Đáng tiếc là triển lãm đã có nhiều thông tin sai về các tướng lĩnh và khi được góp ý để sửa chữa thì dù sửa vẫn sai.
Triển lãm để tôn vinh
Triển lãm giới thiệu gần 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu, được chia làm 3 phần:
Phần thứ nhất, giới thiệu một số hình ảnh, hiện vật thể hiện sự quan tâm Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, Nhà nước, Quân đội với các tướng lĩnh; tiêu biểu như lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tướng lĩnh trong Quân đội nhân dân Việt Nam; hình ảnh buổi lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tại Lục Rã (Thái Nguyên); một số quyết định phong quân hàm tướng cho các cán bộ quân đội năm 1948…
Phần thứ 2, tướng lĩnh qua những trận đánh chiến dịch tiêu biểu trong kháng chiến chống Pháp, giới thiệu một số hình ảnh hiện vật gắn với các tướng lĩnh đã trực tiếp chỉ huy chiến dịch như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cương vị là Chỉ huy trưởng chiến dịch Việt Bắc, Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch Biên Giới, Chiến dịch Điện Biên Phủ; Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tham mưu trưởng Chiến dịch Biên Giới...
Bảng giới thiệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chính xác |
Phần thứ 3, tướng lĩnh qua những trận đánh chiến dịch tiêu biểu trong kháng chiến chống Mỹ, giới thiệu hình ảnh, hiện vật của các tướng lĩnh trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy những trận đánh, chiến dịch tiêu biểu như các vị tướng: Nguyễn Chí Thanh, Trần Quý Hai, Lê Trọng Tấn, Chu Huy Mân, Lê Quang Đạo, Trần Văn Trà, Hoàng Minh Thảo, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Anh,…
Trung tá Mai Thị Ngọc – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam – phát biểu khai mạc triển lãm đã bày tỏ: “Triển lãm là sự tri ân và tôn vinh những công lao của các tướng lĩnh, giúp công chúng có được cái nhìn cụ thể hơn về những chiến thắng tiêu biểu của Quân đội nhân dân Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng”.
Những lỗi sai đáng tiếc
Trong bảng giới thiệu “Tướng lĩnh qua những trận đánh, chiến dịch tiêu biểu trong kháng chiến chống Pháp” trong ngày khai mạc có câu: “Ghi nhận tài năng, phẩm chất cách mạng và công lao đống góp của cán bộ chỉ huy Quân đội, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có 3 lần phong quân hàm Tướng cho 14 cán bộ lãnh đạo chỉ huy. Năm 1947 truy phong Thiếu tướng cho đồng chí Phùng Chí Kiên…”. Đây là thông tin sai. Bởi vì năm 1947, trong sắc lệnh 89/SL, truy phong ông Phùng Chí Kiên cấp tướng nhưng không có quân hàm. Vì vậy, không thể tùy tiện gắn cho người chỉ huy quân sự đầu tiên của Đảng quân hàm Thiếu tướng được.
Sau khi chúng tôi góp ý sau khai mạc, Bảo tàng đã tiến hành sửa chữa. Năm 1946, Chính phủ đã ra sắc lệnh phong Thiếu tướng cho ông Lê Thiết Hùng, năm 1947 truy phong ông Phùng Chí Kiên cấp tướng (không có cấp bậc), năm 1948 có đợt phong 11 vị tướng (trong đó có 1 Đại tướng là Võ Nguyên Giáp, 1 Trung tướng là Nguyễn Bình và 9 Thiếu tướng là Hoàng Văn Thái, Nguyễn Sơn, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Tử Bình, Trần Đại Nghĩa, Lê Thiết Hùng) và còn truy phong 2 Thiếu tướng cho cán bộ quân sự đã hy sinh trước đó. Điều này, mong rằng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ tiếp tục làm rõ.
Đại tướng là Võ Nguyên Giáp, triển lãm giới thiệu về các chức vụ đã qua, trong đó có viết: “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 2/1946 – 8/1947 và 8/1948 – 1980”. Đây là nội dung không chính xác. Tháng 2/1946, người giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong Chính phủ là ông Chu Văn Tấn (sau này được phong quân hàm Thượng tướng, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội trong nhiều năm). Còn từ tháng 3/1946 đến tháng 11/1946, người giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong Chính phủ là ông Phan Anh (sau này làm Bộ trưởng Bộ Công thương và Phó Chủ tịch Quốc hội trong nhiều năm). Ngoài ra, một số chức vụ khác của Đại tướng là Võ Nguyên Giáp cũng không chính xác khi giới thiệu. Thêm nữa, các vị tướng lĩnh đều có ghi một dòng được Đảng trao tặng Huy hiệu về tuổi Đảng. Nhưng Đại tướng là Võ Nguyên Giáp vì triển lãm lại… quên. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng (2010).
Phần giới thiệu về Đại tướng Hoàng Văn Thái ban đầu còn chưa cập nhật ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Đại tướng Lê Đức Anh thì thiếu cả Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng…
Tùy tiện và thiếu khoa học
Một đặc điểm chung mà chúng tôi nhận thấy tại triển lãm “Tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam qua những trận đánh, chiến dịch tiêu biểu trong hai cuộc kháng chiến” do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thực hiện đó là tùy tiện và thiếu khoa học. Những thông tin về cuộc đời và sự nghiệp các tướng lĩnh đưa vào thiếu chính xác, thiếu kiểm chứng mà thứ nhất. Thứ hai, việc chú thích về các tướng lĩnh cũng rất tùy tiện. Đã là triển lãm về tướng lĩnh thì thống nhất gọi theo quân hàm mà vị tướng đó được phong. Nhưng Đại tướng Lê Đức Anh thì giới thiệu là… đồng chí.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín (đứng giữa) duyệt triển lãm trước khi khai mạc |
Chú thích về các tướng lĩnh không theo trật tự bên trái, bên phải, hoặc đánh số thứ tự cho người xem được biết mà chú thích rất chung chung. Người xem là công chúng phổ thông, thậm chí là sinh viên, học sinh còn sinh sau khi nhiều vị tướng đã qua đời, làm sao có thể nhận diện được các tướng lĩnh trong số rất nhiều người xung quanh (trừ người thân của các tướng lĩnh).
Ví dụ, những bức ảnh về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ chú thích: “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại một cuộc họp cơ quan Trung ương Cục miền Nam, năm 1965), “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua đánh thắng Mỹ Ngụy, năm 1966”. Nhìn vào những bức ảnh đen trắng không còn rõ nét thì người xem không biết Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là ai, ở vị trí nào.
Ảnh tư liệu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được trưng bày tại triển lãm |
Một bức ảnh nổi tiếng của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long thì được chú thích: “Bà mẹ miền Nam gặp lại con sau bao năm xa cách”. Đây là bức ảnh xúc động người xem bao thế hệ, nhân vật trong bức ảnh là ông Lê Văn Thức quê ở Bến Tre, bị đày ra Côn Đảo và bị giam vào khu dành riêng cho tử tù (11/1968). Ảnh có đầy đủ tên tác giả chụp, có tiểu sử nhân vật rõ ràng, nhưng vào triển lãm trở thành chung chung.
Bức ảnh nổi tiếng của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long |
Chúng tôi được biết, chiều ngày 18/12/2018, thừa ủy quyền Thủ trưởng Tổng cục Chính trị (TCCT) Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn/TCCT đã đến duyệt triển lãm “Tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam qua những trận đánh, chiến dịch tiêu biểu trong hai cuộc kháng chiến” tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tham dự có Trung tá Mai Thị Ngọc, Giám đốc Bảo tàng cùng các đồng chí đại diện cơ quan chức năng thuộc TCCT. Vậy mà không hiểu sao vẫn để nhiều lỗi sai tại triển lãm như vậy?
Lý giải điều này, Trung tá Mai Thị Ngọc – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam – cho biết nguyên dân do triển lãm rất gấp nên có những sai sót. Bảo tàng đã cho điều chỉnh sau khi nhận được phản ánh và tiếp tục cho rà soát để sửa chữa.
Không chỉ riêng Đại tướng là Võ Nguyên Giáp, nhiều tướng lĩnh khác như Đại tướng Lê Trọng Tấn, Đại tướng Lê Đức Anh, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Trung tướng Trần Quý Hai, triển lãm cũng cung cấp những thông tin không chính xác về thân thế sự nghiệp và các chức vụ đã qua. |