Các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV ở Phú Yên hay mắc lỗi vi phạm nhãn mác |
Đó là đánh giá của ông Lê Tấn Khoa, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế (Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên).
Theo ông Khoa, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 500 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, nằm rải rác ở hầu hết các huyện, TP. Để quản lý các cơ sở dần đi vào nề nếp, Chi cục thường xuyên mở các lớp tập huấn về buôn bán thuốc BVTV, phổ biến các văn bản pháp luật mới liên quan đến lĩnh vực vật tư nông nghiệp (VTNN), đẩy mạnh công tác kiểm tra, phối hợp thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Theo đó, hàng năm ngoài việc tham gia vào đội liên ngành thanh tra đột xuất xử lý các cơ sở vi phạm, Chi cục còn lập đoàn riêng để thanh kiểm tra các sơ sở kinh doanh thuốc BVTV chưa được đội liên ngành kiểm tra. Qua theo dõi nhận thấy các cơ sở đều đăng ký giấy phép kinh doanh và được đào tạo lớp tập huấn về chuyên môn. Các mặt hàng thuốc BVTV khá đa đạng, nhiều chủng loại nhưng chưa phát hiện bán ngoài danh mục.
Song các cơ sở lại hay mắc những lỗi như vi phạm bao bì, nhãn mác, sản phẩm hết hạn sử dụng, chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Về những lỗi này, ông Khoa giải thích, đối với trường hợp vi phạm nhãn mác thường do các Cty sản xuất sau khi đăng ký sản phẩm ngoài Cục BVTV, với một vài đối tượng phòng trừ nhưng trên thực tế nhãn mác lại ghi nhiều đối tượng phòng trừ.
"Vừa qua chúng tôi phát hiện trường hợp vi phạm nhãn mác đối với một số sản phẩm thuốc dùng cho cây lúa. Về hướng xử lý, chúng tôi cho niêm phong toàn bộ số hàng vi phạm, đồng thời đề nghị các cơ sở kinh doanh, chuyển trả về nơi sản xuất để tái chế. Còn về sản phẩm hết hạn sử dụng, cũng có nhưng số lượng không nhiều", ông Khoa nói.
Số cơ sở chưa cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn toàn tỉnh mới có khoảng 150/500 cơ sở. Có rất nhiều nguyên nhân, như cơ sở ở vùng sâu, vùng xa không cập nhật thông tin hoặc các cơ sở có dự định chuyển đổi hay nâng cấp nên chưa gửi hồ sơ cho Chi cục Trồng trọt và BVTV thẩm định.
Về lỗi này nếu kiểm tra thấy cơ sở kinh doanh vi phạm lần đầu, đoàn thanh tra nhắc nhở, đồng thời hướng dẫn các thủ tục để hoàn thiện đủ điều kiện kinh doanh thuốc BVTV. Còn nếu cơ sở kinh doanh tái phạm, đoàn thanh tra sẽ xử phạt hành chính, đồng thời đình chỉ hoạt động kinh doanh.
Ngoài việc tăng cường thanh tra cơ sở kinh doanh, Chi cục còn xuống ruộng đồng ruộng kiểm tra nông dân sử dụng thuốc BVTV |
Theo thông kế của Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên, từ năm 2012 - 2016, tổng số số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính về các lỗi trên là 142 cơ sở. Riêng quý I/2017, có 6 cơ sở, trong đó 2 trường hợp vi phạm nhãn mác và 1 trường hợp buôn bán thuốc quá hạn sử dụng.
Như vậy, sau khi so sánh số cơ sở vi phạm và hành vi vi phạm giữa các năm thì có chiều hướng giảm, song tình trạng vi phạm nhãn mác lại mang tính phổ biến. Vì vậy các ngành chức năng cần tăng cường xử phạt hành chính.
Ông Khoa cho biết, hiện nay việc xử lý vi phạm hành chính gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, các cơ sở buôn bán nhỏ lẻ, theo thời vụ, trong khi đó, sự vào cuộc của chính quyền, nhất là cấp xã hầu như chưa có, công tác kiểm tra chủ yếu vẫn đang dựa vào lực lượng thanh tra BVTV vốn đã khá “mỏng”. Về công tác thanh kiểm tra, việc lấy mẫu để xét nghiệm thì kinh phí hầu như không có. Vì vậy khi Chi cục lấy mẫu, nếu mẫu được lấy không đảm bảo chất lượng, thì cơ sở kinh doanh chịu kinh phí và ngược lại nếu mẫu đạt chất lượng cơ quan lấy mẫu phải chịu kinh phí. Chính vì vậy, tâm lý cán bộ không tự tin lấy mẫu, để lọt đối tượng vi phạm. |