Nhưng cũng có những vùng đất, di sản chiến tranh vẫn còn gây họa, nhiều nơi còn chậm phát triển...
Sòng bài Kings Romans là “hòn đảo” hào nhoáng trong một cánh rừng ở Ton Pheung, Lào với những mái vòm màu xanh kiểu cách vươn cao hơn cả những ngọn cây xung quanh.
Bên trong, hàng trăm con bạc mặt lạnh như tiền xúm xít quanh các bàn chơi bạc baccarat, đặt cửa mỗi ván hàng ngàn đô la Mỹ trong không gian im phăng phắc, theo tường thuật của tờ Los Angeles Times.
Bên ngoài, một bãi đậu xe đầy những chiếc limousine hiệu Rolls Royce, kế đó là một công trường xây dựng bụi bặm, những vườn chuối và cây rừng.
“Anh đến đây làm gì thế?”, một tài xế của sòng bài hỏi khi đưa khách từ sòng bài ra một chợ dành cho du khách gần đó.
“Anh muốn chơi bạc, hay tìm các cô gái nóng bỏng? Anh có thể chọn đủ loại quốc tịch: Trung Quốc, Miến Điện, Lào, Thái... Ở đây anh có thể có mọi thứ, miễn là ví dày tiền”, tài xế thao thao bất tuyệt.
Sòng bài Kings Romans là trung tâm của Khu kinh tế đặc biệt Tam Giác Vàng, một vùng đất rộng khoảng 100km2 nằm ở tây bắc Lào.
Như tên gọi, khu kinh tế này nằm trong khu vực Tam Giác Vàng, nơi biên giới Lào, Thái Lan và Miến Điện giao nhau, nổi tiếng với hoạt động trồng và buôn bán thuốc phiện.
Năm 2007, Chính phủ Lào cho Cty Kings Romans có trụ sở ở Hong Kong, Trung Quốc thuê đất với thời hạn 99 năm và Cty nói sẽ biến vùng này thành nơi phát triển sầm uất.
Trong đoạn video quảng bá dài 15 phút được đưa trên các trang chia sẻ video tiếng Trung năm 2013, Cty Kings Romans hứa hẹn về một khu thương mại, du lịch tích hợp với những resort, spa xa hoa, một sân golf, một câu lạc bộ du thuyền và các tour ngắm cảnh bằng trực thăng.
Sòng bài của Kings Romans (Ảnh: AFP)
Tuy nhiên, những người chỉ trích nói khu kinh tế thay vào đó trở thành một “thánh địa” của cờ bạc, mại dâm và buôn lậu, làm dấy lên những câu hỏi liệu đây có phải là những “tác dụng phụ” mà nền kinh tế tăng trưởng nóng của Trung Quốc lan tỏa sang nước láng giềng?
“Nếu bạn hỏi người dân Lào rằng họ có quan ngại về mối quan hệ với Trung Quốc thì câu trả lời là có”, Joshua Kurlantzick, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc-ASEAN thuộc Hội đồng Quan hệ quốc tế, một tổ chức nghiên cứu độc lập, nói.
Những tay cờ bạc người Trung Quốc, đất nước về danh nghĩa là cấm cờ bạc, chiếm đa số trong đám du khách kéo tới khu kinh tế Tam Giác Vàng.
Nhiều người bay từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tới bắc Thái Lan, đi xe khách qua biên giới Lào rồi vượt qua sông bằng thuyền để tới được đây.
Các cơ sở ở đây chấp nhận tiền Trung Quốc, các nhà hàng ngoài bán đồ ăn uống còn cung cấp các loại vé xe cộ, máy bay về Trung Quốc. Đồng hồ được điều chỉnh theo giờ Bắc Kinh, nhanh hơn một giờ so với phần còn lại của Lào.
“Ngoài vòng pháp luật”
Khu kinh tế đặc biệt Tam Giác Vàng không phải độc nhất vô nhị. Các sòng bài của người Trung Quốc mà nhiều trong số đó thuộc sở hữu của Tập đoàn Kings Romans, đã nở rộ khắp những vùng xa xôi của Đông Nam Á, ví dụ như ở Mong La, một thị trấn gần như vô luật pháp ở phía đông bắc của Miến Điện, nằm trong sự kiểm soát của phiến quân.
Chính phủ Trung Quốc không công khai thể hiện sự ủng hộ dự án, và cũng không có bước đi rõ ràng nào cho thấy họ muốn đóng cửa các casino này.
Bên cạnh tòa nhà của casino Kings Romans với phong cách “thần thoại Hy Lạp - La Mã là “phố Tàu” với đường dành riêng cho người đi bộ, các cửa hàng đồ lưu niệm, nhà hàng, những phụ nữ mặc váy ngắn chào mời “các phương pháp massage phi truyền thống”.
Hơn 4.500 công nhân làm việc ở khu kinh tế hầu hết là người Trung Quốc.
“Mọi người biết đến khu này thông qua bạn bè, qua rỉ tai nhau thôi”, một phụ nữ tóc vàng đến từ Ukraine, làm việc tại quầy lễ tân của sòng bài, nói với điều kiện được giấu tên bởi cô không được Cty ủy quyền phát ngôn.
Theo cô, đa số khách đến từ tây nam Trung Quốc và Hoa kiều từ Thái Lan, Miến Điện. Công nhân ở nhà tập thể, kiếm được khoảng 800-1.600USD/tháng, ngang với một công nhân xây dựng ở Trung Quốc đại lục.
Có khoảng 30 người Ukraine, nhiều người trong số họ rời quê hương vì đang có chiến tranh. Hầu hết làm công việc chia bài trong casino.
Cô gái tóc vàng này đến đây năm 2014 khi một người đàn ông trung niên hứa hẹn một công việc lương cao trong liên doanh bất động sản. Ông ta nhanh chóng biến mất vì những lý do không rõ ràng. Rồi cô tìm được việc trong sòng bài.
Đầu năm 2015, một tường thuật của Cơ quan Điều tra môi trường có trụ sở ở London gọi khu này là “sân chơi ngoài vòng pháp luật”, nơi du khách có thể mua các sản phẩm phi pháp được chế biến từ động vật: rượu xương cọp, vảy tê tê, tay gấu, thịt trăn...
Một chú hổ trong chuồng tại một tòa nhà thuộc “khu phố Tàu” (ảnh: AFP)
Có nhà hàng còn chào mời món thịt hổ và còn giữ nguyên một bộ xương hổ trong một bể rượu loại lớn, theo bản tường thuật.
Ngày 31/3/2015, truyền hình Lào tường thuật rằng cảnh sát đã tập kích các nhà hàng trong vùng sau khi có báo cáo của Cơ quan Điều tra môi trường và tìm thấy hàng cấm trong bốn nhà hàng của “người nước ngoài”.
Lãnh đạo Tập đoàn Kings Romans là Zhao Wei, 64 tuổi, quê ở tỉnh Hắc Long Giang tít tận biên giới đông bắc Trung Quốc. Ông ta từng nói với phóng viên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV: “Chính phủ Lào cho chúng tôi bầu trời. Chúng tôi phải đáp lại bằng cách xây dựng một thành phố đẹp, để tỏ lòng biết ơn nhân dân Lào”. Nhưng người ta nói việc sử dụng đất của Kings Romans đang gây hại cho người dân địa phương. Đất trong khu vực hầu hết được tận dụng trồng chuối và loại chuối này không phải là chuối Lào. Chúng cần rất nhiều phân bón, thuốc trừ sâu. Nhiều người đã bị ốm vì tiếp xúc với thuốc. |