Càng đau lòng hơn, trong đó, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 vụ (82%) với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 em.
Càng xấu hổ hơn, chủ yếu là hành vi hiếp dâm và giao cấu với trẻ em. Cụ thể đã xảy ra 425 vụ hiếp dâm trẻ em, 606 vụ giao cấu với trẻ em, 232 vụ dâm ô với trẻ em.
Càng buồn hơn, Hà Nội lại đứng đầu cả nước về số vụ án trẻ em bị xâm hại với 88 vụ, TP.HCM 77 vụ, Đắk Lắk 52 vụ, Tây Ninh 51 vụ, Đồng Nai 46 vụ…
Công bằng, theo báo cáo của Bộ Công an, năm 2018 giảm 2,8% so với năm 2017. Song, con số 1.263 vụ hiếp dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em là con số khủng khiếp, cần chặn đứng ngay lập tức.
Người viết bài này không đi sâu vào tìm hiểu nguyên nhân hay giải pháp bởi đã có quá nhiều những văn bản, trong đó chắc đã có không ít những công trình khoa học tốn tiền tỉ ngân sách mang những ngôn từ hào nhoáng nhưng vô dụng mà chỉ mạo muội có 3 ý kiến.
Thứ nhất, cần tăng nặng hình phạt cho tội danh này bởi đây không phải là tội phạm thông thường mà nó còn vi phạm nghiêm trọng giá trị đạo đức, bị cả xã hội căm ghét. Vì thế, nên có hình phạt nặng, ngang như tội phạm ma túy.
Thứ hai, hiện chúng ta có 17 tổ chức, cơ quan về danh nghĩa, có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Vì vậy, cần xem xét lại vai trò, trách nhiệm của 17 cơ quan này, thậm chí xem xét có nên tồn tại hay không nếu nó có cũng như không? Nhà nước không thể bỏ một khoản tiền ngân sách khổng lồ để nuôi những bộ máy mà mỗi lần xảy ra vụ việc, dư luận lại thảng thốt kêu lên: Có ai đó không?
Thứ ba, có nên thay những khẩu hiệu đầy mỹ từ kiểu “Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em” bằng “Hãy bảo vệ trẻ em khỏi nạn bạo hành”… đại loại như vậy.
Tóm lại, trẻ em cần được bảo vệ bằng hành động chứ không phải bằng khẩu hiệu nhiều mỹ từ, cũng không phải bằng những công trình này nọ nghe kêu xủng xoảng nhưng cất ngăn tủ và cũng không cần tới 17 tổ chức, cơ quan mang danh bảo vệ nhưng chẳng có tác dụng bao nhiêu, chỉ thấy tiền thuế của dân ném qua cửa sổ…