Bám víu “chờ sập”
Khu tập thể số 11 Vọng Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) được xây dựng từ năm 1963 dành cho công nhân nhà máy cơ điện cũ, đến năm 1995 thì được bàn giao cho địa phương khai thác và quản lý. Lần cuối khu tập thể được nâng cấp, cải tạo đã cách đây gần 30 năm. Hiện nay khu tập thể này đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, lúc nào cũng xập xệ, buộc những hộ dân ở đây phải sống trong cảnh chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng mặt trời…
Cả khu có 4 tầng, mỗi tầng gồm 10 căn hộ rộng từ 6 - 24m2 nhưng mỗi dãy chỉ có một nhà vệ sinh chung. Không gian sống chật chội, ẩm thấp, thậm chí ánh sáng tự nhiên không thể lọt vào từ hành lang đến các lối dẫn, cầu thang buộc phải thắp đèn điện cả ngày lẫn đêm.
Vì vậy, để tăng thêm diện tích sinh sống, các gia đình đành phải tự vá víu, cơi nới thêm bếp ăn, nhà tắm, rồi chỗ phơi quần áo. Nhiều căn hộ ở đây đã cơi nới thêm tầng hay “chuồng cọp” để tăng diện tích sử dụng, gây áp lực lên hạ tầng công trình vốn đã xuống cấp, chờ sập.
Bên trong khu tập thể, mạng lưới đường ống dẫn nước, đường dây điện chằng chịt như mạng nhện tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Nhiều người còn “đánh liều”, tận dụng chỗ phơi quần áo ngay cạnh đường dây điện bởi đó là chỗ duy nhất có ánh sáng tự nhiên đủ để làm khô quần áo.
Những mảng tường bong tróc, lộ cả phần lõi sắt đã hoen gỉ. Phần trần nhà với hệ thống dầm, xà bằng gỗ cũng đã “lồ lộ” trước mắt những hộ dân sống ở đây. Không chỉ như vậy, hệ thống khu nhà vệ sinh chung của từng tầng lúc nào cũng bốc mùi hôi nồng nặc do các công trình này đã xuống cấp nên đường ống thải thường xuyên bị tắc, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân cũng như môi trường xung quanh.
Mỗi phòng có diện tích khoảng 6m2, trước đây được phân cho những hộ độc thân nhưng giờ họ đều đã bán để chuyển đi nơi khác hoặc cho thuê lại. Khu tập thể già nua bây giờ chỉ còn độc những người già chứng kiến từng sự thay đổi của khu tập thể và những người trẻ đến thuê trọ.
6m2 là không gian đã "tích hợp" đủ cả phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn và phòng sinh hoạt chung. Không gian chỉ vừa kê nổi chiếc đệm để nằm như thế này từ lâu đã trở thành căn nhà của nhiều hộ dân sinh sống tại đây. Nhiều nhà do “hàng xóm” đã chuyển đi nên đã ghép vào thành những căn hộ 12-24m2.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa (73 tuổi) là người chứng kiến từng sự thay đổi của khu tập thể cho biết: “Nhà tôi trước có 5 người sống với nhau trong ‘căn hộ’ 12m2 vừa làm phòng khách, vừa làm phòng ăn, vừa sinh hoạt… Bếp thì đặt ngoài hành lang, chứ chỗ ngủ còn không đủ thì nói gì đến bếp ăn…”.
Theo chia sẻ của những người thuê nhà tại khu tập thể số 11 Vọng Đức, vì giá cho thuê rẻ, với mức thu nhập ít ỏi nên nhiều người chấp nhận “bám trụ” tại nơi đây. “Bám trụ” đồng nghĩa với việc người dân đã gắn số phận của mình với khu tập thể xuống cấp, xập xệ này.
Bà Hoa cho biết: “Ngày trước thì nhà 5 người, bây giờ chồng mất, các con đi làm cả nên tôi không muốn chuyển đi sang khu khác. Già rồi, sống được bữa nào hay bữa ấy, lo lắng gì nữa…”. Khoảng không gian 12m2 vốn dành cho 5 người ở nay chỉ còn mình bà Hoa sinh sống nên chừng đó là “đủ” để bà “dưỡng già”.
Lo hệ thống dây điện chằng chịt gây mất an toàn, lo kết cấu hạ tầng vốn đã xuống cấp nay lại phải chịu thêm những “chuồng cọp” được cơi nới, lo sập… Những nỗi lo cứ xếp chồng lên nhau đè nặng lên những hộ dân bên trong khu tập thể. Hầu hết các chung cư cũ như thế này hiện đều đã hết niên hạn sử dụng, bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ và không đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân.
Căn nhà không thể đứng thẳng
Nằm ở khu vực “đất vàng” của thành phố Hà Nội, ông Chu Văn Cao (sinh năm 1947, số 63 - phố Thuốc Bắc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là chủ sở hữu của căn nhà có diện tích 2,5m2. “Mái ấm” của ông Cao có chiều dài 2,5m, chiều rộng 1m và cao 1,4m. Kích thước như vậy là không đủ để một người trưởng thành có thể đứng thẳng và đi lại thoải mái. Nhưng đây lại là căn nhà mà ông Cao gắn bó trong suốt hơn 30 năm qua.
Căn nhà nằm trong con ngõ sâu hun hút, phía sau dãy nhà là mặt đường sầm uất của khu phố cổ. Theo ông Cao, ban đầu “căn nhà” này vốn là cái gác xép của căn hộ cũ. Tuy nhiên, do làm ăn thua lỗ, ông Cao phải bán đi tầng 1 và cùng con trai chuyển lên gác xép để sống từ năm 1992. Từ đó tới nay, căn nhà là nơi sinh hoạt của hai bố con ông.
Nền nhà là một tấm gỗ ép đã được cắt gọt để phù hợp với diện tích. Không gian xung quanh được ông Cao tận dụng để sắp xếp những đồ dùng cá nhân như sách báo, quần áo… Mọi thứ được ông sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, để sao cho tiết kiệm diện tích nhất có thể.
Nguồn sáng duy nhất của căn nhà đến từ chiếc đèn học đã cũ của ông Cao. Đó là công cụ hỗ trợ ông Cao đọc báo, đọc sách mỗi ngày. Phòng tắm thì nằm ở một khu khác riêng biệt. Nhà vệ sinh là nhà vệ sinh chung của cả xóm. Riêng khu vực phơi quần áo, ông Cao phải phơi nhờ trên sân của một gia đình khác trong ngõ chứ diện tích nhà ông không có chỗ để có thể phơi đồ. Và đặc biệt là nhà ông không hề có bếp nấu ăn.
Ông Cao cho biết: “Nhà tôi dùng nhà vệ sinh chung của ngõ. Còn việc nấu nướng thì từ khi còn trẻ, hay phải đi công tác tôi đã quen ăn hàng, bà nhà tôi cũng vậy, các con cũng thế…Bây giờ sống ở đây thì mùa đông ăn luôn ở ngoài hàng, mùa hè ngoài đấy đông đúc, chen chúc nên mang về nhà ăn…”.
Căn nhà “hộp diêm” trở nên ngột ngạt hơn mỗi đợt nắng nóng cao điểm. Mùa nóng căn nhà trở nên ngột ngạt, bức bối đến khó chịu. Ông Cao nói: “Bạn bè hay người thân gì đến chơi chỉ nói 1, 2 câu là đi ra ngoài bởi trong này chật và kín quá họ không chịu được…”. Chiếc quạt nhỏ là “cứu cánh” duy nhất của gia đình ông Cao trong mỗi mùa nóng.
Với 2,5m2 diện tích, hai bố con ông Cao chỉ có thể nằm nghiêng khi ngủ. Căn phòng thậm chí không đủ không gian để có thể đi lại. Để di chuyển trong căn phòng phải chú ý khom lưng, luồn lách để tránh không chạm vào trần nhà hoặc những bờ tường xung quanh.
Khó khăn chật chội là thế nhưng ông Cao luôn giữ được tinh thần lạc quan, dù cho cuộc sống có phần “đặc biệt” so với hầu hết mọi người. Ông nói: “Người ngoài thì có thể thấy bí bách, chật hẹp nhưng tôi thì quen rồi không thấy nóng bức hay chật chội gì cả. Cuộc sống của tôi bây giờ thì không gọi là hạnh phúc được, nhưng tôi thấy thỏa mãn với những gì tôi có, tôi cảm thấy đủ cho cuộc sống sinh hoạt của tôi…”.
Cho đến nay, căn nhà của ông Cao là một trong những căn nhà “đặc biệt” nhất tại khu vực phố cổ bởi vì nó chật hẹp. Căn nhà bé đến mức đồ đạc trong nhà cũng cần được lựa chọn là đồ hay sử dụng hàng ngày thì mới để lại. Còn những món đồ khác được ông Cao đóng thùng cẩn thận, gửi nhờ ở nhà bà con hoặc hàng xóm thân quen.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố hiện có 1.579 căn chung cư cũ (2 - 5 tầng), tập trung trong 76 khu vực với khoảng 1.300 nhà còn là nhà riêng lẻ, chủ yếu được xây dựng trước năm 1954 và từ những năm 1960 - 1994. Trong đó 4 quận nội thành có tới gần 1.000 nhà chung cư cũ nát.