| Hotline: 0983.970.780

Những cánh rừng lim trong bài dự thi vẫn mãi xanh trong tôi

Thứ Năm 19/12/2019 , 09:22 (GMT+7)

Năm 2016, Tổng cục Lâm nghiệp phát động cuộc thi viết “Rừng là cuộc sống của tôi” lần thứ 2, tôi đem câu chuyện rừng lim ở xã Dân Chủ, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình viết báo gửi dự thi.

Lớp học thực hành dưới tán rừng lim xanh ở Hòa Bình.

Tôi may mắn có được những chuyến đi điền dã theo các cán bộ, chuyên gia của ngành lâm nghiệp và nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội đến các bản làng gần rừng để tìm hiểu về cuộc sống cộng đồng gắn bó với lâm nghiệp.

Rất nhiều khu rừng cấm, vườn quốc gia mà tôi đã từng được đặt chân đến, từ những vườn quốc gia ở miền Bắc như Ba Vì, Tam Đảo, Hoàng Liên, Cúc Phương, Cát Bà… đến những vườn quốc gia ở miền Trung và Tây Nguyên như: Phong Nha - Kẻ Bàng, Bạch Mã, Yok Đôn, Bidoup - Núi Bà… đến những vườn quốc gia ở miền Nam như Lò Gò - Xa Mát…

Tôi cũng từng theo nhiều tổ chức phi chính phủ đi đến những khu rừng ngập mặn ở Kiên Giang, rừng tràm U Minh Thượng, rừng ở Phú Quốc…  Trong các chuyến đi ấy, chúng tôi thấy được ý thức bảo vệ rừng là truyền thống tốt đẹp của cha ông ta đã có từ thời xa xưa. Ở nhiều nơi, bảo vệ và khai thác rừng gắn với luật tục của đồng bào, thậm chí phản ánh cả dấu ấn “tín ngưỡng” trong khai thác, bảo quản, bảo vệ rừng và đất rừng, tài nguyên rừng.

Tín ngưỡng thờ thần rừng rất phổ biến, thậm chí có những cây rừng cổ thụ được người dân tin sùng và lập miếu thờ. Trong hương ước của nhiều cộng đồng thôn bản người dân tộc thiểu số có các quy định về cấm khai thác, bảo vệ cây cối, hoa trái, chim thú, cá tôm… trong rừng. Người nào vi phạm, tuỳ vào mức độ mà quy hình phạt, chẳng hạn phạt 30kg thịt lợn, 30kg gạo và 30 lít rượu. 

Năm 2016, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng tổ chức các khóa tập huấn về Biến đổi khí hậu và REDD+ cho các cán bộ của cơ quan Trung ương, các viện nghiên cứu, trường đại học nông lâm nghiệp, các nhà báo, giới truyền thông và các tổ chức phi chính phủ. Tôi may mắn được trở thành học viên tham dự một khóa tập huấn như vậy dành cho các nhà báo, diễn ra tại thành phố Hòa Bình.

Sau nhiều buổi nghe giảng trên lớp, chúng tôi được đưa đến một khu rừng ở ngoại ô thành phố Hòa Bình để thực hành về phương pháp đo trữ lượng các bon rừng. Đó là khu rừng lim cổ thụ ở xóm Bái Yên, xã Dân Chủ. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi được chiêm ngưỡng rừng lim xanh cổ thụ. 

Ở nơi cận kề phố xá mà như được lọt giữa rừng sâu núi thẳm, để rồi càng trân trọng những con người nơi đây đã gắng công gìn giữ khối tài sản tự nhiên vô giá. Khu rừng cổ thụ của xóm Bái Yên, xã Dân Chủ, san sát những cây lim đứng vững chãi, cây nào cũng xù xì to lớn đường kính cỡ trên dưới một mét. Cây nọ nối tiếp cây kia tạo thành tán rừng râm mát, tàng cây dày đến độ những tia nắng mặt trời cũng không thể xuyên qua nồi tầng lá.

Khu rừng lim cổ thụ ở xóm Bái Yên, xã Dân Chủ, TP. Hòa Bình.

Trong khu rừng hiện có hơn 300 cây lim cổ thụ được đánh số để bảo vệ. Ở nước ta, cây lim to nhất phải kể đến ở Yên Cát (Như Xuân - Thanh Hoá) với đường kính khoảng 1,5 m. Trong khi đó, ở khu rừng lim này có hàng chục cây lim có đường kính tương đương. Theo tiêu chí của Hội Bảo vệ tài nguyên và môi trường, những cây sống trên 200 năm được coi là cây di sản Việt. Nếu xét theo tiêu chí này, rừng lim này có trên 200 cây được coi là cây di sản.

Ông Hoàng Văn Hon, trưởng xóm Bái Yên cho biết, cánh rừng này có từ thuở xa xưa. “Từ lúc sinh ra tôi đã thấy có những cây cổ thụ. Tôi cũng chỉ nghe các cụ nói là từ thời quan lang bắt người dân trồng rừng lim này để họ làm nhà. Mọi người dân trong xóm đều coi đây như là linh vật của trời đất và cha ông để lại. Cả khu rừng đã chở che, làm nên sự yên bình cho xóm làng. Có rừng là có nước, có thức ăn, có suối nguồn tuôn chảy. Ý thức được điều đó, nên người dân chúng tôi cùng bảo nhau không được phá rừng”, ông Hon nói.

Thế nhưng, theo ông Hon, cách đây hơn 20 năm, cơn sốt gỗ quý bỗng nhiên nổi lên, lâm tặc rình rập những cây lim cổ thụ tuổi hàng trăm năm này. Cứ đêm đến, chúng dùng cưa cắt cây mang đi, và sáng hôm sau người dân phải chứng kiến những cành cây đổ ngổn ngang. Trước thực trạng đau lòng đó, trong xóm có 2 người đã đứng ra xin bảo vệ và phục hồi rừng lim cổ thụ, đó là ông Nguyễn Tiến Tý và ông Nguyễn Văn Nghiêm. 

Từ năm 2001, Ông Nguyễn Tiến Tý đã lập Dự án  bảo vệ phát triển rừng kết hợp kinh tế trang trại nông, lâm tổng hợp tại xã Dân Chủ, trình lên xã và thị xã Hòa Bình (nay là TP Hòa Bình) và được lãnh đạo Chính quyền ủng hộ. Dưới những gốc lim cổ thụ, ông Tý say sưa kể cho chúng tôi nghe chuyện giữ gìn cánh rừng quý này. 

Sau khi đã được nhận bảo vệ và trồng rừng lim, hai ông Tý và Nghiêm đã chuyển nhà từ trong xóm đến gần rừng lim ở. Đêm nào lâm tặc cũng rình rập để chặt cây, nên 2 ông lúc nào cũng phải bám rừng đi tuần để kiểm tra. “Mình ở đây thì chúng nó rút, mình rút thì chúng nó lên rừng. Những đối tượng này chủ yếu ở địa bàn khác đến, chúng có thể ngồi hàng ngày, hàng đêm để rình. Cứ có tiếng động lạ trong rừng hoặc có nguồn tin báo là phải tức tốc đi kiểm tra ngay. Bởi lẽ mỗi một cây lim bị lâm tặc hạ bệ chẳng khác nào một nhát dao chém vào mình vậy”, ông Tý tâm sự.

Tác giả Chu Minh Khôi (áo trắng) và người dân xã Dân Chủ, Hòa Bình tại rừng lim xóm Bái Yên.

Trong suốt hơn 15 năm, hai ông đã dốc sức bảo vệ tốt 2 rừng lim (rừng lim 1 và rừng lim 2), nhặt hạt cây tự ươm giống để trồng bổ sung cây lim xanh vào các khoảng trống đảm bảo mật độ 200cây/ha theo mục tiêu dự án. Chẳng mấy chốc những cây lim mới mọc lên ngay cạnh những cây bị đốn hạ. Nhằm bảo vệ tốt cánh rừng, ông đã đầu tư làm 1000m đường lâm nghiệp và những con đường đi bộ trong khu rừng, tổ chức bảo vệ phòng chống cháy theo phương án của hạt kiểm lâm thành phố. Đến nay, rừng lim đã được mở rộng diện tích ra trên 50ha.

Năm 2016, Tổng cục Lâm nghiệp phát động cuộc thi viết “Rừng là cuộc sống của tôi” lần thứ 2. Tôi đem chuyện rừng lim ở xã Dân Chủ, thành phố Hòa Bình viết báo gửi dự thi. Lúc đầu chỉ nghĩ gửi dự thi cho vui, chứ không dám nghĩ bài báo sẽ được giải. Nhưng rồi rừng lim xanh cổ thụ không chỉ đem đến cho tôi niềm vui được dạo bước dưới những tán rừng nguyên sinh cổ thụ, về tình người, tình cây của những người dân yêu rừng, giữ rừng, mà còn đem lại cho tôi giải Ba trong cuộc thi “Rừng là cuộc sống của tôi”. Đúng ngày truyền thống ngành Lâm nghiệp Việt Nam năm 2016, tôi vinh dự và vui mừng được về Trường Đại học Lâm nghiệp để nhận giải. 

Với tôi, Cuộc thi “Rừng là cuộc sống của tôi” rất có ý nghĩa, đã góp phần khơi dậy và khiến lan tỏa tình yêu rừng và trách nhiệm bảo vệ rừng vào tâm thức của từng người viết, lan tỏa tới đông đảo người dân và cộng đồng thôn bản. Rất nhiều khu rừng mà tôi đã đến, được đứng dưới tán xanh bất tận, trong đó có rừng lim xanh ở Hòa Bình để lại cho tôi những cảm xúc, ấn tượng khó phai mờ, cuộc thi năm 2016 đã đi qua, nhưng những cánh rừng đó sẽ mãi xanh trong tôi.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất