| Hotline: 0983.970.780

Ninh Bình đề xuất phân bổ chỉ tiêu đất trồng lúa cho các tỉnh

Thứ Sáu 31/07/2020 , 10:47 (GMT+7)

Ninh Bình đề xuất cần rà soát quỹ đất trồng lúa toàn quốc, phân bổ chỉ tiêu đất trồng lúa cho các tỉnh.

Ông Đinh Văn Điến (đứng), Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình tại buổi làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (thứ hai từ trái sang). Ảnh: Lê Tuấn

Ông Đinh Văn Điến (đứng), Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình tại buổi làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (thứ hai từ trái sang). Ảnh: Lê Tuấn

Ngày 31/7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình về một số nội dung lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Tha thiết chuyển đổi đất lúa

Theo UBND tỉnh Ninh Bình, những năm qua, việc triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Năm 2019, giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh đạt bình quân khá cao, ở mức 130 triệu đồng/ha. Cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục có chuyển biến theo hướng giảm tỉ trọng ngành trồng trọt, tăng chăn nuôi, thủy sản.

Trong lĩnh vực trồng trọt, việc tái cơ cấu được đẩy mạnh theo hướng chuyển dịch sang giá trị gia tăng, chuyển đổi các diện tích đất lúa, đất gò đồi kém hiệu quả sang các loại hình sản xuất nông nghiệp có giá trị cao.

Cụ thể thời gian qua, toàn tỉnh chuyển đổi khoảng 6.000 ha, chủ yếu là vùng ruộng trũng thuộc các huyện Nho Quan và Gia Viễn, Yên Mô… sang thủy sản, rau màu, cây ăn quả… Trong đó, nhiều mô hình mang lại giá trị cao, từ 300 triệu đến 1 tỉ đồng/ha/năm, cao gấp 3-10 lần trồng lúa.

UBND tỉnh Ninh Bình đánh giá, sản xuất lúa hiện nay đang cho giá trị thấp nhất so với các sản phẩm khác, khiến người dân không mặn mà. Trong khi đó, việc chuyển đổi đất lúa vẫn gặp nhiều khó khăn do các quy định về giữ đất lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực.

Do đó, UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị cần rà soát quỹ đất trồng lúa toàn quốc, đất sản xuất lúa hàng năm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu, qua đó phân bổ chỉ tiêu cho các tỉnh, thành phố để chỉ đạo sản xuất lúa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. Đồng thời cần có chính sách hỗ trợ đặc thù cho các vùng trồng lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực.

Còn lại, có thể giao chỉ tiêu cho phép chuyển đổi đất lúa sang hình thức sản xuất nông nghiệp khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định trong chuyển đổi đất lúa để người dân dễ thực hiện.

“Các huyện như Gia Viễn, Yên Mô, chúng tôi tha thiết muốn được chuyển đổi đất lúa sang các hình thức sản xuất nông nghiệp khác có hiệu quả hơn, bởi trồng lúa rất kém hiệu quả. Tương tự huyện Nho Quan cũng thế, rất nhiều xã khó khăn về thủy lợi, nguồn nước gây khó cho trồng lúa, nên cần sớm cho phép chuyển đổi”, ông Đinh Văn Điến, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình kiến nghị.

Đột phá cho thủy sản của Ninh Bình

Về thủy sản, hiện nay, Ninh Bình đang cho thấy tiềm năng, giá trị ngày càng lớn của nuôi trồng thủy sản tại huyện Kim Sơn.

Hiện nay, vùng bãi triều của huyện Kim Sơn vẫn đang ngày càng không ngừng tiến ra biển, mỗi năm tiến thêm từ 80-100m. Đến nay, Ninh Bình đã hoàn thiện xong hệ thống giao thông kết nối hệ thống đê biển Bình Minh (1,2,3) của huyện Kim Sơn với Cồn Nổi, đang triển khai đầu tư xây dựng hệ thống đê biển Bình Minh 4…, kết hợp với hệ thống rừng ngập mặn ven biển đang ngày càng phát triển mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm cơ sở sản xuất giống thủy sản tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Ảnh: Lê Tuấn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm cơ sở sản xuất giống thủy sản tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Ảnh: Lê Tuấn.

Vì vậy, đây sẽ là tiềm năng vô cùng lớn của tỉnh Ninh Bình, cả về giá trị phát triển kinh tế xã hội ven biển và dịch vụ du lịch, bảo vệ môi trường, hình thành hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học…

Trong khuôn khổ chương trình làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã kiểm tra tình hình triển khai đầu tư một số công trình thủy lợi, đặc biệt là hệ thống đê biển Bình Minh (huyện Kim Sơn) của tỉnh Ninh Bình.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thăm một số mô hình đầu tư sản xuất giống thủy sản công nghệ cao, vùng nuôi trồng thủy sản trọng tâm của tỉnh Ninh Bình tại huyện Kim Sơn.

Đến nay, nhiều cơ sở sản xuất giống thủy sản của huyện Kim Sơn đã đầu tư, sản xuất được con giống nhiều loài thủy sản như thủy sản 2 mảnh vỏ (giống ngao, hàu), giống tôm, cua…

Trong đó, có nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất giống thủy sản công nghệ cao. Nguồn giống không chỉ phục vụ cho nhu cầu phát triển, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình mà còn được xuất bán phục vụ cho nhiều vùng nuôi thủy hải sản tại các tỉnh ven biển phía Bắc như Nam Định, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh…

Bên cạnh những thuận lợi, gia tăng nhanh về giá trị sản xuất thủy hải sản ven biển, người nuôi trồng và sản xuất giống thủy sản cũng phản ánh những năm gần đây, nguồn nước đang ngày càng ô nhiễm, một số vùng nuôi tôm, ngao thường gặp những rủi ro về dịch bệnh, khó khăn về sản xuất.

Bên cạnh đó, khâu phân phối, kết nối tiêu thụ đối với giống thủy sản, cũng như thủy sản nuôi trồng hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, chưa tổ chức được thành hệ thống phân phối khép kín, chặt chẽ, khiến các cơ sở sản xuất giống thủy sản tại huyện Kim Sơn tiêu thụ con giống còn khó khăn, phụ thuộc vào hệ thống tư thương…

Đê biển Bình Minh 4, kết hợp với đường ra Cồn Nổi (Kim Sơn, Ninh Bình) đang mở ra tiềm năng rất lớn, bền vững cho ngành thủy sản của tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Lê Tuấn.

Đê biển Bình Minh 4, kết hợp với đường ra Cồn Nổi (Kim Sơn, Ninh Bình) đang mở ra tiềm năng rất lớn, bền vững cho ngành thủy sản của tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Lê Tuấn.

Về chiến lược phát triển cho ngành thủy sản của tỉnh Ninh Bình, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường xem đây là khâu đột phá cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới.

Theo đó, cần quy hoạch lại nuôi trồng thủy hải sản mặn – lợ ven sông đối với huyện Kim Sơn của tỉnh Ninh Bình; tập trung nghiên cứu giống, quy trình nuôi trồng đối với các đối tượng nuôi trồng thủy hải sản mặn – lợ, không chỉ tỉnh Ninh Bình mà còn cho các tỉnh khu vực ven biển phía Bắc… Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng vào việc xây dựng, bảo vệ hệ thống rừng ngập mặn phòng hộ ven biển trong thời gian tới.

Xem thêm
Sắp xếp bộ máy địa phương trước 20/2

Ban Chỉ đạo yêu cầu công tác sắp xếp, tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện hoạt động đồng bộ với việc tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Những căn nhà hi vọng xóa đi nỗi ám ảnh về thiên tai

THÁI NGUYÊN Không còn phải nơm nớp lo sợ hiểm nguy rình rập từ thiên tai, giờ đây người dân nghèo đã có căn nhà kiên cố, an toàn để hướng đến tương lai tươi sáng hơn.

Bình luận mới nhất