| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 24/12/2018 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 24/12/2018

Những bước chân tình nghĩa của cụ bà ở xã đảo

Không ai giao nhiệm vụ đưa đón các cháu đến trường cho cụ Phan Thị Hai. Không một đồng tiền công (chỉ khi ai đó vì cảm ơn mà cho con cá, mớ rau thì cụ nhận). Cũng không phải một hai ngày hay một vài năm...

Bắt đầu từ năm 2000, khi đó còn là một phụ nữ 63 tuổi, thấy các cháu học sinh nhỏ ở bậc tiểu học hàng ngày phải tự mình đến trường, do bố mẹ các cháu làm nghề chài lưới hay nuôi trồng thủy sản không có thời gian đưa đón con, sợ các cháu đi không an toàn, có thể tai nạn hay đi lạc…, bà Phan Thị Hai (ở xã đảo Sơn Hải, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) đã hàng ngày đi đến từng nhà, gom các cháu lại thành đoàn rồi dẫn các cháu đến trường.

Các em học sinh di chuyển theo một hàng dọc, em học sinh học lớp lớn sẽ được bà Hai bố trí đứng đầu hàng, còn bà Hai là người đi sau cùng

Trưa, bà lại đưa các cháu về giao tận tay bố mẹ. Và buổi chiều, lại hai lần như thế. Trên đường dẫn các cháu đến trường và về nhà, bà Phan Thị Hai còn tranh thủ dạy bảo các cháu rất nhiều điều hay lẽ phải, như vâng lời thầy cô, kính trọng, lễ phép với bố mẹ, ông bà và người lớn tuổi, chăm học, giữ gìn vệ sinh, đoàn kết thương yêu bạn bè...

Công việc cứ đều đều như vậy, bất kể mưa nắng. Cho đến nay, khi đã trở thành một cụ bà 81 tuổi. Rất nhiều lứa học sinh đã trưởng thành, có vợ có chồng, thì lại đến lứa khác, cụ Phan Thị Hai vẫn không bỏ buổi nào. Với cụ, hạnh phúc nhất là trời còn cho sức khỏe để hàng ngày đưa đón các cháu đi học.

Thật là một kỳ tích, xuất phát từ một tấm lòng yêu trẻ vô bờ bến. Sơn Hải là một xã đảo, có tới 42 hòn lớn nhỏ, bốn bề sông nước. Dân trong xã sống bằng hai nghề cơ bản là chài lưới và nuôi trồng thủy sản, đời sống còn rất nhiều khó khăn. Bố mẹ các cháu hàng ngày đều tất tưởi kiếm sống, không có thời gian đưa con đến trường. Có cháu nhà ở cách trường tới hơn 1 km. Một ngày 4 lượt đi về khoảng 6km. 18 năm. Mỗi năm trừ chủ nhật và lễ tết với thời gian nghỉ hè đi, mỗi cháu bé phải tới trường khoảng 230 ngày. 18 năm, thành ra 4.140 ngày, nhân với mỗi ngày 6km, thành ra tổng cộng gần 25.000km, gấp hơn 12 lần chiều dài của đất nước. Thế mà đôi chân già nua, tình nghĩa đó vẫn bền bỉ đi hết chiều dài đó, với một trách nhiệm rất cao là bảo vệ an toàn cho hàng trăm đứa trẻ.

Không ai giao nhiệm vụ đưa đón các cháu đến trường cho cụ Phan Thị Hai. Không một đồng tiền công (chỉ khi ai đó vì cảm ơn mà cho con cá, mớ rau thì cụ nhận). Cũng không phải một hai ngày hay một vài năm. Thế mà bằng một tấm lòng yêu trẻ sâu đậm, bằng một trách nhiệm rất cao, cụ đã dành một khoảng thời gian rất lớn của đời người để làm công việc đó, trong khi vẫn phải có hàng trăm mối lo cơm áo gạo tiền như bất kỳ một người dân nào khác trên đảo. Khỏi phải nói, cũng biết được niềm vui của những ông bố, bà mẹ, khi thấy con mình đến trường và về nhà được người dẫn dắt, và được nghe con kể về những lời dạy bảo của cụ dọc đường đi. Việc làm của cụ thật đáng ghi nhận và trân trọng. Cụ xứng đáng được ngành giáo dục biểu dương, thậm chí trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm