Tại tỉnh biên giới Lào Cai, một địa phương thuần nông, lâm nghiệp thì đây được coi là vấn đề then chốt để phát triển kinh tế NN cũng như kinh tế - xã hội nói chung của cả tỉnh.
Từ lâu, bài toán liên kết SX, tiêu thụ sản phẩm trong SXNN luôn khiến nhiều địa phương đau đầu, người dân nhiều phen dở khóc dở cười. Chuỗi liên kết này được ví như một cỗ máy hoạt động trơn tru mà trong đó, HTX và người dân là những mắt xích quan trọng nhất. Chúng tôi cất công lên đường để tìm những mắt xích ấy…
Miến đao Thành Sơn
Dù chưa xuất hiện trong các siêu thị lớn hay những cửa hàng thực phẩm hiện đại, nhưng từ lâu, người dân sống ở Lào Cai ít nhiều từng nghe đến đặc sản nức tiếng vùng đất Bát Xát – miến đao Thành Sơn. Đây là sản phẩm truyền thống, được làm hoàn toàn thủ công, xuất phát từ HTX Thành Sơn, xã Bản Xèo, huyện Bát Xát.
Người dân xã Bản Xèo liên kết với HTX làm ra sản phẩm miến đao truyền thống |
Ông Vương Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bản Xèo cho biết, sản phẩm nức tiếng này thực tế có từ rất lâu đời. Người dân Bản Xèo nói riêng, nhiều thế hệ sinh ra đã thấy cha ông mình trồng cây giong riềng để làm miến. Cái nghề làm miến đao ở đây chắc cũng tồn tại hàng trăm năm.
Tuy nhiên, tất cả chỉ mang tính chất tự phát, SX nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra ít, gần như không có thương hiệu dù chất lượng tuyệt vời. “Cách đây vài năm, chúng tôi nảy ra ý tưởng xây dựng một HTX NN liên kết SX với người dân để làm miến đao. Ban đầu thì có ít hộ tham gia, đến nay thì gần như cả xã ai cũng trồng. Nhẩm tính sơ sơ có khoảng hơn 400 hộ. Thậm chí, mấy xã lân cận cũng trở thành vùng nguyên liệu của HTX chúng tôi”, ông Tuấn chia sẻ.
Trên diện tích đất có sẵn, HTX ươm giống rồi cấp cho người dân. Ngoài ra, người trồng còn được cung ứng toàn bộ vật tư như phân bón, thuốc BVTV. Diện tích vùng nguyên liệu thường xuyên đến nay đạt khoảng 300 ha, cho khối lượng nguyên liệu đầu vào khoảng 8.000 tấn/vụ.
Bất kể giá thị trường ra sao, HTX luôn bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân với giá “chết” là 2,5 nghìn đồng/kg. Tính ra, giá trị kinh tế trên 1ha đất là khoảng 50 triệu đồng.
Chị Nông Thị Hiền, thôn Bản Xèo 1 cho biết, năm 2016, gia đình bắt đầu ký hợp đồng liên kết SX với HTX, diện tích trồng hơn 1 ha. “Năm rồi, gia đình tôi bán cho HTX được hơn 10 tấn củ với giá 2,5 nghìn đồng/kg. Tính ra thu nhập gấp nhiều lần trồng ngô”.
“Sản lượng miến đao của HTX mỗi năm đạt khoảng 100 tấn. Dịp cao điểm có khi sản xuất ra được mỗi ngày một tấn. Do làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nên sản phẩm làm ra không phải là nhiều. Đặc biệt dịp giáp Tết, năm nào cũng cháy hàng, có công nhân ngay trong HTX phải vơ vội vài cân cầm về không là hết veo”, ông Vương Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bản Xèo phấn khởi. |
Chị Hoàng Thị Nghiệp, cùng thôn Bản Xèo thì cho biết, mỗi năm liên kết bán được 16 – 17 tấn củ cho HTX. Không những vậy, chị còn được HTX nhận làm công nhân chế biến, lương công nhật mỗi ngày 150 nghìn đồng.
Chàng trai tiên phong
Nhắc tới nông đặc sản ở Lào Cai, chắc chắn không thể bỏ qua cái tên gạo Séng Cù. Gạo Séng Cù ngon có tiếng bởi độ thơm, dẻo đặc trưng của núi rừng tây bắc.
Nhưng ý tưởng biến đặc sản này thành vùng SX một giống rồi đưa đi quảng bá khắp nơi, nhiều người cho đó là sự mạo hiểm.
Nhưng giờ đây, nhìn thung lũng Mường Vi lúa Séng Cù chín vàng ruộm, tất thảy đều gật gù với sự mạnh dạn của chàng trai Cao Xuân Diễn, sinh năm 1986, với chức danh nghe rất “oách” – GĐ HTX Tiên Phong.
Theo anh Diễn, sau nhiều năm mày mò tìm hiểu thị trường, đặc tính canh tác của người dân bản địa, năm 2014, HTX Tiên Phong chính thức ra đời để làm cầu nối cho gạo Séng Cù với thị trường. HTX đã ký liên kết với 26 hộ dân, tổng diện tích khoảng 10ha, thành một vùng SX giống lúa Séng Cù dài tít tắp.
“HTX sẽ đứng ra cung ứng toàn bộ thuốc BVTV, phân bón cho người dân. Vào vụ, HTX sẽ liên hệ với các cơ quan chuyên ngành NN, hỗ trợ người dân trong vấn đề dịch bệnh. Chính vì vậy, người dân lúc nào cũng yên tâm SX. Đồng thời, chất lượng gạo làm ra luôn được đảm bảo ngay từ khâu SX ban đầu”, anh Diễn chia sẻ.
Những cánh đồng lúa Séng Cù bạt ngàn ở xã Mường Vi |
Vùng nguyên liệu này mỗi năm cung cấp cho HTX khoảng 100 tấn thóc. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu thị trường, mỗi năm, đơn vị phải cho nhập thêm khoảng 200 tấn thóc từ các địa phương xung quanh.
Bà Trần Thị Xuân, thôn Đông Căm 1, xã Mường Vi cho biết, mỗi năm cân bán cho HTX gần chục tấn thóc Séng Cù. Do Séng Cù có mùi thơm đặc trưng, thu hút nhiều sâu bệnh, nhưng do luôn được HTX, cán bộ ngành NN hướng dẫn sát sao nên rất yên tâm SX. “Điều làm chúng tôi yên tâm nhất là dù thị trường có biến động, HTX vẫn thu mua theo hợp đồng với giá cả ổn định. Thứ hai là chúng tôi học được hướng dẫn dùng thuốc BVTV đúng cách, gạo làm ra đảm bảo ATTP. Nếu như HTX duy trì thu mua, chúng tôi sẽ cố gắng giữ mối liên kết này để kinh tế gia đình ngày càng ổn định”.
Anh Diễn tâm sự, hiện mặt hàng gạo Séng Cù đã được HTX của anh đưa đi quảng bá, bán ở nhiều nơi như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, mỗi năm từ 180 – 200 tấn. Về câu chuyện liên kết SX, anh Diễn cho rằng, cái quan trọng là làm sao thuyết phục, phân tích để người dân thay đổi nhận thức. Dù HTX chưa gặp trường hợp người dân phá vỡ hợp đồng, bán sản phẩm ra ngoài nhưng bắt bệnh, phòng xa vẫn hơn…
Anh Cao Xuân Diễn, GĐ HTX Tiên Phong cùng người dân trên cánh đồng Mường Vi |
“Tôi cũng nghe nhiều câu chuyện, chính người dân phá vỡ hợp đồng liên kết. Tôi nghĩ, đây là việc không nên. Được giá thì bán ra ngoài, lúc rớt giá chẳng lẽ lại kêu HTX đến thu mua. Đó là cách người dân tự buộc chân mình. Đã là liên kết thì phải vững tâm, phải tin tưởng vào HTX mới thành công được”, bà Trần Thị Xuân, thôn Đông Căm 1 tâm sự. |