Cứ ngỡ đâu tỉnh Tây Ninh sẽ chuyển mình bởi những dự án kinh tế “khủng” trị giá hàng trăm tỷ đồng như khách sạn 4 sao, trung tâm thương mại, trường đại học… được khởi công. Nhưng người dân tỉnh này chưa kịp mừng đã thất vọng, bởi những công trình hoành tráng ấy vừa sinh ra đã chết yểu, lãng phí không thể tính hết.
TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI LỚN NHẤT
Cuối năm 2011, dự án Trung tâm thương mại (TTTM) Espace Tây Ninh do Cty CP Bourbon Tây Ninh làm chủ đầu tư đã chính thức khởi công tại khu đất có thể nói “đắc địa” nhất thị xã Tây Ninh với 4 mặt tiền (giáp các đường 30.4, Pasteur, Hàm Nghi và Trần Quốc Toản, P.2, TX.Tây Ninh).
Dự án có diện tích ngót 15.000m2 với quy mô cả chục tầng, phục vụ cho nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ, hội nghị với 3 phân khu chính, gồm: khu văn phòng (khu A); khu khách sạn, dịch vụ (khu B) và khu trung tâm thương mại (khu C). Giai đoạn 1, chủ đầu sẽ xây dựng khu A và khu C.
Giai đoạn 2 sẽ đầu tư xây dựng tiếp khu B (1.107 m2). Theo thiết kế, khu văn phòng có 10 tầng, cao hơn 40m và tổng diện tích sàn là 5.611m2. Khu khách sạn, dịch vụ có 14 tầng, cao 45 mét, tổng diện tích sàn hơn 12.300m2. Khu trung tâm thương mại có 4 tầng. Tổng diện tích sàn hơn 16.700m2. Theo công ty, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng và dự kiến sẽ hoàn thành trong 2 năm.
Ngay sau đó, nhà đầu tư bắt đầu tập trung lực lượng nhân công, thiết bị, hoạt động rầm rộ, náo nhiệt khiến người dân mừng thầm khi nghĩ trung tâm thị xã sắp có một khu thương mại hoàng tráng, đồ sộ.
Thế nhưng, công trình thi công được nửa năm, đang đổ đến tầng thứ 3 thì bỗng thấy công nhân dọn đồ đạc, xách gói lặng lẽ rời công trường, để lại dãy nhà còn trơ khung và khoảnh đất chung quanh cỏ hoang mọc đầy. Điều đáng nói là, trước đó cả chục năm, tức từ năm 2000, UBND thị xã đã bắt đầu triển khai công tác bồi thường, giải tỏa, tái định cư cho cả trăm hộ dân cư ngụ trên khu đất này. Bây giờ, “khu đất vàng” này vẫn chỉ có cỏ dại mọc.
Vì sao dự án TTTM Espace Bourbon Tây Ninh đang triển khai lại bị ngưng thi công? Theo Cty CP Bourbon Tây Ninh là do đối tác Sacombank đề nghị không tiếp tục thực hiện dự án vì có khó khăn. Hiện Cty CP Bourbon Tây Ninh đang tìm giải pháp khác để có thể tiếp tục thực hiện dự án.
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CHỈ… TRONG MƠ
Đó là khu đất nằm trên đường Nguyễn Trãi (P.4, TX.Tây Ninh), cũng là khu đất đẹp của thị xã, có đến 2 dự án đầu tư xây dựng trường ĐH, đó là Trường ĐH Tư thục (ĐHTT) Á Châu, do Cty Thương mại - Dịch vụ Tân Bách Khoa làm chủ đầu tư, được Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép thành lập vào năm 2005.
Theo dự kiến, Trường ĐHTT Á Châu có quy mô 1.500 sinh viên, 11 khoa, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 300 tỷ đồng thực hiện trong vòng 10 năm. Dự án này khiến cho nhiều người dân Tây Ninh phấn khởi và hy vọng khi hoàn thành sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho nhiều hộ gia đình có con em muốn tiếp tục học sau khi tốt nghiệp phổ thông.
Khi triển khai dự án, Cty Tân Bách Khoa chỉ tập trung khởi công xây dựng trụ sở tại khu đất đường Nguyễn Trãi với ý đồ đẩy nhanh tiến độ tuyển sinh vào trường. Tuy nhiên, khi công trình vừa mới xong phần móng thì chủ đầu tư không đủ khả năng tài chính khiến dự án bị đình trệ. Do đó, tháng 1/2007, UBND tỉnh Tây Ninh ra quyết định thu hồi dự án với lý do là không triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ, dù đã được gia hạn nhiều lần.
Sau 2 năm khu đất dành cho cỏ mọc, năm 2007, Tiến sĩ Huỳnh Văn Duyên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu - Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ TP.HCM có đề án thành lập Trường ĐHTT Đông Dương (sau đổi tên thành Trường ĐHTT Khai Minh), UBND tỉnh đồng ý nguyên tắc, và năm 2008, dự án này được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép thành lập.
Theo dự án, trường có 8 khoa, sau khi hoàn thành, trường không chỉ thu hút sinh viên ở Tây Ninh, trong cả nước mà còn cả sinh viên các nước lân cận. Dự kiến năm học 2009-2010, Trường ĐHTT Khai Minh bắt đầu tuyển sinh.
Thế nhưng, không hiểu vì sao, sau lễ khởi công khá rầm rộ được tổ chức tháng 6/2010, đến 2 năm sau, hình bóng ngôi trường trong mơ này vẫn không thấy đâu khiến UBND tỉnh Tây Ninh một lần nữa lại phải ra quyết định thu hồi dự án! Khu đất này hiện cỏ mọc lút đầu cùng những cột trụ bê tông dở dang, những cây thép đã gỉ sét chọc thẳng lên trời.
DỰ ÁN KHÁCH SẠN 4 SAO BỎ PHẾ
Tháng 8/2010, dự án khách sạn Petroland Tây Ninh vô cùng hoành tráng nằm trên khu đất “vàng” (đường Hoàng Lê Kha, P.3, TX Tây Ninh) chính thức khỏi công khiến người dân Tây Ninh lại một lần vui mừng. Dù trước đó, không ít người hụt hẫng khi khu đất này từng là khu vui chơi, giải trí khá tốt mang tên “Ước mơ tuổi thơ” của con em họ.
Bởi, không lâu nữa khu vực này sẽ có khách sạn Petroland tiêu chuẩn 4 sao với quy mô 18 tầng nổi, 1 tầng hầm. Trong đó có 5 tầng để kinh doanh dịch vụ ngân hàng, vui chơi, ẩm thực, 13 tầng kinh doanh khách sạn với 144 phòng nghỉ sang trọng.
Công trình dự kiến thực hiện trong thời gian 2 năm, được xây dựng trên diện tích hơn 1.700m2, tổng đầu tư 300 tỷ đồng, do 4 doanh nghiệp góp vốn gồm: Cty CP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland), 50% vốn, Tổng Cty Khí Việt Nam (PVGas) góp 29%, Tổng Cty Tài chính CP Dầu khí Việt Nam (PVFC) 11%, Cty Cơ khí Tây Ninh góp 10% vốn. Có thể nói, đây là dự án khách sạn hoành tráng nhất ở Tây Ninh từ trước đến nay. Khi công trình hoàn thành, diện mạo thị xã Tây Ninh thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho lộ trình phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại 3 và thành phố trực thuộc tỉnh.
Thế nhưng, sau lễ khởi công, ngoài những tấm bảng trưng bày phối cảnh tòa nhà cực đẹp treo kín ngoài hàng rào khu đất, bên trong vẫn “lặng như tờ”. Tình trạng này kéo dài khiến một khu vực từng nháo nhiệt với hàng chục đứa trẻ nô đùa mỗi chiều, nay đìu hiu và dần hoang phế, cỏ mọc lút đầu người, chẳng ai còn dám vào vì sợ rắn, chuột. Niềm hy vọng của người dân dần phai mờ như những bức tranh vẽ mô hình công trình hoành tráng ngày nào.
Tháng 4/2011, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có công văn gửi UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị tạm ngưng triển khai dự án. Dự án Khách sạn Petroland hoành tráng nhất Tây Ninh chính thức bị “khai tử”.
Sau đó, UBND tỉnh tiếp tục ra quyết định thu hồi chủ trương đầu tư dự án này. Từ sau khi dự án bị thu hồi, những tấm bảng phô trương phối cảnh hoành tráng của khách sạn được tháo dỡ, khu “đất vàng” này được người dân “trưng dụng” tạm thời làm nơi chứa củi, phơi đồ. Phía ngoài sát đường Hoàng Lê Kha, nơi có khoảng trống tương đối sạch được một số người khác bày bàn ghế bán cà phê, giải khát.
Ngoài những dự án dở dang, Tây Ninh còn có những công trình đã hoàn thành nhưng bỏ hoang hoàn toàn như nhà hàng nổi trên mặt hồ Dầu Tiếng. Hoặc Trung tâm thể dục thể thao huyện Dương Minh Châu, hoàn thành năm 2007, nhưng đến nay, gần như chẳng hoạt động gì, phần lớn diện tích vẫn bỏ hoang phế. |