Mới đây, tại Hội thảo “Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng ĐBSCL” tổ chức tại TP Cần Thơ, các chuyên gia đã chỉ ra những diễn biến ngày càng bất thường của tình hình hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó, tại một số địa phương vốn được biết đến có nguồn nước ngọt dồi dào như tỉnh Vĩnh Long hay TP Cần Thơ, đến nay cũng bước đầu ghi nhận những ảnh hưởng trong mùa khô 2024.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, chỉ ra một số tác động của hạn hán đối với sản xuất nông nghiệp thời gian qua. Nhất là trên cây sầu riêng đã xảy ra hiện tượng bị cháy lá, rụng trái non.
Đặc biệt, mùa khô 2024, một số khu vực xuất hiện tình trạng kênh rạch kiệt nước, nông dân phải luân phiên bơm nước phục vụ sản xuất, việc vận chuyển vật tư, nông sản theo đường thủy rất khó khăn.
Ngoài ra, diễn biến sạt lở bờ sông trên địa bàn cũng diễn ra khá nghiêm trọng, phức tạp. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn TP Cần Thơ xảy ra 10 vụ sạt lở, làm sụp 12 căn nhà và 1 nhà kho, thiệt hại hơn 12 tỷ đồng.
Đáng lo hơn, hình thái ngập lũ ở ĐBSCL đã có nhiều thay đổi. Nếu như những năm trước TP Cần Thơ chỉ xuất hiện triều cường vào tháng 9, 10 (âm lịch) thì nay triều cường kéo dài đến tháng trước và sau Tết Nguyên đán.
Để thích ứng với những biến động này, Sở NN-PTNT TP Cần Thơ đã tập trung nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác dự báo để người dân và các địa phương chủ động trong sản xuất, ứng phó kịp thời với khô hạn.
Nguồn lực đầu tư cho hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng được tập trung khá lớn và liên tục. Bình quân trên địa bàn thành phố, 1km2 có khoảng 1,8- 2km kênh rạch, tổng chiều dài gần 3.000km.
Tuy nhiên, nguồn lực để đầu tư cho hệ thống trữ nước còn hạn chế. Do đó, ông Nghiêm kiến nghị, phải phát huy hiệu quả hệ thống cống gắn với các vùng sản xuất để trữ nước. Cấp độ chiến lược quốc gia cần có các công trình trữ nước cấp khu vực.
Đồng thời, ông Nghiêm kiến nghị thành phố cần có chính sách và dành nguồn lực để hỗ trợ di dời người dân sống ven các kênh rạch, nơi luôn bị sạt lở rình rập.