| Hotline: 0983.970.780

Như rặng bần tím ngát

Thứ Năm 15/02/2024 , 09:44 (GMT+7)

Tác phẩm của Vũ Thành là tiếng lòng về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi đằm thắm, đậm đà tình đồng chí và đồng đội.

Đại tá - nhạc sĩ Vũ Thành với tác giả bài viết

Đại tá - nhạc sĩ Vũ Thành với tác giả bài viết

Nói đến Đoàn Văn công Quân giải phóng trước kia, nay là Đoàn Văn công Quân khu 7, không thể không nhắc đến Đại tá - nhạc sĩ Vũ Thành. Ông là một trong những cánh chim đầu đàn, có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc cách mạng và kháng chiến. Sinh trưởng tại vùng sông nước, nơi miệt vườn mênh mông có những rặng bần ngút ngát, bông nở tím triền sông thuộc xã Mỹ Hạnh Đông, Cai Lậy, Tiền Giang, từ thuở ấu thơ, dư âm mênh mang của những câu hò, điệu lý đã thấm đẫm và lay động tâm hồn cậu bé Võ Thành Chính.

Sau cách mạng tháng Tám 1945, anh tham gia Ban tuyên truyền Quận bộ Việt Minh huyện Cai Lậy, đi ca hát vận động đồng bào tham gia kháng chiến. Tiếp đến là hoạt động trong đoàn văn nghệ trẻ Núi Lam của huyện, rồi Ban tuyên truyền lưu động tỉnh Mỹ Tho. Giữa năm 1951, khi mới 15 tuổi, Võ Thành Chính nhập ngũ và trở thành chiến sĩ trinh sát của Tiểu đoàn 309, Tỉnh đội Mỹ Tho. Từ thực tế cuộc chiến đấu gian nan hào hùng ngay trên quê hương mình, năm 1953, người lính trẻ đã có nhạc phẩm đầu tay “Tiểu đoàn 309” với bút danh Văn Chính. Bài hát trở thành niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.

Cuối năm 1954, Võ Thành Chính tập kết ra Bắc. Trước khi xuống tàu, anh đã hứa hôn với cô y tá xinh đẹp Nguyễn Thị Lợi. Sống trong cảnh “ngày Bắc, đêm Nam”, nỗi nhớ quê hương và tình yêu xa cách đã giúp anh ký thác lòng mình trong ca khúc “Nhớ Đồng Tháp Mười” tràn đầy xúc cảm. Tại cuộc thi hát do Phòng chính trị Sư đoàn 330 tổ chức, bài hát mới mẻ và lạ lẫm này được trao giải nhất. Đây chính là lễ nhập môn, giúp Võ Thành Chính bước vào con đường âm nhạc. Từ sự kiện này, anh được rút về Đoàn Văn công Sư đoàn do nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi) phụ trách. Người đoàn trưởng tài hoa đã nhiệt tâm tạo điều kiện cho chàng lính trẻ đi học tại Trường nghệ thuật Quân đội và tiếp đó là Trường âm nhạc Việt Nam.

Với lưng vốn kiến thức âm nhạc được trang bị ở trường, như vừa được chắp thêm đôi cánh, tháng 4/1962, Vũ Thành Chính cùng một số anh em văn nghệ sĩ được lệnh vượt Trường Sơn hành quân vào chiến trường B2, thành lập Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Nam. Từ đây, bút danh Vũ Thành bắt đầu xuất hiện cùng một loạt ca khúc như “Rừng xanh quê hương ta”, “Anh giải phóng quân ơi”, “Mừng Long Trung - Ba Dừa giải phóng”, “Nhớ người chiến sĩ năm xưa”, “Tâm tình người nữ quân y”… và tiếp đó là “Hãy nhớ lấy lời tôi”, “Ngợi ca chị Rơchămpal” “Nhớ Ba”, “Bài ca những người tải hàng” và “Trước giờ ra trận”, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Năm 1965, nhạc sĩ Vũ Thành được nhận Giải thưởng VHNT Nguyễn Đình Chiểu.

Trên cương vị Đoàn phó chỉ đạo nghệ thuật, rồi Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Nam, nhạc sĩ Vũ Thành chứng kiến nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (1/1973), Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Nam được giao nhiệm vụ xây dựng một chương trình nghệ thuật tổng hợp phục vụ bộ đội và người dân vùng giải phóng.

Nhận lời mời của Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, tướng Trần Văn Trà, tháng 9/1973, các vị trưởng và phó đoàn trong Ủy ban quốc tế giám sát việc thi hành Hiệp định Paris, đến thăm Lộc Ninh, thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Văn công Quân giải phóng được điều động về biểu diễn phục vụ đón khách. Trước khi vào biểu diễn, Tư lệnh Trần Văn Trà giao nhiệm vụ: “Văn công góp phần đáng kể trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, lần này, phải ca hay hơn, múa giỏi hơn nữa, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về chính trị to lớn và phức tạp hơn. Làm thế nào để xứng đáng bộ mặt Quân giải phóng”.

Toàn đội phấn khởi và không phụ lòng tin của Quân ủy, Bộ tư lệnh Miền. Kết quả biểu diễn để lại ấn tượng tốt đẹp cho các vị khách quốc tế không hề dễ tính. Từ bất ngờ, ngạc nhiên đến khâm phục, có thành viên của Ủy ban quốc tế đã nhận xét: “Hay! Rất hay! Tôi nghĩ rằng trong vùng các ông chưa thể có một đoàn ca múa như thế được. Đẹp và duyên dáng, rất đáng ca ngợi… Rất tuyệt! Một chuyến đi không thể nào quên. Từ khi đến Việt Nam chưa hề được thấy như thế này…”. Riêng phái đoàn Ba Lan thì hả lòng, hả dạ và hãnh diện vì các đồng chí Việt Nam.

Từ thành công này, tại làng 7 Lộc Ninh, Đoàn Văn công Quân giải phóng được giao nhiệm vụ lập Đội văn nghệ xung kích vào Sài Gòn, phục vụ Ban liên hiệp bốn bên tại trại Đa-vít. Bị đối phương gây khó dễ, ngăn cản, nhưng ta “tương kế, tựu kế”. Trong vai “sĩ quan liên lạc”, nhạc sĩ Vũ Thành phụ trách đội văn nghệ xung kích của đoàn gồm 9 người với hành lý gọn gàng, nhạc cụ cất giấu khéo léo, họ đường hoàng lên trực thăng, về hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất. Hơn hai tháng lưu diễn, kẻ thù vô cùng tức tối, nhưng không làm gì được. Các anh chị em đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không chỉ biểu diễn văn nghệ mà còn làm “đối ngoại quân sự”, góp phần làm cho bạn bè quốc tế có cái nhìn đầy thiện cảm về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.

Nếu trong cuộc kháng chiến, chống Mỹ, cứu nước, lực lượng văn học nghệ thuật được coi như một đạo quân tinh nhuệ, có mặt trên các chiến trường, góp phần to lớn vào những chiến công vang dội của quân dân miền Nam, thì sau ngày đất nước thống nhất, truyền thống hào hùng đó vẫn tiếp tục được phát huy cao độ, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Nhạc sĩ Vũ Thành lần lượt đảm nhận nhiều cương vị công tác, nhưng ông vẫn gắn bó với Đoàn Văn công Quân khu 7.

Điều đáng nói là những đơn vị mà ông từng chiến đấu và gắn bó công tác đều được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND: Tiểu đoàn 309, Đoàn Văn công Quân giải phóng, Ban liên hiệp bốn bên trại Đa-vít. Hơn 40 năm tâm huyết với nghề, nhạc sĩ Vũ Thành sát cánh cùng tập thể, đóng góp công sức và trí tuệ, xây dựng nên một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, vun bồi cho nhiều tài năng thành danh, cất cánh.

Bản hợp xướng 'Việt Nam tôi'.

Bản hợp xướng “Việt Nam tôi”.

Đến nay, ông đã có một gia tài khá đồ sộ với hơn 240 ca khúc, nhạc múa, nhạc kịch múa… giành trên 30 giải thưởng từ trung ương đến các địa phương. Tác phẩm của Vũ Thành là tiếng lòng về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi đằm thắm, đậm đà tình đồng chí và đồng đội. Đọng lại trong mỗi tác phẩm luôn là ân tình sâu nặng với Đảng; sự gắn bó thủy chung với bà con cô bác, với những đồng đội đã ngã xuống. Âm nhạc của Vũ Thành gieo vào lòng người khát vọng sống và niềm tin bất tận. Bởi vậy, năm 2001, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú về chỉ đạo nghệ thuật. Tháng 4-2012, nhạc sĩ Vũ Thành vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Đón xuân Giáp Thìn này, dẫu đã vào ngưỡng cửu thập, sức khỏe không còn được như trước, song Đại tá - nhạc sĩ Vũ Thành vẫn còn ấp ủ nhiều dự định. Dường như mạch nguồn cảm hứng âm nhạc trong ông vẫn chưa hề vơi cạn, vẫn mải miết tươi xanh như rặng bần quê hương. Mới nhất, lão nhạc sĩ vừa hoàn thành bản hợp xướng “Việt Nam tôi”, giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, thấm đậm tình yêu quê hương đất nước.

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Messi và Ronaldo vắng tên trong đội hình hay nhất năm của thế giới

2 ngôi sao nổi tiếng không có tên trong danh sách đội hình hay nhất năm 2024 của bóng đá thế giới.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.