| Hotline: 0983.970.780

Những người Dao vùng cao Kỳ Thượng làm du lịch cộng đồng

Thứ Tư 11/12/2024 , 15:23 (GMT+7)

QUẢNG NINH Với mô hình du lịch cộng đồng, những người Dao Thanh Phán tại thôn Khe Phương đã lan tỏa, giới thiệu đến với du khách gần xa bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Dám nghĩ dám làm

Khe Phương là một thôn vùng cao của xã Kỳ Thượng, nằm cách trung tâm TP Hạ Long hơn 50km với 45 hộ dân, 186 nhân khẩu, 100% người dân là người dân tộc Dao Thanh Phán. Trước kia, nơi đây được biết tới là địa bàn đặc biệt khó khăn, thiếu thốn trăm bề.

Khe Phương sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Khe Phương sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thế nhưng, Khe Phương vào thời điểm này đã từng bước “thay da đổi thịt”, nhất là khi người dân nơi đây bắt tay vào làm du lịch cộng đồng. Trò chuyện với chúng tôi, anh Bàn Văn Vy (trưởng thôn Khe Phương), cũng là một trong số những người tiên phong phát triển du lịch cộng đồng tại đây bồi hồi chia sẻ:

“Khe Phương sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cùng bầu không khí trong lành, mang đến cảm giác thư thái. Đồng thời người Dao Thanh Phán nơi đây vẫn lưu giữ được rất nhiều nét văn hóa đặc sắc, thể hiện bản sắc truyền thống riêng của dân tộc. Dựa trên những lợi thế đó, tôi muốn cùng bà con nơi đây chung tay xây dựng mô hình du lịch cộng đồng để giới thiệu, lan tỏa với đông đảo du khách thập phương”.

Vậy là, năm 2020, anh Vy cùng một số người bạn bắt tay vào xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ đón tiếp khách du lịch. Đến tháng 4/2023, khu du lịch cộng đồng với tên gọi Kỳ Thượng Am Váp Farm đã chính thức được ra đời và đón tiếp những vị khách đầu tiên đến tham quan và trải nghiệm.

Du khách tìm hiểu và trải nghiệm nghệ thuật thêu truyền thống của người Dao Thanh Phán. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Du khách tìm hiểu và trải nghiệm nghệ thuật thêu truyền thống của người Dao Thanh Phán. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Am Váp Farm có tổng diện tích khoảng chừng 300m2 bao gồm 2 ngôi nhà sàn với 4 phòng lưu trú tập thể, sức chứa tối đa là khoảng 40 người. Ngôi nhà sàn được trang trí, sắp xếp mang đậm nét văn hóa của người Dao Thanh Phán với những món đồ truyền thống của dân tộc, tạo cho du khách cảm giác thích thú và bất ngờ khi ghé thăm.

“Du khách khi đến đây sẽ được trải nghiệm chèo thuyền, ngắm suối, tham quan địa điểm kiến trúc bảo tồn văn hóa người Dao ở nhà trưởng họ, thưởng thức cá suối, gà bản.... Đặc biệt, nếu trùng với thời điểm diễn ra lễ cấp sắc hoặc lễ hội của người Dao, du khách có thể trực tiếp tham gia các hoạt động”, anh Vy bật mí.

Đặc biệt, đội ngũ hướng dẫn viên của khu du lịch cộng đồng chính là những người dân sinh ra và lớn lên tại địa phương. Chị Lý Thị Thủy, hướng dẫn viên của khu du lịch bày tỏ:

“Là người con của Khe Phương, tôi chỉ mong muốn có thể giới thiệu đến với du khách những nét văn hóa đặc biệt của dân tộc. Thời điểm đầu khi mới làm, mọi thứ đối với tôi còn rất mới mẻ, vậy nên tôi đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, trò chuyện với các vị cao niên trong thôn đển nắm rõ hơn về phong tục tập quán hay những nghi lễ truyền thống để truyền tải đến du khách một cách chính xác và dễ hiểu”.

Đến nay, chị Thủy đã có hơn 3 năm kinh nghiệm làm hướng dẫn viên. Giờ đây, chị có thể tự tin giới thiệu đến với du khách gần xa những nét đẹp của dân tộc mình, đồng thời hướng dẫn du khách tham gia một số hoạt động trải nghiệm như trực tiếp đào sắn và chế biến thành món ăn.

Đánh thức tiềm năng du lịch

Người Dao Thanh Y tự mình chuẩn bị các món ăn truyền thống để tiếp đãi du khách. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Người Dao Thanh Y tự mình chuẩn bị các món ăn truyền thống để tiếp đãi du khách. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Mặc dù mới đi vào hoạt động, tuy nhiên khu du lịch cộng đồng của những người Dao “mê” làm du lịch đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch, trong đó có cả những vị khách quốc tế.

“Mỗi năm chúng tôi đón khoảng 1.000 khách du lịch đến với Khe Phương, đa phần sẽ tập trung vào thời điểm mùa hè. Du khách khi đến đây đều có chung cảm xúc là vô cùng ấn tượng với bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, choáng ngợp bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và thích thú khi được trải nghiệm, hòa mình vào không gian văn hóa truyền thống của ngươi Dao”, anh Bàn Văn Vy chia sẻ.

Bên cạnh việc góp phần lan tỏa bản sắc văn hóa, mô hình du lịch cộng đồng còn góp phần tạo thêm việc làm cho nhiều người dân địa phương. Không chỉ riêng những người làm việc tại khu du lịch, bà con nông dân khi có nông sản có thể đem đến bán trực tiếp cho du khách, từ đó tạo thêm nguồn thu nhập.

Du khách hào hứng tham gia các hoạt động trải nghiệm tại thôn Khe Phương. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Du khách hào hứng tham gia các hoạt động trải nghiệm tại thôn Khe Phương. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, bà Bàn Thị Phương, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Thượng thông tin: “Việc phát triển du lịch cộng đồng đã góp phần quảng bá, lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc đến với du khách thập phương và mở ra cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, địa phương đang trình thành phố nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500 để phát triển thêm khu du lịch cộng đồng xóm Đồng Cút và khu du lịch cộng đồng xóm khu Khe Tre”.

Với việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương và văn hóa dân tộc, vùng cao Kỳ Thượng đã sẵn sàng bứt tốc, khẳng định sức hút có “ 1 0 2” và trở thành điểm du lịch mới của thành phố di sản trong thời gian tới.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thanh Trì sáng tạo lan tỏa các sản phẩm OCOP

Thời gian vừa qua huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP.