| Hotline: 0983.970.780

Những bức thư thời chiến

Thứ Hai 24/12/2018 , 13:30 (GMT+7)

Chị Trần Thị Thu Hương, trú tại 310 Chiến Thắng, Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội, chia sẻ thông tin về người anh trai liệt sỹ, hy vọng gửi thông tin cho gia đình có thân nhân hy sinh ở miền Tây Nam Bộ những năm 1972.

Hy sinh

Chị Trần Thị Thu Hương cho biết: Anh Trần Huy Hiệp,  sinh ngày 14/11/1949, quê xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ngay sau khi thi tốt nghiệp cấp III,  hơn 19 tuổi làm đơn tình nguyện đi bộ đội (ngày 7/8/1969), đầu năm 1970 vào Nam chiến đấu.

Theo thư Anh gửi về:  sau 6 tháng vừa hành quân, vừa chống càn, anh đã được kết nạp vào Đảng.  Đến khi hy sinh (ngày 7/4/1972) là “B phó” tức Trung đội phó, Đại đội 4, Tiểu đoàn đặc công 7, Trung đoàn 20, Sư đoàn 4 Hậu Giang. Sau bức thư anh Hiệp viết “sau 6 tháng vừa hành quân, vừa chống càn…” năm 1970, gia đình không nhận được thư hay tin tức nào nữa. 

Tháng 4/1975, anh Trần Thái đồng đội của anh Hiệp, đã viết thư về cho ba tôi về tin anh Trần Huy Hiệp đã hy sinh vào đêm 6 rạng ngày 7/4/1972, tham gia là đánh vào điểm Xẻo Bần, xã Thuận Hòa (trước thuộc huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá, nay thuộc xã Thuận Hoà, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang). 

Những trang Hồi ký - Tâm tư chiến sỹ

Ngày 1/5/1976, gia đình tôi nhận giấy báo tử. Liệt sĩ Trần Huy Hiệp - hy sinh năm 1972, khi tham gia trận đánh vào Xẻo Bần, xã Thuận Hòa (trước thuộc huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá, nay thuộc xã Thuận Hoà, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang).

Ngay sau đó, gia đình đã nhiều lần xuống tại kênh Ba Chục, xã Thuận Hoà, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang để tìm mộ. Tuy đã được sự giúp đỡ của Phòng chính sách Quân khu 9, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kiên Giang, Phòng LĐ-TB&XH các huyện xung quanh huyện An Biên, nhưng gia đình vẫn không xác định được mộ của liệt sĩ Hiệp cùng với 8 ngôi mộ liệt sĩ khác hy sinh cùng ngày đã được chôn cất tại kênh Ba Chục hiện nay ở đâu.

Vừa rồi gia đình chúng tôi vào Kiên Giang, tiếp tục tìm những đồng đội cùng chiến đấu với anh tôi, mới biết được địa chỉ của bác Nguyễn Xuân Hướng (thời điểm đánh vào đồn Xẻo Bần là Chính ủy, Đại đội phó, Đại đội 4 đặc công) cùng mũi 1 do Trần Huy Hiệp - Trung đội phó - mũi trưởng.
 
Theo lời kể của bác Hướng:

Trận đánh vào đồn Xẻo Bần có 3 mũi, mũi 1 do anh Hiệp làm mũi trưởng, sau khi vào trinh sát, tấn công thắng lợi, địch phải rút vào lô cốt,  ta thu được vũ khí, bắt được tù binh. Nhưng sau đó, trong lúc băng bó viết thương cho tù binh, bị địch trong lô cốt phát hiện, ném lựu đạn ra, hai người trong mũi 1 là Trần Huy Hiệp và Đinh Công Oanh (y tá, quê Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) hy sinh, được chôn cất cách đồn Xẻo Bần khoảng 500m về phía Tây Nam ( một bên là bụi chuối, một bên là bụi lau sậy).

Bác Hướng còn trao lại cho gia đình chúng tôi một kỷ vật vô giá - đó là cuốn sổ, chỉ to bằng bàn tay, viết chung của các chiến sĩ, ngoài bìa có dòng chữ “Hồi ký - Tâm tư chiến sỹ”. Trong cuốn sổ đó có những trang viết của anh Trần Huy Hiệp về mẹ, về các em, về đồng đội đã hy sinh, nhất là những trang viết chỉ trước khi hy sinh 1 tuần. 

Gia đình tôi muốn thông qua những trang viết này, gửi những thông tin cho các gia đình có thân nhân đã hy sinh ở Tây Nam Bộ, có thể tìm được những manh mối để tìm hài cốt liệt sỹ đã hy sinh. Đồng thời qua những trang viết này, cũng muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ hiện nay hiểu được giá trị của nền độc lập, tự do, hòa bình hôm nay mà chúng ta được thừa hưởng. Đó là một quá trình mà các thế hệ cha, anh chúng ta đã nỗ lực, quyết tâm hy sinh cả tuổi thanh xuân, cả xương máu của mình mới có được.
 

Những trang "hồi ký - tâm tư chiến sỹ"

Liệt sỹ Trần Huy Hiệp để lại những dòng lưu bút đầy lưu luyến về gia đình, đặc biệt tình cảm sâu đậm đối với người mẹ, nhưng cũng thể hiện sự quyết tâm sẵn sàng hy sinh vì Dân, vì Đảng và một niềm tin sắt son về thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.

Má ơi

Má tôi sinh ra trong một gia đình viên chức nghèo thuộc tỉnh Thừa Thiên. Vì gia đình đông con nghèo túng, trong thời kỳ Pháp thuộc đen tối, Má tôi lúc 7 - 8 tuổi đã phải đi ở cho nhà giàu để sinh sống và giúp đỡ gia đình. Vì sống xa gia đình từ hồi còn nhỏ, nên lớn lên bà có tính tự lập rất cao, đảm đang, hiền lành,, thương yêu chồng con vô hạn. Với đạo đức cần cù, siêng năng, hy sinh cao cả của một người mẹ, bà đã chắt chiu nuôi con, vượt qua mọi thiếu thốn trong kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu xây dựng hòa bình.

Đối với cách mạng, đó là một bà mẹ bình thường như trăm ngàn bà mẹ Việt nam khác. Tôi là 1 đứa con, tôi tạm thời kết luận: “Lòng mẹ thương con hơn cả thương mình, đó là trái tim của vạn triệu bà mẹ”. Tuy thế bà mẹ tôi vẫn có nét khác với những bà mẹ khác – Cái khác đó khó diễn tả  bằng lời, tôi chỉ nói rằng: “ Đời tôi, ngoài Đảng ra không có gì bằng Má tôi cả!”

Má sinh con ra giữa lòng miền Bắc
Hôm nay con ngồi giữa miền Nam
Đất trời ta đó mênh mang
Miền Nam - miền Bắc giang san một nhà

Miền Nam ơi, gió động cành dừa
Dừa vui theo gió đu đưa suốt ngày
Dừa ơi, Dừa có nhớ ai

Mà Dừa cứ nhở nhơ hoài gió mây

Má ơi!
Con đã đi từ Đông sang Tây
Chiến đấu, gian lao đã dạn dầy
Hy sinh, ác liệt, càng nhớ Má
Củng cố lòng tin sắt đá tương lai

Con đang hành quân trên những chặng đường dài
Đường càng dài, sức khỏe càng dai
Vì con biết Má đêm ngày dõi trông
Con đi qua những cánh đồng
Ngạt ngào lúa chín, mênh mông mây trời
Xa xa phương Bắc sáng ngời
Nhớ lời Má dặn “suốt đời vì dân”

Tuy rằng con - Má không gần
Lòng con - lòng Má vẫn không tách rời
Con nguyện với Má suốt đời
“ Hy sinh anh dũng” trọn đời thủy chung


Con xa Má vào một ngày gần Tết năm 1970, cái không khí miền Bắc ấm áp, dễ chịu  chuẩn bị đón xuân, vào một buổi chiều nắng đẹp trên đường đi chiến đấu. Con nhớ mãi hình ảnh của Ba Má trong giờ phút chia tay. Má ơi! Má có thông cảm cho con không Má?! Gặp Ba Má con không nói được gì, con muốn nói thật nhiều nhưng không tài nào nói được. Xe đã nổ máy ì ì và từ từ chuyển bánh. Con chỉ biết giương cặp mắt thật to, to nữa để nhìn thật kỹ như muốn hút lấy hình ảnh của 2 ông bà già. Ba bắt tay con, Má thì khóc như mưa, như gió; Má chỉ nói trong tiếng nấc nghẹn ngào: “con đi…”

Nụ cười luôn nở trên môi những người lính trẻ

Ba con có vẻ cứng rắn hơn, Ba cố cười - cái cười của Ba ngày thường sao vui tươi thế mà hôm đó trông Ba cười khổ sở quá chừng. Ba ơi! Con hiểu ba Ba nhiều, nhiều lắm… Ba hỏi con:

- Chắc ba con ta lâu mới gặp lại nhau?

Con cười - vẫn cười được đàng hoàng:

- Ba cứ tin là Ba con ta còn gặp nhau!!

Thế là đi! Con nhìn lại đằng sau thấy Ba Má đang đứng dựa vào nhau, bụi đỏ ngàu phủ kín cả 2 ông bà. 2 cặp mắt như dán chặt vào chiếc xe chở con.
Từ đó đến nay, con xa Ba Má và các em. Tình cảm dạt dào vô cùng thương nhớ. Đời học sinh đã lùi vào dĩ vãng một cách bình thường, bình lặng. Cái tình cảm bồng bột, ngây thơ cũng dần dần lùi lại đằng sau, nhường chỗ cho những tình cảm khác.

Bước vào cuộc đời chiến đấu. Những ngày hành quân gian khổ dọc đường Trường Sơn, sau một ngày trèo đèo lội suối mệt phờ, chiều tối nằm đu đưa trên chiếc võng trên những ngọn núi của đất nước Triệu voi, hay đất Chùa tháp, sau khi đơn vị đã nghỉ ngơi, không khí im lặng, con lại bắt đầu nhớ tới Ba Má và các em. Nhiều hôm, con nằm lim dim mắt, thấy Má và các em con rõ quá, thấy cả ngôi nhà ta nữa. Con giơ tay cấu em Nga nhưng cấu mãi không tới...

Trang cuối cùng trong cuốn sổ ghi chép là Thách thức thi đua, với trọng trách là mũi trưởng mũi 1 chỉ huy đánh vào đồn Xẻo Bần - Trần Huy Hiệp đã viết: “…Trong bất kỳ tình huống khó khăn nào cũng kiên quyết hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Xác định mỗi chiến sĩ sẽ là một cảm tử quân, sẵn sàng hy sinh, xả thân cho thắng lợi của trận đánh. Trường hợp khó khăn, còn 2/3 quân số của mũi cũng kiên quyết đánh thắng giòn giã. Trong chiến đấu bị thương nặng coi như bị thương nhẹ, không rên la, không làm phiền đến đồng đội. Bị thương nhẹ coi như không bị thương, vẫn tiếp tục chiến đấu…

Mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Mũi 1 xác định rằng: sống cùng sống, chết cùng chết. Kiên quyết không để thương binh, tử sĩ tại trận địa.Thương yêu đùm bọc keo sơn, gắn bó với nhau trong tình thương yêu giai cấp. Còn thương binh, còn tử sĩ là còn bám trận địa đến cùng… hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trọng đại năm 1972 lịch sử.
Ngày 30/3/1972”.

Chỉ 6 ngày sau - đêm 6 rạng ngày 7/4/1972, trong trận đánh đồn Xẻo Bần, người viết đã hy sinh.

Xem thêm
Tháng phim điện ảnh tri ân huyền thoại màn bạc Alain Delon

Tháng phim điện ảnh từ 12h ngày 16/12/ 2024 đến 24h ngày 16/1/2025, với ba tác phẩm nổi tiếng cho sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Alain Delon.

Vinicius Junior nhận giải FIFA The Best 2024

Tiền đạo người Brazil đã chiến thắng giải thưởng FIFA The Best đối với cầu thủ nam hay nhất năm 2024.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.