| Hotline: 0983.970.780

Những giọt nước mắt phía sau vụ sạt lở đê sông Cầu

Thứ Tư 10/04/2024 , 07:00 (GMT+7)

Trong đêm, sáu nhà dân ở thành phố Bắc Ninh bị sạt lở xuống sông Cầu. Tỉnh Bắc Ninh đã công bố tình trạng khẩn cấp.

Gần 30 năm sinh sống bên cạnh dòng sông Cầu, chưa lúc nào bà Nguyễn Thị Thao vơi nỗi bất an. Lo sợ nhất là thời điểm mùa mưa, nước về dồn gây ngập lụt. Riêng năm nay, dù chưa vào mùa mưa thế nhưng tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng, “ngoạm” mất 6 ngôi nhà xây kiên cố. Bà Thao vừa chia sẻ vừa rưng rưng nước mắt.

6 ngôi nhà khang trang, kiên cố bị dòng sông 'nuốt chửng' sau một đêm. Ảnh: Hùng Khang. 

6 ngôi nhà khang trang, kiên cố bị dòng sông 'nuốt chửng' sau một đêm. Ảnh: Hùng Khang. 

Khu dân cư Vạn Phúc, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh vốn trũng thấp, được coi là vùng “rốn lũ” của sông Cầu. Mỗi năm người dân thường phải hứng chịu từ 1 - 3 trận lũ lụt, mỗi trận lũ ngập từ ba đến tám ngày, lũ lớn ngập đến mái nhà nên đời sống người dân rất khó khăn, tách biệt hoàn toàn với các phường trung tâm ở trong đê sông Cầu.

Những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân tác động nên dòng chảy sông dần thay đổi về phía Bắc Ninh. Mùa lũ sông chảy siết, “đánh” mạnh vào bờ bên phía phường Vạn An dẫn đến tình trạng sạt lở, “nuốt chửng” khoảng 40 - 50 mét vào bờ, nhiều nhà dân bị biến mất theo dòng nước chỉ chưa đầy 10 phút.

Bà Thao rơi nước mắt vì toàn bộ căn nhà đã chìm xuống lòng sông Cầu. Ảnh: Huy Bình.

Bà Thao rơi nước mắt vì toàn bộ căn nhà đã chìm xuống lòng sông Cầu. Ảnh: Huy Bình.

Rạng sáng 7/4, nhiều ngôi nhà gần nhà bà Thao bị sạt xuống bờ sông. Chứng kiến cảnh tượng đó bà thêm phần lo lắng. Khuôn mặt hốc hác, đôi mắt thâm cuồng vì thiếu ăn, mất ngủ. Đến giờ bà vẫn chưa thể tin là mình đã mất nhà. Hàng ngày bà vẫn ra khu vực bờ sông để nghe ngóng tình hình sạt lở, cũng như phương án giải quyết của chính quyền địa phương.

Bao năm sống cảnh sông nước lênh đênh, làm đủ mọi nghề để mong ngày gia đình chuyển lên bờ sinh sống, ước vọng của bà Thao được thực hiện vào năm 2017 với việc xây căn nhà cấp bốn khang trang để sinh hoạt. Tuy nhiên, hơn 1 tháng trước, sự cố sạt lở bờ đê đã khiến toàn bộ ngôi nhà bị sạt xuống sông nên gia đình phải di tản. Cả nhà hiện ở chung một phòng trong nhà văn hóa khu phố.

"Gần 60 tuổi chẳng bao giờ nghĩ sẽ phải ra đường ở như thế này, vậy là mất hết rồi", bà Thao chia sẻ.

Điều mà bà cũng như các hộ dân khác tại khu dân cư Vạn Phúc mong chờ là chính quyền địa phương sớm vào cuộc, khắc phục tình trạng sạt lở, hỗ trợ người dân ra khu tái định cư để ổn định cuộc sống.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thao rơi vào cảnh sống tạm bợ qua ngày vì toàn bộ ngôi nhà giờ đã nằm dưới lòng sông. Ảnh: Hùng Khang.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thao rơi vào cảnh sống tạm bợ qua ngày vì toàn bộ ngôi nhà giờ đã nằm dưới lòng sông. Ảnh: Hùng Khang.

Cùng tâm trạng như bà Thao, chị Trịnh Thị Trường thẫn thờ bên cạnh đồng đồ sinh hoạt của gia đình được hàng xóm đến để vận chuyển giúp. Ngôi nhà 3 tầng của gia đình đang có dấu hiệu lún sụt. Một tuần nay cả bốn thành viên chưa ai được một giấc ngủ ngon.

"Vợ chồng tôi làm nghề sông nước, vay mượn chạy chữa khắp nơi để mua được mảnh đất và cố gắng xây dựng căn nhà, bây giờ nhà sập xuống sông thì không biết sống bằng cách nào, có mọt kiếp cũng không trả xong nợ", chị Trường chia sẻ, đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng sớm xác định nguyên nhân tình trạng sạt lở, bố trí, hỗ trợ người dân chỗ ở để ổn định đời sống.

Theo ông Đặng Thanh Ngân, Phó Chủ tịch UBND phường Vạn An, điểm sạt lở thuộc khu vực đất làng cổ của khu Vạn Phúc các gia đình đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hiện có 6 nhà dân và 2 công trình xây dựng bị sạt, trượt, cùng trên 20 nhà dân bị ảnh hưởng trực tiếp, đang ở vùng nguy hiểm. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, các ngành chức năng của tỉnh đã xuống kiểm tra hiện trường, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. Phường tiến hành di dời các hộ dân nằm trong khu vực nguy cơ cao, đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng của người dân.

Ngay sau sự cố sạt lở UBND thành phố Bắc Ninh đã công bố tình trạng khẩn cấp tại khu vực sạt lở bờ sông, cắm biển cảnh báo và bố trí lực lượng canh gác 24/24h, không để người dân ra vào khu vực nguy hiểm.

Cơ quan chức năng cắm biển cảnh báo và bố trí lực lượng canh gác 24/24h, không để người dân ra vào khu vực nguy hiểm. Ảnh: Huy Bình.

Cơ quan chức năng cắm biển cảnh báo và bố trí lực lượng canh gác 24/24h, không để người dân ra vào khu vực nguy hiểm. Ảnh: Huy Bình.

Theo khuyến cáo của các ngành chức năng, vào mùa mưa, nước dâng nhanh và chảy xiết nên rất dễ xảy ra nguy cơ sạt lở, nhất là vào ban đêm. Vì vậy, bà con đang sinh sống sát mé sông, ở gần các khu vực sạt lở cần chủ động nắm bắt tình hình, theo dõi mực nước, sự thay đổi của dòng chảy để chủ động phòng tránh. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng cần có kế hoạch di dời, bố trí chỗ ở cho người dân. Trước mắt, cần hướng dẫn bà con chủ động tập kết tài sản, vật nuôi ra khỏi khu vực sạt lở để đề phòng thiệt hại trong mùa mưa bão sắp đến.

Ngày 8/4, Đoàn công tác của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tiến hành khảo sát, đánh giá tình trạng sạt lở để đề xuất giải pháp xử lý triệt để. Tại buổi làm việc, Đoàn khảo sát thực trạng lở, bồi, đánh giá quy luật thủy triều, dòng chảy tại vị trí bờ hữu, bờ tả đê sông Cầu thuộc địa phận phường Vạn An và phường Hòa Long (thành phố Bắc Ninh). Trên cơ sở những khảo sát, đánh giá ban đầu, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đề xuất kế hoạch nghiên cứu tổng thể toàn tuyến đê hữu Cầu trên địa bàn tỉnh, từ đó đưa ra giải pháp công trình nhằm bảo vệ sự an toàn hệ thống đê điều, tính mạng, tài sản của nhân dân khu vực ven đê.

Xem thêm
Thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Kazakhstan

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, thành công của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam chính là thành công của Việt Nam và ngược lại.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.