Trường Đại học Trà Vinh là đơn vị duy nhất trong cả nước được giao nhiệm vụ trọng điểm quốc gia về đào tạo nhân lực ngành Ngôn ngữ, Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ.
Thực hiện sứ mệnh này, nhà trường đã có những đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng đất phương Nam thông qua các chương trình nghiên cứu và dự án thực tiễn do giảng viên, sinh viên và cựu sinh viên thực hiện.
Trong số những cá nhân tiêu biểu có thể kể đến, TS. Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch – TP.HCM, cựu nghiên cứu sinh ngành Văn hóa học, nổi bật với những đóng góp xuất sắc từ lý luận đến thực tiễn.
TS. Tạ Duy Linh đã triển khai thành công nhiều dự án phát triển cộng đồng gắn với hoạt động du lịch tại khu vực phía Nam, bao gồm các mô hình du lịch cộng đồng như cồn Hô, cồn Chim và cồn Ông tại tỉnh Trà Vinh. Ông cũng là “người đứng sau” mô hình du lịch cộng đồng diêm dân Thiềng Liềng tại huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Những mô hình này không chỉ thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế địa phương mà còn đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các tộc người tại khu vực phía Nam. Qua các dự án này, TS. Tạ Duy Linh không chỉ góp phần xây dựng thương hiệu và hình ảnh cho các địa phương trong bối cảnh hội nhập quốc tế mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của văn hóa trong phát triển du lịch. Những nỗ lực của ông đã giúp gắn kết các giá trị văn hóa độc đáo với các hoạt động kinh tế, tạo ra một mô hình du lịch vừa hiệu quả vừa ý nghĩa, từ đó mang lại lợi ích cho cả cộng đồng và khách du lịch.
Không chỉ riêng TS. Tạ Duy Linh, nhiều cựu sinh viên khác cũng đóng góp tích cực vào sự phát triển văn hóa. TS. Sơn Cao Thắng, một cựu nghiên cứu sinh ngành Văn hóa học, thành lập cơ sở Thươn Bách Thắng, chuyên phục hồi hiện vật cổ Khmer và chế tác các sản phẩm văn hóa như mặt nạ biểu diễn, mô hình chùa và ghe ngo, cung cấp cho toàn vùng. Cơ sở này không chỉ góp phần vào việc bảo tồn di sản văn hóa, mà còn tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương, giúp lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc. Đây là minh chứng cụ thể cho thành quả đào tạo của trường, khi sinh viên có thể ứng dụng kiến thức vào thực tiễn xã hội.
Tương tự, chị Hồ Thị Thúy Hằng, cựu học viên cao học ngành Văn hóa học đã tìm thấy cơ hội phát triển sau khi tốt nghiệp từ Trường Đại học Trà Vinh. Hiện chị là giám đốc Công ty truyền thông Giọng nói Việt, nơi mà các kiến thức về văn hóa và kỹ năng ứng xử văn minh giúp chị tự tin trong nhiều lĩnh vực, từ nghiên cứu đến các hoạt động dịch vụ truyền thông.
Điều này một lần nữa khẳng định Trường Đại học Trà Vinh luôn hướng tới nâng cao chất lượng chất lượng đào tạo, không chỉ về kiến thức, kỹ năng chuyên môn mà còn tạo điều kiện để sinh viên phát triển toàn diện.
Bên cạnh việc đào tạo, Trường Đại học Trà Vinh còn tạo ra các diễn đàn học thuật để sinh viên, giảng viên kết nối với các nhà khoa học trong nước, quốc tế cùng phát triển nghiên cứu và thúc đẩy sáng tạo. Các hội thảo như “Văn hóa Nam Bộ - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, các nghiên cứu về loại hình nghệ thuật Khmer Nam Bộ… được tổ chức thường niên tạo ra môi trường học tập và nghiên cứu sôi động.
Những nỗ lực của trường trong giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc thiểu số trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc bước đầu được giới học thuật quốc tế ghi nhận. Liên minh các trường đại học thế giới vừa công bố thứ hạng các trường đại học có tầm ảnh hưởng thật sự, Trường Đại học Trà Vinh tiếp tục thăng hạng trong năm 2024, xếp hạng 42 trong Top 100 WURI Ranking trường có ảnh hưởng và đóng góp tích cực cho xã hội. Đây là năm thứ 5 liên tiếp, trường thăng hạng trong top 100.
Đặc biệt, trường ghi dấu ấn mạnh mẽ khi lần đầu xếp hạng đứng top 1 về giá trị văn hoá ở nhóm chỉ số thành phần B5 (culture/value) nhờ vào các giá trị nghiên cứu, bảo tồn, phát huy ngôn ngữ, văn hoá, nghệ thuật Khmer Nam bộ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong sinh viên, giảng viên, quản trị nhà trường, thúc đẩy tư duy hợp tác với người học và cộng đồng doanh nghiệp thay vì chỉ tập trung vào nhà trường, giảng viên.
Các thành tựu của cựu sinh viên trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa xã hội là minh chứng rõ nét cho chất lượng đào tạo của trường, góp phần xây dựng nền văn hóa bền vững cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Trà Vinh cũng như vùng Nam Bộ. Trường tiếp tục là nơi ươm mầm những thế hệ sinh viên giàu tri thức và khát vọng đóng góp cho xã hội.