Xin ông cho biết thực trạng các hồ chứa nước hiện nay trên địa bàn tỉnh do công ty quản lý, vận hành, khai thác?
Hiện nay Công ty Thủy nông Ninh Thuận đang quản lý, vận hành 21 hồ chứa nước và dự kiến đầu năm 2022 sẽ tiếp nhận thêm hồ Tân Mỹ. Tính đến ngày 20/10, tổng dung tích các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh là 121triệu m3/414 triệu m3, bằng 29,4%, trong đó tính cả hồ chứa nước Tân Mỹ có dung tích thiết kế 219 triệu m3.
Hằng năm, theo định kỳ trước tháng 8, chúng tôi chủ động phối hợp cùng với Chi cục Thủy lợi, các địa phương kiểm tra hiện trạng từng hồ, đập và thực hiện báo cáo kết quả kiểm tra đánh giá hiện trạng an toàn hồ chứa trước mùa mưa, lũ năm 2021 theo quy định và gửi về UBND tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh, Sở NN-PTNT.
Kết quả báo cáo rà soát kiểm tra đánh giá hiện trạng an toàn đập năm 2021 của Sở NN-PTNT cho thấy, các hồ chứa đều hoạt động bình thường, an toàn trong quá trình sử dụng. Một số hồ đập có các hư hỏng nhỏ cần khắc phục trước mùa mưa lũ thì công ty chúng tôi đã chủ động bố trí kinh phí triển khai sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo an toàn hồ đập.
Để đảm bảo an toàn hồ đập, đặc biệt trong mùa mưa lũ, hàng năm công ty đã duy tu, sửa chữa như thế nào, thưa ông?
Xác định công tác đảm bảo an toàn hồ đập là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nhất là trong mùa mưa lũ, do vậy sau khi kiểm tra, đánh giá chúng tôi lập danh sách cụ thể các công trình cần khắc phục trước mùa mưa lũ; Tổ chức triển khai lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự trù kinh phí; Triển khai tổ chức khắc phục và hoàn thành trước mùa mưa lũ để đảm bảo an toàn công trình hồ chứa nước.
Ngoài nguồn vốn duy tu, sửa chữa hằng năm, Công ty chúng tôi đã chủ động bố trí kinh phí để khắc phục sửa chữa một số hồ đập có các hư hỏng nhỏ bị xuống cấp. Ngoài ra, những năm qua từ các nguồn vốn an toàn đập của Chính phủ, và nguồn vốn vay của ngân hàng thế giới (WB8), đã triển khai thực hiện nâng cấp, duy tu, sửa chữa nâng cao an toàn đập cho 8 hồ chứa gồm: hồ Lanh Ra, Bầu Ngứ, Bà Râu, Sông Sắt, Sông Biêu, CK7, Tà Ranh, Ông Kinh, đến nay cơ bản các hồ chứa đều an toàn.
Thưa ông, do biến đổi khí hậu gây ra thời tiết cực đoan, thường xuyên xuất hiện mưa lớn. Để đảm bảo an toàn hồ chứa thì những công trình hiện có cần nâng cấp ra sao?
Các hồ đập do chúng tôi quản lý, thời gian qua đã đảm bảo một phần an ninh nguồn nước cho tất cả các khu vực có hồ chứa trong bối cảnh Ninh Thuận có mùa khô kéo dài. Do hệ thống đập, hồ chứa nước có chức năng tích nước vào mùa mưa để sử dụng cho mùa khô, nên vấn đề an toàn đập, hồ chứa nước trở nên đặc biệt cấp bách. Trong Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, thì vấn đề an ninh nguồn nước của Ninh Thuận sẽ được giải quyết triệt để.
Để chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, trong số các hồ chứa do chúng tôi quản lý còn có một số hồ cần nâng cấp, sửa chữa như hồ Suối Lớn, hồ Bầu Ngứ. Đây là hai hồ chứa có dung tích nhỏ, tràn xả lũ tự do, không thể chủ động xả lũ trong mùa mưa lũ. Hiện nay địa hình lòng hồ, lưu vực hồ đã có sự biến đổi nhiều so với giai đoạn trước đây, trong bối cảnh biến đổi khí hậu việc nâng cấp sữa chữa sẽ giúp đảm bảo an toàn đập, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai.
Dự án nâng cấp, sửa chữa hồ Nước Ngọt đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án trong năm 2020. Dự án đầu tư kênh chuyển nước Tân Giang-Sông Biêu đã được HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2020 và đang được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện. Quy mô đầu tư của dự án sẽ xây dựng kênh chuyển nước Tân Giang-Sông Biêu, nâng cao cao trình đỉnh đập Sông Biêu, tăng khả năng trữ nước của hồ, đảm bảo an toàn chống lũ.
Đối với hồ Sông Trâu, qua thời gian đưa vào sử dụng, mái hạ lưu đập thường xuyên bị xói lở, phân bổ trên toàn tuyến đập. Trong các năm gần đây, bằng nguồn vốn hỗ trợ dịch vụ, sản phẩm, công ty đã tổ chức sửa chữa mái hạ lưu đập để đảm bảo ổn định công trình trước mùa mưa lũ. Tuy nhiên, do mái hạ lưu đập có diện tích rộng, hạn hẹp về nguồn kinh phí nên công tác tu sửa chỉ mới đạt hiệu quả giúp ổn định bề mặt mái hạ lưu đập, chứ chưa giải quyết được nguyên nhân tận gốc bên trong. Do đó, cần có nguồn vốn lớn và thực hiện tu sửa triệt để toàn bộ mái đập nhằm đảm bảo an toàn công trình. Dù đã được đề xuất danh mục sửa chữa bằng nguồn vốn phòng chống thiên tai nhưng do khó khăn về vốn nên chưa triển khai thực hiện.
Việc nâng cấp, sửa chữa có khó khăn gì, giải pháp tổng thể ra sao, thưa ông?
Hiện nay do kinh phí khó khăn, dẫn đến việc các hồ, đập do chúng tôi quản lý, vận hành không có hệ thống quan trắc hoặc bị hư hỏng không còn sử dụng được. Do vậy có nhiều hồ chúng tôi phải quan sát mực nước hồ bằng mắt thường để vận hành trong mùa mưa bão.
Nguồn kinh phí của công ty chỉ thực hiện từ nguồn hỗ trợ do Nhà nước cấp bù chỉ cơ bản đảm bảo chi trả cho công tác quản lý, vận hành và tu sửa ở quy mô vừa và nhỏ. Trường hợp cần nâng cấp, sửa chữa hồ đập với quy mô lớn kinh phí lớn thì được UBND tỉnh giao cho Ban quản lý dự án chuyên ngành thực hiện.
Để đảm bảo an toàn hồ đập theo tôi cần có giải pháp tổng thể. Trong đó, giải pháp công trình thì cần bố trí kinh phí sửa chữa các công trình bị sự cố do ảnh hưởng bão, lũ, nhằm bảo đảm an toàn hồ, đập trong mùa mưa bão năm nay. Các Bộ, ngành xem xét có cơ chế hỗ trợ vốn để lắp đặt các thiết bị thông tin cảnh báo an toàn các đập và vùng hạ du… Nâng cấp sửa chữa các hồ chứa có sự cố, các hồ chứa dung tích trên 3 triệu m3, các hồ chứa được xây dựng khá lâu để các hồ chứa này đảm bảo theo quy định vận hành trong mùa mưa lũ.
Về giải pháp phi công trình thì tiếp tục tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước. Kiểm tra việc vận hành các công trình thủy lợi trên địa bàn; rà soát, đánh giá các nội dung không còn phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành nhằm bảo đảm vận hành an toàn công trình và vùng hạ du đập. Rà soát phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đập. Trong đó, tập trung xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du; tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền và tổ chức diễn tập phương án ứng phó với các tình huống khẩn cấp, nhất là vùng hạ du các đập, hồ chứa nước xung yếu...
Bố trí lực lượng đủ năng lực chuyên môn để quản lý, vận hành công trình thủy lợi. Kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình trước và sau mùa mưa, lũ. Theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn để tính toán phương án vận hành bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du nhưng vẫn phải đảm bảo nguồn nước để phục vụ sản xuất sau mùa mưa lũ.
Xin cảm ơn ông!