| Hotline: 0983.970.780

Nhiều yếu tố "kích" giá lúa gạo

Thứ Ba 05/02/2013 , 10:18 (GMT+7)

Sau mấy tuần liên tục sụt giảm, giá lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL đã chững lại và bắt đầu có dấu hiệu phục hồi nhẹ.

Sau mấy tuần liên tục sụt giảm, giá lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL đã chững lại và bắt đầu có dấu hiệu phục hồi nhẹ. Thông tin từ nhiều doanh nghiệp cho thấy ngay trong tháng 2 này, giá lúa sẽ không giảm tiếp nữa mà sẽ tăng nhẹ khi vụ Đông xuân bước vào thu hoạch rộ, bởi đang và sẽ có những yếu tố “kích” giá lúa gạo trong nước.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đến cuối tuần qua, giá lúa khô loại thường ở ĐBSCL từ 5.100-5.200 đ/kg, loại hạt dài từ 5.300-5.400 đ/kg. Như vậy, so với tuần trước đó, giá lúa đã tăng nhẹ 100 đ/kg. Ông Lâm Định Quốc, GĐ Cty Lương thực Sóc Trăng, cho rằng trong tháng 2 này, giá lúa sẽ không giảm xuống nữa mà sẽ tăng lên dù mức tăng có thể không cao. Theo ông Quốc, nguyên nhân trước hết là áp lực giao hàng sẽ khiến cho các doanh nghiệp tăng thu mua gạo hàng hóa. Thông tin từ VFA cho thấy trong tháng 1, các doanh nghiệp đã đăng ký hợp đồng xuất khẩu 1,24 triệu tấn gạo.

Bên cạnh đó, còn có 637 ngàn tấn ký hợp đồng từ cuối năm ngoái chuyển sang. Như vậy, tổng cộng đã có 1,877 triệu tấn gạo có hợp đồng xuất khẩu, tăng tới 69,1% so với cùng kỳ 2012. Trong khi đó, lượng gạo xuất khẩu trong tháng 1 mới chỉ đạt 404 ngàn tấn. Thành ra còn tới 1,4,73 triệu tấn cần phải giao trong thời gian tới. Mà trong kho của các doanh nghiệp, lượng gạo tồn kho hiện chỉ trên 893 ngàn tấn. Do đó, nhận định trên của ông Quốc là có cơ sở. Ông Trần Bảo Toàn, chủ DNTN Thanh Lịch (Đồng Tháp), một đơn vị chuyên cung ứng gạo thành phẩm cho các nhà xuất khẩu, cũng cho hay, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tăng mua gạo nguyên liệu, gạo thành phẩm, do đó, thị trường lúa gạo vụ Đông Xuân đã có dấu hiệu sôi động hơn trước.

Việc tổng tích lượng kho chứa lúa gạo ở ĐBSCL đã tăng mạnh trong năm qua, cũng được coi là yếu tố giúp kéo giá lúa gạo tăng lên trong thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Tiến, TGĐ Cty CP XNK An Giang, cho biết hiện nay đa số các kho chứa lúa gạo ở khu vực này còn trống khá nhiều. Vì thế, các doanh nghiệp sẽ bắt buộc phải tăng mua lúa gạo hàng hóa. Cũng theo ông Tiến, giá gạo xuất khẩu của nước ta đã ở mức thấp nhất thế giới và thấp hơn gạo Ấn Độ tới 30-40 USD/tấn (loại 5% tấm). Giá thành gạo 5% tấm hiện ở mức 395 USD/tấn, gạo 25% tấm có giá thành 360-365 USD/tấn. Trong khi đó, giá chào mua gạo Việt Nam vào cuối tháng 1 cũng chỉ ngang hoặc thấp hơn so với giá thành. Gạo Việt Nam lại là gạo mới, không phải là gạo tồn kho như Ấn Độ. Vì thế, chẳng có lý do gì để giá gạo xuất khẩu giảm xuống tiếp nữa. Qua Tết Quý Tỵ, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh gao hàng cho những hợp đồng đã ký. Do đó, giá lúa gạo trong nước sẽ không giảm nữa mà tăng nhẹ trở lại.

Việc VFA đang chuẩn bị kế hoạch thu mua tạm trữ lúa gạo ngay sau Tết Quý Tỵ, cũng được coi là một yếu tố “kích” giá lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ Đông xuân này. Việc mua tạm trữ sẽ bắt đầu từ 20/2 tới và kết thúc vào ngày 31/3, giá mua quy ra lúa khô không dưới 5.000 đ/kg. Thời gian tạm, trữ kéo dài 3 tháng. Dự kiến sẽ có khoảng 100 doanh nghiệp tham gia tạm trữ. Tuy nhiên, theo ông Phong, các doanh nghiệp là thành viên của VFA không đợi đến thời gian tạm trữ mới thu mua lúa gạo mà ngay từ bây giờ cần phải đẩy mạnh thua mua lúa gạo hàng hóa cho tới tận ngày 29 Tết. Và ngay sau Tết cho tới ngày 15/3, là cao điểm thu hoạch lúa Đông xuân ở ĐBSCL, các doanh nghiệp phải tăng cường thu mua cho kế hoạch tạm trữ, đồng thời cũng tích cực thu mua phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu.

Để giữ giá lúa gạo trong nước lẫn giá gạo xuất khẩu, VFA cũng vừa điều chỉnh lại giá hướng dẫn gạo xuất khẩu. Theo đó, từ ngày 6/2 tới, giá hướng dẫn với gạo 5% tấm là 410 USD/tấn, gạo 23% tấm là 365 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa các loại gạo khác do các thương nhân tính toán và quyết định. Ngay sau khi VFA công bố giá hướng dẫn mới, thị trường đã có phản ứng tích cực khi giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong ngày1/2 đã tăng từ 385-395 USD/tấn (ngày 31/1) lên 390-400 USD/tấn. Đây cũng là một yếu tố góp phần “kích” giá lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL trong tháng 2 này.

Cũng theo ông Trương Thanh Phong, do lượng gạo ký hợp đồng xuất khẩu đã khá nhiều, nên trong thời gian tới, khi đàm phán những hợp đồng mới, các doanh nghiệp không nên vội vàng ký giá thấp, khối lượng nhiều. Đặc biệt, dù Trung Quốc vẫn đang là nhà nhập khẩu lớn nhất của gạo Việt Nam, nhưng khi ký hợp đồng bán gạo với thương nhân nước này, các doanh nghiệp cần cân nhắc thật cẩn thận, chặt chẽ để tránh xảy ra những rủi ro trong khâu thanh toán.

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.