| Hotline: 0983.970.780

Xử lý rác thải nguy hại từ bao bì thuốc BVTV: Bí đủ đường!

Thứ Tư 02/08/2017 , 13:45 (GMT+7)

Muốn thu gom chai lọ, bao bì thuốc BVTV là phải có xe chuyên dùng, giấy phép hành nghề để không phát sinh ô nhiễm thứ cấp; thứ hai, nếu đốt tại lò theo đúng tiêu chuẩn phải mất 40-50 ngàn đồng/kg rác thải...

14-49-21_h1jpg
Mô hình đầu tư xây dựng các hố bê-tông thu gom tập trung rác thải chai lọ, bao bì thuốc BVTV hầu hết đều có ở các địa phương, nhưng thực tế chưa mang lại hiệu quả nhiều

Thuốc BVTV với đặc tính độc hại nên được các nhà sản xuất chứa đựng trong các chai lọ bằng nhựa pet (dung dịch lỏng), bao bì ( bột, hạt) tráng kẽm rất "kiên cố" mà hàng năm thải ra môi trường hàng ngàn tấn gọi là "rác thải nguy hại"... Thế nhưng, việc "quản" và xử lý nó như thế nào hiện vẫn còn rất bí.
 

Xử lý... tiền đâu?

Tại tỉnh Đồng Nai, với thế mạnh là đa dạng cây trồng với hơn 50 ngàn ha lúa, 60 ngàn ha bắp lai, 13 ngàn ha hồ tiêu, 11 ngàn ha chôm chôm, 4 ngàn ha sầu riêng.. Tổng cộng có khoảng 300 ngàn ha đất sản xuất gieo trồng các loại, mỗi năm chỉ cần sử dụng 5 kg thuốc BVTV (thuốc trừ cỏ, sâu bệnh)/ha thì có đến hơn ngàn tấn thuốc BVTV "đổ" vào địa phương này, tức có khoảng 100 tấn bao bì chai lọ thải ra môi trường (trọng lượng bao bì chiếm khoảng 10% trên tổng lượng thuốc)

Trong đó, mỗi ha lúa/vụ, nông dân xả thải ra môi trường khoảng 1-1,5kg bao bì, chai lọ đựng thuốc; còn trồng hoa màu, cây công nghiệp thì việc sử dụng thuốc BVTV gấp 2-3 lần trồng lúa. Thế nên, với thói quen vứt bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV ngoài đồng của nông dân đang trở thành nỗi lo gây ô nhiễm môi trường trong đất, nước và lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chính họ.

Theo ông Nguyễn Lê Minh, Thanh tra Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, từ năm 2012 Chi cục đã phối hợp với Cty CP Tập đoàn Lộc Trời xây dựng chương trình "Cùng nông dân bảo vệ môi trường" bằng việc đầu tư xây dựng nhiều hố bê-tông nằm ở 3 huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc (4-5 hố/xã) dùng tập trung thu gom các chất thải chai lọ, bao bì thuốc BVTV sau khi nông dân sử dụng. Từ năm 2012 đến nay đã thu gom thông qua chương trình vào khoảng vài trăm kg, trong đó năm 2016 được 60 kg và năm 2017 là 57 kg.

Nhưng bắt đầu từ tháng 5/2016, triển khai thực hiện Thông tư liên tịch giữa Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT, trong đó phần việc thu gom xử lý chất thải nguy hại từ rác thải thuốc BVTV về cho ngành TN-MT "quản" xử lý. Phần ngành NN chỉ chịu trách nhiệm tập huấn kỹ thuật.

Theo báo cáo, từ đó đến nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã xây dựng đầu tư được 384 bể chứa, thu gom đến nay được trên 18 tấn bằng hình thức đem đốt tại các lò đốt chuyên dụng của một số đơn vị được cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại. Đơn vị đang thực hiện tiêu hủy chính là Cty Xi măng Holcim (Kiên Giang). Tức vẫn còn thấp so với con số thực thải ra môi trường. Trong đó, khối lượng rác thải chai lọ, bao bì còn lại phần lớn được nông dân vứt bỏ hoặc tự đốt. Trên nguyên tắc, bao bì, chai lọ thuốc phải được đốt ở nhiệt độ 1.500 độ C mới tiêu hủy hết, trong khi nông dân đem đốt ở nhiệt độ chỉ vài trăm độ C sẽ không phân hủy hết mà thừa lại tàn dư bên ngoài môi trường.

14-49-21_h2jpg
Sau khi phun xịt thì nông dân vẫn có thói quen vứt bỏ rác thải từ thuốc BVTV ngay tại đồng ruộng.

Mặt khác, theo ông Minh, chi phí đốt rất cao nên sau khi chuyển giao các mô hình về cho địa phương thì có nơi làm, nơi không do không đủ kinh phí. "Muốn thu gom chai lọ, bao bì thuốc BVTV là phải có xe chuyên dùng, giấy phép hành nghề để không phát sinh ô nhiễm thứ cấp; thứ hai, nếu đốt tại lò theo đúng tiêu chuẩn phải mất 40-50 ngàn đồng/kg rác thải. Tức 1 tấn mất chi phí 40-50 triệu đồng!", ông Minh nói.
 

Cốt lõi là nhận thức

Tại tỉnh Long An với diện tích sản xuất lúa hàng năm đạt trên 230 ngàn ha, trong đó phần lớn tập trung ở các huyện nằm trong vùng Đồng Tháp Mười như Thạnh Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng..Thế nên, sau khi sử dụng các loại thuốc BVTV, lượng bao bì, chai lọ thuốc BVTV trên các cánh đồng được thu gom và không thu gom ước lên đến hàng trăm tấn.

Thực tế cho thấy, đây là vùng nước nỗi nên sau mỗi mùa vụ, bao bì và chai lọ thuốc BVTV nằm ngổn ngang từ ruộng xuống mương, trôi ra các tuyến kênh, rạch.

Ông Trần Tấn Tài, phó phòng NN-PTNT huyện Tân Hưng cho hay, bắt đầu từ vụ ĐX 2016-2017 trên tỉnh có triển khai mô hình trồng 50 ha lúa công nghệ cao ở xã Hưng Thạnh, cứ mỗi cánh đồng là xây một hố chứa rác thải bao bì BVTV. Còn lại phần lớn là nông dân tự xử, nhưng thói quen ở đây là không chôn lấp như các nơi khác mà bỏ lại góc ruộng, sau đó trôi đâu thì trôi.

Có trường hợp ý thức hơn, họ gom vào bao nylon nhưng cũng chỉ để một nơi cho gọn chứ không phải nhằm mục đích xử lý. Thế là, sau những vụ sản xuất, mưa gió và nhất là gặp mùa nước lũ ngập đồng như hiện nay, các loại rác thải độc hại này tiếp tục bị cuốn trôi, lắng đọng trong môi trường tự nhiên.

14-49-21_h3jpg
Thuốc BVTV trên đồng ruộng, vườn cây ngày càng nhiều kéo theo rác thải từ đây càng lớn.

Theo tìm hiểu chúng tôi, mặc dù trước đó có nhiều xã trong huyện triển khai dịch vụ thu gom rác thải đồng thời lắp đặt các bể chứa thu gom bao bì thuốc BVTV, nhưng thực tế lại không đạt hiệu quả cao mà nguyên nhân chủ yếu do ý thức người dân, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngay tại các vùng nông thôn vẫn là vấn đề nhức nhối.

Ông Bùi Văn Hiệu, Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng thừa nhận, mặc dù xã có lắp đặt một số bể chứa thu gom bao bì thuốc BVTV nhưng hiệu quả không cao do ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn thấp, họ vẫn còn thói quen sau khi phun xịt thì tiện đâu vứt đó nên việc thu gom gặp nhiều khó khăn.

Chỉ tính riêng huyện Tân Hưng, với diện tích lúa gieo sạ cả năm lên đến 75 ngàn ha thì lượng bao bì, vỏ chai thuốc cũng lên gần cả 100 tấn tấn. Đó là, chưa kể đến một lượng nhỏ thuốc còn sót lại trong các bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV sau khi sử dụng.

Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT ), trong 2 năm 2015-2016, lượng rác thải từ thuốc BVTV được sở này trực tiếp thu gom tại các địa phương về tiêu hủy chỉ có gần... 20 tấn (!)

Xem thêm
Phân Bón Cà Mau khai trương cửa hàng Nông nghiệp đô thị đầu tiên

Ngày 11/1, Công ty Cổ phần Phân Bón Dầu khí Cà Mau khai trương cửa hàng Nông nghiệp đô thị đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh.

Doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị về thuế khô dầu đậu tương

Nhiều doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi vừa cùng gửi văn bản nêu những vướng mắc về mã số hàng hóa của mặt hàng khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?