Trường Xuân là xã miền núi (thuộc huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), nơi có nhiều bà con đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống. Ở đây việc phát triển kinh tế- xã hội còn gặp nhiều khó khăn nên đời sống nhiều bà con vẫn trong bộ bề gian khó.
Những năm gần đây, các cấp, ngành thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tích cực làm ăn, tận dụng tiềm năng đất đai, phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo đã có những chuyển biến tích cực.
Ông Trần Đại Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân cho hay, nhiều hộ nông dân thuộc diện nghèo, nay đã tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo. “Nhiều hộ đã vươn lên khá giả và cũng giúp đỡ gia đình khác về kinh nghiệm sản xuất, về con giống, tạo nên phong trào rộng trong xã”- ông Nghĩa nói thêm.
Chúng tôi về bản Lâm Ninh, ghé thăm nhà anh Hồ Minh (người dân tộc Vân Kiều, sinh năm 1988), là một trong những điển hình kinh tế giỏi.
Lúc còn thanh niên, Hồ Minh theo bạn bè vào các tỉnh phía nam làm công nhân, mong muốn có cuộc sống tốt hơn. Thế nhưng, cuộc sống thành thị khó khăn hơn anh nghĩ, nên đã quyết định quay về quê hương, quyết tâm lập nghiệp.
Khởi đầu, từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng của nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Minh mua 2 con bò cái sinh sản và giống keo để trồng rừng. Đến năm 2015, gia đình đã có đàn bò 8 con. Năm sau, Hồ Minh bán hết bò và vay mượn mua 5 con trâu giống về nuôi.
Đàn trâu phát triển tốt nên chỉ ba năm sau, Hồ Minh bán bớt số trâu giống. Số tiền có được trả hết nợ vay và đầu tư nuôi dê núi để tăng thu nhập.
Đến nay, gia đình Hồ Minh có 20 con trâu, 30 con dê, 8ha keo tràm, hàng trăm con gà thả vườn… mỗi năm thu về cho gia đình anh khoảng 150 triệu đồng.
Vươn lên thoát nghèo, làm giàu, Hồ Minh là tấm gương về thay đổi tư duy của đồng bào dân tộc trong việc phát triển kinh tế. Năm 2021,anh được UBND tỉnh Quảng Bình tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.
Khi xây dựng vườn cây ăn trái, ông Thuận đưa ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt để đỡ công. Dù vườn trên đất đồi núi, khí hậu khắc nghiệt nhưng ông Thuận thường xuyên làm cỏ, bón phân hữu cơ nên cây trồng phát triển tốt. Vài năm sau, các loại cây trồng đều cho hoa trái và có hiệu quả kinh tế cao.
Anh Hồ Minh cũng tâm sự: “Ở vùng miền núi nhiều khó khăn thật đó. Nên chú trọng đến phát triển kinh tế trồng rừng, chăn nuôi gia súc hoặc cải tạo vườn, tập trồng các loại cây kinh tế cao mới thay đổi được đời sống”.
Trước đây, gia đình ông Trần Văn Thuận (thôn Kim Sen) cũng là hộ nghèo của xã Trường Xuân. Tuy có diện tích đất rừng sản xuất tương đối lớn nhưng gia đình ông chưa tìm ra được hướng làm ăn để phát triển kinh tế, thoát nghèo.
Cách đây 7 năm, ông Thuận được tham gia lớp tập huấn về trồng cây ăn quả do địa phương tổ chức. Sau khi dự lớp tập huấn về, ông đã quyết định chuyển đổi 1,2ha đất đồi trồng keo sang làm vườn hồ tiêu và trồng các loại cây ăn quả đang được thị trường ưa chuộng, như: Mít thái, chanh đào, cam mật Hiền Ninh, nhãn…
Khi cây trồng ra hoa, hết trái, ông Thuận còn đầu tư nuôi thêm 35 đàn ong lấy mật. Với só tiền dành dụm được, ông đầu tư trồng thêm 10ha keo tràm và 8ha thông lấy nhựa.
Với mô hình vườn cây ăn quả, trồng rừng kinh tế và nuôi ong lấy mật đã cho thu nhập cao, đưa gia đình ông vượt khó vươn lên khá giả trong vùng. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Thuận thu về gần 200 triệu đồng.
Tuy nhiên, việc nhân rộng và phát triển các mô hình kinh tế ở xã miền núi Trường Xuân vẫn còn nhiều vướng mắc. Theo ông Trần Đại Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân xã thì các mô hình điểm vẫn chưa thực sự bền vững, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn bó hẹp ở quy mô một vài hộ gia đình, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường.
“Mặt khác, tính đột phá trong phát triển kinh tế của bà con còn hạn chế. Một trong những thế mạnh của địa phương là có diện tích đất trồng rừng lớn nhưng việc đầu tư chưa hiệu quả, chưa xây dựng được chuỗi giá trị nên hiệu quả kinh tế chưa cao”- ông Nghĩa nhìn nhận.