| Hotline: 0983.970.780

Nhiều lỗi sai lịch sử trong 'Trần Hữu Nghiệp - đời là kẻ sĩ'

Thứ Ba 30/05/2023 , 09:36 (GMT+7)

Truyện ký 'Trần Hữu Nghiệp - đời là kẻ sĩ' của Đại tá - Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm do NXB Thanh niên phát hành năm 2021 có nhiều lỗi sai về lịch sử.

24 chương trong hơn 400 trang sách, Đại tá - Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm đã khắc họa chân dung Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp (1911 - 2006), nhân vật tiêu biểu của trí thức Nam Bộ. Tuy nhiên có nhiều chỗ tác giả hư cấu non tay khiến cho nhiều sự kiện và nhân vật xa rời với thực tế lịch sử đã diễn ra.

Về sự kiện đoàn 5 cán bộ Khu 8 lên thuyền vượt biển ra Bắc báo cáo tình hình miền Nam với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác giả Đỗ Viết Nghiệm liệt kê danh sách gồm: bà Nguyễn Thị Định (Ba Định) - Ủy viên Ban chấp hành Hội LHPN tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Văn Khước (Mười Khước) - đại biểu Quốc hội Khu 8, Giáo sư Ca Văn Thỉnh - cán bộ tỉnh Bến Tre, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp (Chín Nghiệp) - phụ trách y tế ở cù lao An Hóa - Mỹ Tho, ông Đào Công Trường - công tác quân sự Khu 8 (tr. 113 - 114). Tiếp đó, ở nhiều trang viết khác, nhà văn còn nhắc lại sự kiện này với nhân vật Đào Công Trường (tr. 118, 119, 127, 356,…).

Thực ra, không có nhân vật lịch sử nào trong kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ mang tên Đào Công Trường. Người mà tác giả Đỗ Viết Nghiệm muốn nhắc đến ở đây là ông Đào Văn Trường - Tư lệnh Khu 8.

 

Vì thiếu kiến thức lịch sử nên nhà văn cho rằng ông Nguyễn Văn Khước (Mười Khước) là đại biểu Quốc hội Khu 8 (tr. 114, tr. 356), Giáo sư Ca Văn Thỉnh là đại biểu Quốc hội Khu 9 (tr. 356). Đại biểu Quốc hội không có đại diện cho cấp Khu, mà chỉ có đại biểu của cấp tỉnh mà thôi. Ở đây, chúng tôi căn cứ theo tư liệu của Văn phòng Quốc hội thì không thấy có tên ông Nguyễn Văn Khước là đại biểu Quốc hội năm 1946 của tỉnh nào ở Nam Bộ. Còn Giáo sư Ca Văn Thỉnh cũng không phải đại biểu Quốc hội năm 1946.

Cũng vì thiếu tư liệu nên Đại tá Đỗ Viết Nghiệm khi viết về nhân vật lịch sử Đào Văn Trường có mở ngoặc đơn ở trang 356: (có tài liệu nói ông từng là tư lệnh Khu 9). Trước đó, ở trang 114, tác giả thừa nhận: Trong “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bến Tre (1930 - 2000)” cũng viết về sự kiện đoàn cán bộ Khu 8 có 5 người lên thuyền vượt biển ra Bắc báo cáo Trung ương, Chính phủ và Hồ Chủ tịch về tình hình miền Nam, và xin viện trợ vũ khí. Nhưng đáng tiếc “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bến Tre (1930 - 2000)” không có nhiều thông tin đầy đủ về chức vụ của từng thành viên, ngoài mấy dòng trong thành phần có người là đại biểu Quốc hội Khu 8.

Ở đây, chúng tôi xin chia sẻ thông tin về Đại tá Đào Văn Trường (1916 - 2017). Tên thật của ông là Thành Ngọc Quản, quê ở Bạch Mai - Hà Nội, một cán bộ lão thành cách mạng, một trong những thủ lĩnh thanh niên trong thời kỳ đấu tranh dân chủ (1936 - 1939). Ra tù Côn Đảo trở về đất liền sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông Đào Văn Trường được cử làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh Hậu Giang, Khu trưởng (Tư lệnh) Khu 8.

Trở ra miền Bắc cuối năm 1946, ông lần lượt giữ các chức vụ cao cấp trong Quân đội: Quyền Tổng tham mưu phó kiêm Trưởng phòng Tác chiến (nay là Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu), Đại đoàn phó - Quyền Đại đoàn trưởng Đại đoàn Công pháo 351 (nay là Bộ Tư lệnh Công binh và Bộ Tư lệnh Pháo binh),… Từ năm 1960, ông chuyển ngành, rời Quân đội ra công tác tại một số cơ quan như báo Nhân dân, Bộ GTVT, cho đến khi nghỉ hưu tại Bộ LĐ-TB&XH (1979).

 

Về sự kiện thành lập Chính phủ lâm thời, tác giả viết: “Ngày 27 tháng 8 năm 1945 tại Việt Bắc, Ủy ban Mặt trận Giải phóng Việt Nam họp tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch được cử làm Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lúc ấy ông còn đang hoạt động ở Nam Bộ” (tr. 130 - 131). Chỗ này, nhà văn Đỗ Viết Nghiệm có 2 điểm sai. Một là, tháng 8 năm 1945 không có tổ chức nào mang tên Ủy ban Mặt trận Giải phóng Việt Nam, mà chỉ có Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam. Hai là, Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam họp tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời ở Hà Nội chứ không phải ở Việt Bắc.

Tiếp đó, ở trang 133, tác giả viết: “Năm 1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, Hoàng Minh Giám được Bác Hồ, Quốc hội cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao”. Có lẽ vì quá yêu nhà giáo Hoàng Minh Giám nên nhà văn Đỗ Viết Nghiệm không biết rằng, phải đến năm 1947, khi đã dời lên Việt Bắc, cải tổ Chính phủ kháng chiến, thì ông Hoàng Minh Giám mới được cử làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Còn năm 1945, trong Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là Chủ tịch Hồ Chí Minh kiêm nhiệm.

Đại tá Đỗ Viết Nghiệm trong quá trình viết sách đã không phân biệt được rõ ràng chức vụ của các nhân vật lịch sử khiến cho sự kiện bị xáo trộn. Ông viết: “Sau khởi nghĩa tháng Tám, Ngô Tấn Nhơn ra Hà Nội tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội, ông được bầu làm Bộ trưởng Bộ Canh nông và Kinh tế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” (tr. 138).

Khi ông Ngô Tấn Nhơn ra Hà Nội họp là kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa I (10/1946). Phiên họp đầu tiên (2/3/1946), ông Ngô Tấn Nhơn chưa kịp ra. Tại kỳ họp thứ 2, ông Ngô Tấn Nhơn được Quốc hội bầu giữ chức Bộ trưởng Bộ Canh nông trong Chính phủ. Còn chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế để dành cho một người khác (cũng là người Nam Bộ). Không có Bộ tổng hợp Bộ Canh nông và Kinh tế và cũng không có chuyện ông Ngô Tấn Nhơn làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế.

Trang 139, tác giả cho rằng: “Ở Hà Nội tính ra được hơn một năm, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp vẫn có dịp gặp lại bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, nhưng bây giờ Phạm Ngọc Thạch đang giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế”. Lịch sử Chính phủ ghi rất rõ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch chỉ giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế trên danh nghĩa trong thời gian từ tháng 8/1945 đến 1/1946. Còn từ tháng 1/1946, ông Phạm Ngọc Thạch làm công tác khác.

 

Tương tự, do không nắm được thời gian Giáo sư Ca Văn Thỉnh làm Quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục chỉ từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1946, cho nên sang năm 1947 khi về đến căn cứ Đồng Tháp Mười, nhà văn Đỗ Viết Nghiệm vẫn để ông Ca Văn Thỉnh gắn với chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục (tr. 147) - lúc này đã được ông Nguyễn Văn Huyên tiếp nhận.

Ở một tiểu tiết khác, Đại tá Đỗ Viết Nghiệm sinh sống nhiều năm tại Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên là Trưởng đại diện Tạp chí Văn nghệ Quân đội ở phía Nam, lại không viết đúng địa danh kinh Dương Văn Dương - tên vị Thiếu tướng truy phong của miền Nam, mà viết sai thành “kinh Dương Vương” (tr. 149). Nam Bộ không có con kinh nào tên kinh Dương Vương!

Trao đổi với chúng tôi về những sai sót trong cuốn sách này, đại diện Nhà xuất bản Thanh niên, cho biết: Nhà xuất bản yêu cầu biên tập viên làm việc cùng tác giả Đỗ Viết Nghiệm để rà soát lại toàn bộ nội dung cuốn sách. Nhìn vào những điểm bạn đọc phản ánh nhà xuất bản cũng thấy nhiều lỗi sai về lịch sử. Có thể tác giả phóng bút viết song không tra cứu, mà chỉ nghe kể. Với những sai sót trong sách, Nhà xuất bản Thanh niên sẽ làm đính chính với bạn đọc.

Xem thêm
Tháng phim điện ảnh tri ân huyền thoại màn bạc Alain Delon

Tháng phim điện ảnh từ 12h ngày 16/12/ 2024 đến 24h ngày 16/1/2025, với ba tác phẩm nổi tiếng cho sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Alain Delon.

Vinicius Junior nhận giải FIFA The Best 2024

Tiền đạo người Brazil đã chiến thắng giải thưởng FIFA The Best đối với cầu thủ nam hay nhất năm 2024.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.