợ, người con, người thầy, người bạn với những người thân yêu của mình, trong phút dừng chân trên chặng đường hành quân ra trận, trong khoảnh khắc yên lặng giữa hai trận đánh… 

Công việc viết văn đã giúp tôi “ngộ” ra một điều: Đôi khi, chính những trang nhật ký, ghi chép sổ tay... tưởng chừng rất đỗi riêng tư, xưa cũ, lại mang đến cho chúng ta những thông tin và tư liệu cực kỳ quý báu; chúng có thể gợi mở biết bao điều về đời sống tinh thần, vật chất và cả văn hóa của xã hội trong quá khứ; góp phần lý giải những bí mật của lịch sử, làm cho cuộc sống hiện tại và tương lai của chúng ta tốt đẹp hơn! 

Những trang nhật ký mà chúng tôi sưu tầm được nhờ sự nhiệt tình của đồng nghiệp và bạn đọc, đều được viết trong thời gian đất nước có chiến tranh.

Bản gốc của chúng hầu hết là những trang giấy đã bạc màu, nét mực đã nhòe, mờ vì thời gian, mưa nắng, vì cả mồ hôi và nước mắt, hầu hết đã được lưu giữ trong các bảo tàng có uy tín ở Việt Nam và cả ở nước ngoài”.

Bản thảo nhật ký được sưu tập từ di vật của những người lính năm xưa. Ảnh: ĐXT.

Bản thảo nhật ký được sưu tập từ di vật của những người lính năm xưa. Ảnh: ĐXT.

Nhật ký giống như người bạn tri kỷ của những chiến sĩ giữa lằn ranh sinh tử. Mặt khác, nhật ký cũng giống như một vũ khí để họ đối diện với sự khắc nghiệp của khói lửa.

Tác giả Nguyễn Văn Thạc, ngày 18/4/1972, đã lý giải vì sao nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” ra đời: “Nếu như người viết nhật ký là viết cho mình, cho riêng mình đọc thì cuốn nhật ký đó sẽ chân thực nhất, sẽ bề bộn và sầm uất nhất. Người ta sẽ mạnh dạn ghi cả vào đấy những suy nghĩ tồi tệ nhất mà sự thực họ có.

Nhưng nếu nhật ký mà có thể có người xem nữa thì nó sẽ khác và khác nhiều. Họ không dám nói thật, nói đúng bản chất sự kiện xẩy ra trong ngày, không dám nói hết và đúng những suy nghĩ đã nẩy nở và thai nghén trong lòng họ. Mà đó chính là điều tối kỵ khi viết nhật ký - Nó sẽ dạy cho người viết tự lừa dối ngòi bút của mình, tự lừa dối lương tâm của mình - Tóm lại, tạo ra 2 con người.

Người ta viết nhật ký có rất nhiều phương pháp. Và mỗi người tuỳ theo ý thích và sự quen thuộc của mình mà ghi chép. Có người chỉ thích viết ý nghĩ, có người hoàn toàn ghi những sự kiện nhỏ nhặt hàng ngày.

Còn mình, mình không biết thế nào, có lẽ vừa ghi những sự kiện, vừa ghi những suy nghĩ. Nhiều lúc cũng khó mà phân biệt đâu là suy nghĩ, đâu là sự kiện. Và sự trộn lẫn ấy là một điều rất qúy”.

Tương tự, tác giả Đặng Thùy Trâm ngày 15/6/1968, đã tâm sự: “Nhật ký ơi! Đừng trách Thuỳ nghe, nếu như Thùy cứ ghi vào nhật ký những dòng tâm sự nặng trĩu đau buồn. Tiếng súng chiến thắng đang nổ dòn khắp chiến trường Nam Bắc. Thắng lợi đã đến gần chúng ta rồi… Nhưng trên mảnh đất Đức Phổ này vẫn còn nặng những đau thương, ngày từng ngày máu vẫn rơi xương vẫn đổ.

Điều đáng buồn nhất là trong những hy sinh gian khổ ấy Th. chưa thấy được sự công bằng, sự trung thực. Chưa có một sự đấu tranh để thắng được những cái ty tiện đớn hèn cứ xảy ra làm sứt mẻ danh dự của hai chữ Đảng viên và làm mòn mỏi niềm vui say công tác của mọi người trong bệnh xá.

Thùy ơi! Th. chịu thua sao? Khi mà anh em quần chúng đảng viên, thanh niên đều ủng hộ Th. mà vẫn không thắng được một vài cá nhân đang hoành hành trong đội ngũ cán bộ của bệnh xá.

Cả mùa khô ác liệt không một lúc nào mình thấy bi quan, mình luôn cười trong gian khổ vậy mà bây giờ mình đau khổ quá đi. Kẻ thù phi nghĩa không sợ mà sợ những nọc độc của kẻ thù còn rớt lại trong đồng chí của mình”.

Những trang nhật ký chiến tranh không chỉ có giá trị tư liệu, mà còn hiển lộ tầm vóc của tác phẩm văn học thực sự. Vì sao, vì không ít nhà thơ, nhà báo đã cầm súng bảo vệ non sông bằng ngọn lửa thiêng liêng từ trái tim mình. Nhật ký của họ để lại, giúp người Việt Nam hôm nay được thêm thấu hiểu về một thời gian nan và thêm tự hào một thời gian nan.

Nhật ký của Chu Cẩm Phong không chỉ nói về cá nhân, mà còn khắc họa chân dung những người dân bình thường từng đối mặt với cam go một cách hiên ngang và đẹp đẽ.

Ngày 7/5/1968, Chu Cẩm Phong viết về một người phụ nữ can trường ở vùng đất Quảng Nam: “Anh đi tập kết lúc chị có mang hai tháng. Ở lại quê, chị vừa sinh được một tháng thì chúng bắt hai mẹ con ra phơi nắng buộc chị ly dị chồng...

Chị bồng con ngồi giữa nắng tháng sáu, chiếc áo bà ba đen nóng rẫy như một miếng sắt nung đỏ áp vào lưng. Chị ôm chặt con vào lòng, cúi gập xuống, cố lấy thân mình che nắng cho con, chị xổ mái tóc dày của chị làm tấm rèm che nắng cho con, đứa bé đỏ hỏn vẫn nhắm nghiền cặp mắt khóc thét đến tắt cả tiếng.

Chị không khóc mà nước mắt cứ trào ra vì căm giận kẻ ác và xót thương hòn máu của chồng để lại. Nước mắt chị nhỏ xuống mặt con, chị không lau chùi, mong nước mắt mình, nước mắt của người mẹ sẽ làm dịu bớt cơn nóng thiêu đốt”.

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

U23 Việt Nam đặt mục tiêu thắng U23 Malaysia

U23 Việt Nam đã trở lại tập luyện để chuẩn bị cho trận tiếp theo gặp U23 Malaysia tại bảng D VCK U23 châu Á 2024. Đây là trận đấu mang tính bản lề.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm