| Hotline: 0983.970.780

Nhiều doanh nghiệp lớn chọn Đắk Lắk để đầu tư

Thứ Năm 11/05/2023 , 10:42 (GMT+7)

Với lợi thế về khí hậu, đất đai, chính sách ưu đãi, thời gian qua tỉnh Đắk Lắk đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp với nguồn vốn ngàn tỷ.

Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là đầu tàu dẫn dắt, hỗ trợ và tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo phát triển có hiệu quả và bền vững. Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk về kết quả thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk. Ảnh: Minh Quý.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk. Ảnh: Minh Quý.

Xin ông cho biết tình hình các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tỉnh nhà thời gian qua?

Với lợi thế về khí hậu, đất đai, trong những năm qua tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng được nhiều vùng nông sản lớn, có chất lượng, đáp ứng các quy trình xuất khẩu. Đặc biệt, Đắk Lắk đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nên thời gian qua đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn.

Tình hình thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và rất tâm huyết đối với lĩnh vực này, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Cụ thể đối với lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật (BVTV), hiện trên địa bàn tỉnh có trên 1.450 cơ sở đủ điều kiện kinh doanh thuốc BVTV và 1.650 cơ sở đủ điều kiện buôn bán phân bón. Trong đó có 43 doanh nghiệp phân phối thuốc BVTV và 102 doanh nghiệp phân phối phân bón.

Về chăn nuôi, hiện Đắk Lắk có 8 công ty chăn nuôi triển khai liên kết sản xuất chăn nuôi lợn, gà theo hình thức gia công với khoảng 400 trang trại quy mô 200.000 con lợn và 3 triệu con gà. Đối với ngành lâm nghiệp, trên địa bàn tỉnh hiện có 64 dự án được thuê đất đầu tư phát triển nông lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp với diện tích đất được thuê hơn 43.300ha. 

Về lĩnh vực thủy sản, tỉnh Đắk Lắk hiện có 4 doanh nghiệp, 14 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác, 2 trang trại và 7 chi hội nghề cá hoạt động sản xuất thủy sản. Đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến, hiện toàn tỉnh có khoảng 500 cơ sở; trong đó có 220 cơ sở chế biến cà phê bột, hạt rang, hòa tan; 280 cơ sở chế biến mắc ca, ca cao, điều, gạo, sơ chế trái cây tươi, trái cây sấy, trái cây động lạnh...

Cà phê là thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk, hiện có hàng trăm doanh nghiệp đầu tư chế biến loại nông sản này. Ảnh: Tuấn Anh.

Cà phê là thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk, hiện có hàng trăm doanh nghiệp đầu tư chế biến loại nông sản này. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhìn chung các doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, hiệu quả và ngày càng phát triển tốt. Những doanh nghiệp này đã tạo thu nhập, việc làm cho lao động địa phương, góp phần ổn định xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Như ông đã nói ở trên có rất nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào nông nghiệp tại Đắk Lắk, xin ông cho biết cụ thể những dự án này đầu tư vào những lĩnh vực nào?

Như tôi đã nói ở trên, hiện nay trên địa bàn Đắk Lắk có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tiêu biểu có thể kể đến một số doanh nghiệp lớn có tiềm lực như Tập đoàn Xuân Thiện đang triển khai đầu tư dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Thiện Cư M’gar với tổng diện tích 107,6ha tại xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar và tổng vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu đang triển khai xây dựng Dự án nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu Chánh Thu Đắk Lắk với công suất 70.000 tấn nguyên liệu/năm, tổng vốn đầu tư hơn 467 tỷ đồng. Công ty Cổ phần phát triển nông nghiệp công nghệ cao DHN Đắk Lắk đầu tư dự án sản xuất lợn giống phẩm cấp cụ kỵ, ông bà đã đi vào sản xuất giai đoạn 1, quy mô 2.000 con lợn nái sinh sản tại xã Ea M’Droh, huyện Cư M’gar (có gắn chíp theo dõi cho từng cá thể). Công ty Banana Brothers Farm đã triển khai trồng gần 150ha giống chuối già Nam Mỹ theo hướng công nghệ cao tại thôn 1, xã Ea Riêng, huyện M'Đrắk, tỉnh Đắk Lắk. Công ty TNHH MTV Cá tầm Việt Nam hàng năm nuôi thả trung bình 385 lồng nuôi, với 52.000 con…

Tập đoàn Chánh Thu đang triển khai xây dựng nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu tại Đắk Lắk có công suất 70.000 tấn nguyên liệu/năm, tổng vốn đầu tư hơn 467 tỷ đồng. Ảnh: Tuấn Anh.

Tập đoàn Chánh Thu đang triển khai xây dựng nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu tại Đắk Lắk có công suất 70.000 tấn nguyên liệu/năm, tổng vốn đầu tư hơn 467 tỷ đồng. Ảnh: Tuấn Anh.

Đặc biệt trong năm 2022, ngành nông nghiệp Đắk Lắk đã chủ động tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Bộ NN-PTNT đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh với 109 danh mục dự án được đề xuất mời gọi đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp đã tìm về Đắk Lắk đầu tư vào nông nghiệp, đâu là kết quả của chính sách mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, thưa ông?

Trong thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp tìm về Đắk Lắk đầu tư vào nông nghiệp, để có được sự quan tâm đầu tư đó, ngoài các yếu tố về điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chính sách hỗ trợ để thu hút đầu tư. Cụ thể, tỉnh có hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng để thu hút các doanh nghiệp đầu tư; Các doanh nghiệp được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng; Nông nghiệp là một trong 3 ngành chủ lực của tỉnh nên được sự quan tâm hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, hình thành môi trường đầu tư đặc biệt thuận lợi.

Tập đoàn Chánh Thu khởi công nhà máy chế biến trai cây tại Đắk Lắk tháng 3/2023. Ảnh: Minh Quý.

Tập đoàn Chánh Thu khởi công nhà máy chế biến trai cây tại Đắk Lắk tháng 3/2023. Ảnh: Minh Quý.

Cùng với đó là kết cầu hạ tầng đã và đang được đầu tư đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi rất thuận lợi cho hoạt động sản xuất và giao thương và cuối cùng là tình hình an ninh chính trị của tỉnh cơ bản đảm bảo tạo điều kiện cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Thưa ông, các doanh nghiệp tìm về Đắk Lắk để đầu tư đã mang lại những lợi ích gì cho ngành nông nghiệp?

Các doanh nghiệp tìm về Đắk Lắk đầu tư đã mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho nền nông nghiệp nói riêng và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung. Các doanh nghiệp là đầu tàu dẫn dắt, hỗ trợ và tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo phát triển có hiệu quả và bền vững. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 113 chuỗi liên kết do UBND tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã phê duyệt thực hiện; trong đó, cấp tỉnh có 6 chuỗi, cấp huyện có 105 chuỗi và cấp xã có 2 chuỗi. Bên cạnh đó, còn có nhiều chuỗi liên kết do doanh nghiệp và người nông dân tự thực hiện.

Cùng với đó, doanh nghiệp đầu tư vào Đắk Lắk đã mang lại nguồn thu ngân sách lớn từ việc đóng thuế của các doanh nghiệp. Từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã được cấp 63 mã vùng trồng với tổng diện tích gần 2.855ha, đây là một trong các yếu tố để hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Hơn nữa, có nhiều doanh nghiệp lớn vào đầu tư còn giúp tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, do các doanh nghiệp có đủ nguồn lực về kinh phí để thực hiện đầu tư.

Sầu riêng là loại nông sản đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp đầu tư thu mua, chế biến để xuất khẩu ở Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Anh.

Sầu riêng là loại nông sản đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp đầu tư thu mua, chế biến để xuất khẩu ở Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Anh.

Hiện nay, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp đã được triển khai trên diện rộng. Trong trồng trọt đã áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, trồng trọt trong nhà kính. Trong chăn nuôi đã có một số đơn vị đã thực hiện gắn chíp theo sức khỏe vật nuôi, sử dụng hệ thống làm mát, máng ăn tự động. Trong thuỷ sản đã ứng dụng khoa học công nghệ để lai tạo giống mới, sử dụng phương pháp siêu âm trứng trong nuôi trồng cá tầm. Trong lâm nghiệp có ứng dụng ảnh viễn tham để theo dõi diễn biến rừng…

Cùng với đó là giải quyết vấn đề dư thừa sản phẩm, đảm bảo ổn định đầu ra cho nông sản của người dân. Đồng thời nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường nhờ việc kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào, sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận, liên kết theo chuỗi giá trị. Ngoài ra, doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, qua đó đã góp phần tạo nguồn thu nhập, ổn định đời sống cho người dân địa phương.

Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk: “Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Đắk Lắk sẽ ưu tiên tập trung phát triển nhiều lĩnh vực như: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nông nghiệp xanh; nông nghiệp tuần hoàn, đa giá trị; nông nghiệp có chứng nhận; phát triển nuôi cá nước lạnh, nuôi lồng bè trên sông và hồ chứa; phát triển lâm nghiệp bền vững; phát triển các mô hình canh tác nông lâm kết hợp phù hợp với địa phương; xây dựng và nhân rộng các mô hình lâm sản ngoài gỗ, trồng dược liệu dưới tán rừng; phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch với sinh thái nông lâm nghiệp mang bản sắc các dân tộc tại địa phương; phát triển các nhà máy bảo quản, chế biến nông lâm sản để nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông sản.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực này”.

Xem thêm
Hơn 500 kg lòng lợn hôi thối đang trên đường đi tiêu thụ

Lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên phát hiện 520kg lòng lợn bốc mùi hôi thối sắp được bán lại cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và sản xuất lạp sườn.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

STP hỗ trợ ngư dân trả góp lồng nuôi thủy sản HDPE không cần thế chấp

Nhằm giúp ngư dân chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản HDPE, STP Group đưa ra 3 chương trình hỗ trợ thuận lợi để bà con tiếp cận công nghệ nuôi biển mới.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.