Cần Thơ phấn đấu có 48.000 ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Người nuôi hươu khai thác 4 cặp nhung sau 15 tháng. Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nỗ lực vượt khó. Ngành điều kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỷ USD.
Cần Thơ phấn đấu xây dựng 48.000 ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp
Văn Vũ - Sx
UBND thành phố Cần Thơ vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án 'Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030'. Theo đó, Cần Thơ phấn đấu đến năm 2025, xây dựng vùng sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao với quy mô 38.000ha và đến năm 2030 đạt 48.000ha, tập trung tại 3 huyện Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh.
Giai đoạn 2024-2025 thành phố sẽ tập trung vào củng cố diện tích đã có từ dự án VnSat, xây dựng kế hoạch, thiết lập mã số vùng trồng. Giai đoạn 2026-2030 xác định khu vực trọng tâm để đầu tư và mở rộng thêm 10.000 ha trồng lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp.
Hiện, Cần Thơ có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 144.000ha, trong đó gần 80% diện tích đất nông nghiệp. Tổng diện tích gieo trồng lúa hàng năm đạt trên 205.000 ha, sản lượng lúa hàng năm đạt trên 1,3 triệu tấn.
Người nuôi hươu khai thác 4 cặp nhung sâu 15 tháng
Thanh Nga - Sx
Trang trại của anh Hồ Phúc Đồng, ở TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đang sở hữu một con hươu đực giống hiếm có. Bởi, trong vòng 15 tháng con hươu này cho thu hoạch đến 4 cặp nhung, tổng trọng lượng đạt gần 7kg.
Năm 2021, sau khi đem chú hươu nầy về trang trại tại xã Hà Linh, huyện Hương Khê nuôi. Nhờ được chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng đúng quy trình kỹ thuật, chỉ trong 15 tháng hươu mọc nhung liên tục. 4 lần cắt cách nhau hơn 3 tháng, với trọng lượng lần cắt cao nhất đạt 2,3 kg/cặp, lần thấp nhất gần 7 gam/cặp. Với giá trung bình 1,2 triệu đồng/gam, 4 cặp nhung cho gia đình anh Đồng doanhh thu gần 84 triệu đồng. Chưa kể trong thời gian này con hươu sao còn phối giống với 8 con hươu cái, sinh sản được 8 hươu con, thu lợi nhuận lớn.
Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nỗ lực vượt khó
Khai thác
4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 2,7 tỷ USD, tăng nhẹ so với năm ngoái. Nhưng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn do hàng loạt các yếu tố đầu vào cho sản xuất đều tăng. Không chỉ gặp khó khăn về nguyên liệu, chi phí vận tải mà nhiều vướng mắc về quy định về kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu cũng đang gây áp lực cho các doanh nghiệp. Để đảm bảo sản xuất kinh doanh, ngoài việc tiết giảm các chi phí trong sản xuất, các doanh nghiệp thuỷ sản đang tích cực chủ động đa dạng hoá các thị trường mới, nhiều tiềm năng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp thuỷ sản cũng tập trung nguồn lực để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị, năng lực cạnh tranh cho mặt hàng xuất khẩu đáp ứng nhu cầu thị trường và vượt qua các rào cản thương mại của các nước nhập khẩu.
Ngành điều kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỷ USD
Khai thác
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lũy kế 4 tháng đầu năm, nước ta xuất khẩu đạt 216.000 tấn nhân điều, với kim ngạch 1,16 tỷ USD, tăng 32,4% về khối lượng và tăng 21,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Với những kết quả này, ngành điều đang kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỷ USD cho cả năm 2024. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu nhân điều lớn nhất của Việt Nam, đạt hơn 52.000 tấn, kim ngạch 280 triệu USD, tăng 35,3% về lượng và tăng 23% về kim ngạch so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá xuất khẩu nhân điều chế biến lại giảm gần 8% so với cùng kỳ năm trước, bình quân chỉ đạt gần 5.370 USD/tấn trong 4 tháng đầu năm nay.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, xuất khẩu điều nhân trong 4 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng mạnh là do giá nhân điều chế biến xuất khẩu quá rẻ, nên đối tác tăng nhập hàng. Mặt khác, tiêu thụ điều nhân tăng do người tiêu dùng ăn hạt điều nhiều hơn và nhà nhập khẩu thấy giá nhân điều rẻ cũng sẵn sàng mua về để tăng tồn kho trở lại.