Xã Hồng Dương có 7/7 thôn được công nhận làng nghề trong đó có 2 làng nghề chế biến, kinh doanh thực phẩm trở thành thu nhập chính của người dân ở đây. Theo bà Nguyễn Thị Như Hằng - Chủ tịch Hội Nông dân xã địa phương xác định nghề chế biến, kinh doanh thực phẩm không chỉ đem lại kinh tế cho bà con mà còn phải có trách nhiệm với xã hội, với sức khỏe của người tiêu dùng. Bởi thế, để đưa công tác vệ sinh an toàn thực phẩm vào nề nếp, xã đã thành lập 5 tổ hợp tác sản xuất lúa hàng hóa, chế biến giò chả cùng 4 mô hình, 5 tổ hội, chi hội, cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn.
Chính quyền thường xuyên tuyên truyền cho người dân đã sản xuất là phải đảm an toàn thực phẩm, không những cho gia đình mình sử dụng mà cho cả xã hội. Bên cạnh đó, chính quyền còn tổ chức nhiều các hoạt động cho người sản xuất đi tham quan học tập các mô hình làm tốt việc đảm bảo an toàn thực phẩm, tham gia các hội chợ để ngoài giới thiệu sản phẩm còn giao lưu, học tập các công nghệ sản xuất mới, kinh doanh, quản lý đảm đảo an toàn thực phẩm.
Cũng tương tự như Hồng Dương, xã Cự Khê có trên 500 hộ sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm. Từ lâu, miến Cự Khê và đặc biệt là tương Cự Khê đã nổi tiếng khắp vùng với những gia đình nhiều đời kế nghiệp. Ngoài ra, ở Cự Khê còn có các hộ trồng trọt, chăn nuôi hay kinh doanh dịch vụ ăn uống. Với chính sách “mưa dầm thấm lâu”, chính quyền ở đây nhiều lần tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền để người dân hiểu tầm quan trọng của an toàn thực phẩm. Song song với đó còn thường xuyên thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Nhờ đó mà đã có nhiều sự thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Với cây lúa, nông dân trong xã hầu hết không dùng thuốc BVTV hóa học mà áp dụng các biện pháp của SRI như cấy thưa, dẫn nước vào ruộng ngập, khô xen kẽ, chăm bón cân đối. Với những cây trồng khác như rau, ăn quả, nông dân áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, sử dụng phân bón và thuốc BVTV tự chế như giềng, tỏi, ớt ngâm với rượu rồi phun. Với chăn nuôi, sử dụng các chế phẩm sinh học và xây dựng các khu chuồng an toàn sinh học, khép kín, thường xuyên khử trùng, tiêu độc để đề phòng dịch bệnh. Với các hộ sản xuất thực phẩm ở làng nghề và dịch vụ ăn uống thì quản lý bằng cách giám sát điều kiện an toàn thực phẩm rồi cấp giấy chứng nhận. Để đảm bảo việc an toàn thực phẩm, chính quyền còn huy động các hội, đoàn thể như phụ nữ, nông dân… vào cuộc dưới vai trò giám sát, giúp cho người sản xuất, kinh doanh có ý thức hơn.
Đó là những xã bước đầu đã làm khá tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, trên bình diện chung toàn huyện thì hiện chưa có nhiều chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Người sản xuất cứ sản xuất rồi bán cho thương lái hay bán ra chợ mà không quan tâm mấy đến chất lượng, xây dựng thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ. Nông dân và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm vẫn là những chủ thể khá rời rạc chứ chưa tìm được tiếng nói chung để cùng chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro trong chuỗi giá trị. Thêm vào đó, việc dễ dàng có thể mua được các loại thuốc kích thích tăng trưởng, kháng sinh cấm trên thị trường hay những hóa chất cấm trong bảo quản thực phẩm khiến cho mọi thứ càng phức tạp. Thậm chí khi xảy ra ngộ độc vì mất an toàn thực phẩm cũng khó có thể truy vết xem nguyên nhân xuất phát từ đâu.
Thanh Oai là huyện định hướng lên quận trong thời gian tới, nhưng trước mắt sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản thực phẩm theo quy mô nhỏ kiểu nông hộ hay tổ hợp tác, hợp tác xã vẫn không thể thiếu được. Để giữ kế sinh nhai của người dân, giữ thương hiệu cho các làng nghề đã rất nổi tiếng như giò chả Ước Lễ, Hoàng Trung, bún bánh, tương Cự Khê, Bích Hòa… đồng thời có trách nhiệm với cộng đồng, thiết nghĩ trong thời gian tới huyện Thanh Oai sẽ phải huy động cả bộ máy chính quyền vào cuộc đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thanh Oai cần dành nguồn lực đầu tư lớn hơn cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời hành động một cách quyết liệt để phòng chống nạn “thực phẩm bẩn” bằng cách tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm ngay từ cơ sở, không để phát tán ra cộng đồng.