Cách đây hàng chục năm, xã Liên Châu huyện Thanh Oai, TP Hà Nội đã nổi tiếng bởi mạnh dạn đi đầu trong chuyển đổi nông nghiệp với những mô hình trang trại, gia trại đạt hiệu quả như lúa - cá - vịt, lúa - cá - ba ba tận dụng triệt để lợi thế của một vùng đất trũng. Con cá, quả trứng vịt của xã không chỉ đáp ứng cho thị trường Hà Nội mà đi khắp các tỉnh thành từ đồng bằng Bắc Bộ đến miền núi Tây Bắc. Năm 2013, Liên Châu trở thành 1 trong 8 vùng được Sở NN và PTNT Hà Nội xây dựng thành công mô hình chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến tiêu thụ. Thu nhập bình quân của xã đạt trên 68 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã giảm còn 0,82%, chỉ còn 2 hộ nghèo…
Từ nền tảng kinh tế đó đã giúp ích rất nhiều cho công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) ở đây. Năm 2017 xã được công nhận NTM. Năm 2022, Liên Châu là 1 trong 5 xã của huyện Thanh Oai được giao nhiệm vụ phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Xác định xây dựng NTM là quá trình lâu dài, chỉ có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc, Ban Chỉ đạo NTM cấp xã đã tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân tham gia duy trì, giữ vững các tiêu chí đã đạt được của giai đoạn trước và huy động các nguồn lực để đạt các tiêu chí của giai đoạn sau.
Trong đó, nền tảng nhất vẫn là phát triển sản xuất như xây dựng các mô hình nông nghiệp sạch, mang tính hàng hóa lớn, bền vững gắn với bảo vệ môi trường để từ đó nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Theo ông Nguyễn Thanh Bình-Chủ tịch UBND xã Liên Châu, năm 2022 huyện đã đề xuất với thành phố hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng để xây dựng một loạt các cơ sở hạ tầng của NTM nâng cao như nâng cấp đường Tân Ước - Liên Châu, Trạm Y tế, Trường Tiểu học… Đồng thời, huyện giao xã làm chủ đầu tư cải tạo các dự án đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, nhà văn hóa.
Cả 3 nhà trường Mầm non, Tiểu học, THCS của xã đều phấn đấu xây dựng nhà trường theo 5 tiêu chuẩn quốc gia mức độ 1 và mức độ 2. Không chỉ trông chờ vào đầu tư của ngân sách nhà nước, xã còn chủ động trong việc xã hội hóa nguồn vốn xây dựng NTM, vận động các doanh nghiệp, người dân và con em xa quê thành đạt đóng góp được trên 20 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công để chỉnh trang lại các công trình văn hóa, tâm linh, thể dục thể thao. Ở thôn Từ Châu làm nhà giáo lý trị giá trên 8 tỷ đồng, làm giếng làng khu vực xóm Trầm trị giá gần 1 tỷ đồng; làm đèn led trang trí đường trị giá gần 500 triệu đồng. Ở thôn Châu Mai sửa đình, ao đình trị giá trên 1 tỷ đồng; sửa giếng cổ chùa trên trị giá trên 1 tỷ đồng; sửa miếu gần 1 tỷ đồng; cải tạo nghĩa trang nhân dân, sân vận động, lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao và lắp đặt đèn đường…Không chỉ góp tiền, góp công mà nhiều người dân Liên Châu còn sẵn sàng hiến đất khi địa phương có nhu cầu xây dựng các công trình công cộng, làm đường giao thông.
Nhờ đồng lòng từ cán bộ đến nhân dân mà Liên Châu đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM nâng cao. Bài học kinh nghiệm được xã rút ra là phải khai thác các nguồn thu, xã hội hóa việc xây dựng NTM. Muốn vậy cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào cuộc, lấy nông dân làm trọng tâm, lấy nông thôn làm đích ngắm, lấy phát triển kinh tế làm phương tiện thực hiện NTM. Việc đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm cho người dân phải là nền tảng. Việc huy động các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực, để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn... đều phải được coi trọng.
Song song với phát triển kinh tế là cải tạo môi trường bằng trồng và bảo vệ cây xanh, bảo vệ ao hồ và giảm thiểu các yếu tố ô nhiễm, thu gom xử lý rác thải. Thực hiện cải cách hành chính đồng hành cùng chuyển đổi số theo công nghệ 4.0, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với đa giá trị, phát triển ngành nghề dịch vụ. Nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, hỗ trợ khởi nghiệp, các sản phẩm, dự án mang tính tuần hoàn, khép kín và phát triển bền vững…
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội