| Hotline: 0983.970.780

Nợ công 32 triệu/người - Ai vay, ai trả?

Thứ Hai 11/11/2019 , 09:41 (GMT+7)

Hiện trạng nợ công của Việt Nam đang ở mức nào? Khả năng trả ra sao? Những bài học và cảnh báo và giải pháp gì? Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong có những phân tích thực tế trên NNVN.

8586f395421f441fd0e093805443
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong. Ảnh: Tùng Đinh.


“Anh nhà nghèo” và gánh nợ

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nợ công Việt Nam năm 2019 dù giảm vẫn lên đến hơn 3,48 triệu tỷ đồng và áp lực trả nợ đang ngày càng lớn lên. Với quy mô thu GDP 2019 khoảng 6,2 triệu tỷ đồng, trừ đi nhiệm vụ chi thường xuyên thì Chính phủ phải đi vay nợ mới để trả nợ cũ. Có một cách chia số nợ công của Việt Nam mỗi người dân gánh 32 triệu đồng, ông đánh giá như thế nào về những con số này?

Trước tiên phải hiểu một thực tế là trên thế giới không có quốc gia nào là không nợ cả. Nợ hiện nay vừa là bệnh mãn tính, vừa là bạn đồng hành của tất cả các nước. Thậm chí theo Ngân hàng Thế giới thống kê, trong 75 con nợ lớn nhất toàn cầu thì hầu hết đều rơi vào những nước phát triển nhất. Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo, nợ công trên toàn thế giới đã tăng lên mức kỷ lục 188 nghìn tỷ USD, tương đương 230% sản lượng kinh tế toàn cầu, đe dọa đến sự ổn định tài chính.

Mỹ giàu mạnh nhất thế giới cũng đồng thời là con nợ lớn nhất. Bộ Tài chính nước này cho biết, Chính phủ Mỹ đã phá vỡ kỷ lục nợ công, vượt quá con số 23 nghìn tỷ USD. Nhật, Đức, Anh… cũng thế. Nợ trở thành hiện tượng bình thường. Nó chỉ trở nên bất bình thường nếu một quốc gia đang nghèo, đang tham nhũng nhiều mà lại nợ nhiều nữa thì mới nguy hiểm. Việt Nam chúng ta đang cố gắng thoát khỏi tình trạng đó.

Nói như thế không có nghĩa là để vỗ về chúng ta yên tâm tiếp tục vay nợ, thực tế nợ công Việt Nam đã và đang có rất nhiều cảnh báo.

Chúng ta hiện nay đang ở vị thế anh nhà nghèo. Nợ công mình phải trả liên tục tăng và đến năm 2020 là cao nhất. Trước đây đã có những giai đoạn đe dọa vỡ nợ và có những cảnh báo rất nặng. Đó là những cảnh báo về một số khoản chậm trả, tỷ lệ nợ công trên GDP tăng rất lớn, tăng thường xuyên và tăng rất nhanh. Đây là cảnh báo kéo dài suốt từ hàng chục năm nay.

Tại sao chúng ta phải đi vay nợ mới để trả nợ cũ? Bởi vì ngân sách của chúng ta từ trước đến nay gồm có hai nguồn: Thu thuế phí và đi vay. Nguồn ngân sách đó theo truyền thống chi thường xuyên hết khoảng 68 - 70%, trả nợ trên dưới 20% thì vừa hết. Thành thử muốn đầu tư phát triển phải đi vay nợ. Nguồn trả cũng nằm trong ngân sách, vì ngân sách không đủ nên phải vay nợ mới để đảo nợ cũ, vay quốc tế với lãi suất thấp hơn để trả khoản vay lãi suất cao hơn là cần thiết.

Còn việc chia theo đầu người, đấy là cách nói để người ta có thể hình dung được quy mô nợ, gánh nặng nợ trên quốc gia đó như thế nào thôi. Thế giới họ cũng có cách chia kiểu như thế.

Về bản chất, tỷ lệ chia nợ không đáng sợ mà vấn đề trả nợ mới là điều đáng sợ. Khả năng trả nợ của Việt Nam, theo các tổ chức quốc tế đánh giá thuộc diện thấp và uy tín trả nợ cũng thấp. Bởi vì, khả năng trả nợ công gắn với các yếu tố thu nhập, nguồn trả nợ, uy tín bộ máy, dự trữ ngoại tệ… Người ta tính toán nợ gốc và lãi trong cùng một thời hạn so với dự trữ ngoại tệ trong thời hạn đó để đánh giá khả năng trả nợ của một quốc gia.

Các nước nợ công rất nhiều như Mỹ, Nhật, Đức, Anh... vẫn được chấm điểm cao nhờ vào nguồn dự trữ ngoại tệ của họ tốt, thu nhập quốc dân tốt, thu thuế tốt... Kiểu như cho anh nhà giàu vay vài chục nghìn là chuyện vặt nhưng đối với anh nghèo rớt mùng tơi lại là vấn đề vì anh ta không có nguồn để trả.

Nếu coi nợ công là gánh nặng thì những nhân tố tạo thành gánh nặng đó là gì? Là bộ máy hành chính cồng kềnh hay là những doanh nghiệp Nhà nước, “những quả đấm thép” một thời đã và đang “đấm” vào ngân sách?

Trong ngân sách Nhà nước, chi nhiều nhất là cho bộ máy với khoảng 11 triệu người ăn lương, chiếm trên dưới 3/4 tổng chi thường xuyên. Thứ hai là đầu tư công cũng là yếu tố khiến áp lực nợ công tăng.

Điều đáng cảnh báo là các nguồn chính gây ra nợ công vẫn tiếp tục chưa được cải thiện. Việc chi tiêu thường xuyên quá lớn dẫn đến khả năng đầu tư phát triển và khả năng trả nợ giảm đi.

Ủy ban Tài chính ngân sách đánh giá vẫn còn nhiều địa phương chưa cân đối được ngân sách, nhất là nơi có số thu ngân sách khó khăn, nguồn thu thấp nhưng chi thường xuyên vẫn rất cao. Nhiều lễ hội, hội nghị, kỷ niệm ngày thành lập, tái thành lập, các lễ khởi công, khánh thành có tính chất hình thức, gây lãng phí ngân sách, chưa thực sự tiết kiệm...

Nợ công bao gồm nợ của Chính phủ, nợ của địa phương. Nếu địa phương vô trách nhiệm chắc chắn nợ công quốc gia sẽ tăng lên. Vì vậy các địa phương phải kiểm soát được đầu tư, quản lý tài sản công để không làm hao hụt. Ông được quản lý mấy nghìn ha đất công nhưng xà xẻo hết, đến lúc Nhà nước cần thì không còn nữa. Hoặc trong quá trình thực hiện các dự án, không kiểm soát kỹ, lợi ích nhóm, bầy ra các dự án tốn nhiều tiền cũng là những nguyên nhân làm tăng nợ công.

Đối với các doanh nghiệp nhà nước, dùng từ thất bại thì hơi nặng, nhưng rõ ràng ngoài một số vai trò tốt, một số những thành công thì vừa qua có nhiều doanh nghiệp trở thành gánh nặng của nền kinh tế thông qua các hoạt động kinh doanh thua lỗ, tham nhũng… Chỉ tính riêng 12 đại dự án thua lỗ của Bộ Công thương, hiện mức dư nợ đã hơn 22 nghìn tỷ đồng và vẫn tiếp tục tăng.

e102b8080982efdcb693093806389
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong trò chuyện cùng PV báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Chúng ta đang dần thừa nhận và khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân, không thể phủ nhận những giá trị kinh tế tư nhân mang lại, tuy nhiên, có nhiều tập đoàn kinh tế vay nợ nước ngoài rất lớn cũng tạo ra những cảm giác bất an. Liệu rằng, đến một lúc nào đó, nợ tư nhân lại trở thành nợ Nhà nước hay không, thưa ông?

Rút kinh nghiệm từ những hạn chế của doanh nghiệp Nhà nước chúng ta đã có một số giải pháp cần thiết bao gồm xử lý dự án thua lỗ, cổ phần hóa nhiều hơn, thay đổi nhiệm vụ chức năng hoặc xóa một số tập đoàn… Đây là hướng đang làm và có những sự tiến bộ.

Thứ hai là tăng vai trò đầu tư tư nhân bằng việc khẳng định vị trí, tạo môi trường, mở thêm cửa tự do hóa đầu tư kèm theo các chính sách khuyến khích, cải thiện sự tôn trọng xã hội và chính sách pháp luật của Nhà nước... Những điều này đã làm cho đầu tư tư nhân tăng vọt lên, hiện nay đang chiếm vị trí số một của cả nước. Đây rõ ràng là một điều tốt, thể hiện đúng tinh thần đầu tư tư nhân sẽ ngày càng quan trọng. Cá nhân tôi cho rằng đó sẽ là một trong những động lực chính của đất nước trong thời gian tới. Tuy nhiên đây là giai đoạn có sự chuyển hóa giữa nợ công và nợ tư rất nhanh.

Nợ công biến thành nợ tư ở chỗ, khi nợ công tăng cao, có thời kỳ chúng ta buộc người dân phải mua trái phiếu, mua công trái, tức là tư nhân phải mua nợ nhà nước.

Nhưng ngược lại nợ tư cũng có thể biến thành nợ công. Bài học EU và Tây Ban Nha, khi các ngân hàng tư nhân bị nợ nặng thì Nhà nước buộc phải cho vay nhiều dẫn đến thâm hụt ngân sách, nợ công tăng lên. Việt Nam chúng ta cũng bị tình trạng đó khi Nhà nước phải mua lại các ngân hàng với giá 0 đồng. Bỏ ngân sách ra mua bao gồm cả mua nợ, mua nghĩa vụ nợ đã khiến nợ công bị tăng lên bởi cộng từ các khoản nợ tư.

Vấn đề một số tập đoàn trong nước đang vay nợ nước ngoài, nếu chúng ta không quản lý tốt, không cảnh báo họ thì tổng nợ nước ngoài của Việt Nam chắc chắn sẽ tăng lên. Bởi vì nợ nước ngoài bao gồm cả nợ Chính phủ và nợ tư nhân, nợ nước ngoài tăng đồng nghĩa với uy tín quốc gia sẽ giảm. Đó là chưa kể nếu không may vỡ nợ, xảy ra thất nghiệp, bất ổn thị trường ngoại hối thì một số khoản nợ của tư nhân Nhà nước thậm chí còn phải bảo lãnh, phải mua lại của tư nhân để giữ ổn định nền kinh tế.

Tôi ví dụ, mới đây thôi, một tập đoàn khá lớn đang đầu tư ở nước ngoài khá nhiều đã đứng trước nguy cơ vỡ nợ khi tính toán đến thời kỳ trả nợ và khả năng trả nợ của họ. Hàng chục ngân hàng Việt Nam phải xúm lại đề nghị Chính phủ cho vay nợ, giãn nợ bởi vì nếu tập đoàn này vỡ nợ thì một loạt ngân hàng chết theo hoặc tập đoàn này buộc phải bán một số dự án ở nước ngoài mà chúng ta đang cần để bảo vệ đất nước.

Nói thế để khẳng định rằng không thể có chuyện nợ tư tư trả, nợ công công trả mà tất cả phải được quản lý, tất nhiên là tùy theo mức độ khác nhau và cơ chế khác nhau.
 

Đừng để “đời cha ăn mặn đời con khát nước”

Chúng ta vất vả đi vay, miệt mài trả nợ mãi thế này mà công tác quản lý nguồn vốn vay xem chừng vẫn còn những bất cập. Đơn cử như nguồn vốn ODA chẳng hạn, những khoản vay theo diện này đã bộc lộ những yếu tố như thất thoát, đội vốn khiến nợ càng thêm nợ... Liệu có phải năng lực quản lý cũng là một yếu tố khiến nợ công trở càng thêm nặng gánh, nan giải hay không, thưa ông?

Đúng là những khoản vay ODA bộc lộ nhiều vấn đề và trong nhiều trường hợp đã làm tăng áp lực nợ công.

Chống tham nhũng cũng góp phần giảm nợ công

Theo TS Nguyễn Minh Phong, công cuộc chống tham nhũng của Đảng của Bộ Chính trị cũng đã góp phần giảm bớt nợ công nhờ việc siết chặt trách nhiệm của cán bộ trong quản lý nợ, trong đầu tư công, thu hẹp các nguy cơ gây ra nợ công. Không phải vô cớ mà năm nay đầu tư công giải ngân chậm. Đấy là điều tốt. Việc giải ngân chậm thể hiện là vẫn còn tiền và một số cán bộ sợ bị bắt tham nhũng, tiêu cực nên không dám giải ngân theo kiểu bất chấp.

Trước hết đó là vấn đề từ nhận thức. Có nhiều trường hợp coi việc vay của ODA như là của được. Tức là cứ vay xong rồi tiêu bừa bãi mà không nghĩ đến lúc phải trả nợ. Vay nhiều và phá rồi để nợ cho con cháu, chả khác gì “đời cha ăn mặn đời con khát nước”.

Vấn đề thứ hai là cơ chế của chúng ta hiện nay cũng chưa đảm bảo. Nhà nước hiện nay vay về xong giữ lại 1/3 để đầu tư công và chi tiêu, 1/3 cho vay thông qua trung gian, còn 1/3 cấp trực tiếp không hoàn lại… Cơ chế ấy khiến cho những đơn vị được hưởng theo diện cấp không hoàn lại tiêu rất không có trách nhiệm, đơn vị trung gian chỉ cho vay xong ăn phần trăm, còn 1/3 giữ lại đầu tư công thì mắc lỗi ở các dự án không chất lượng.

Vấn đề thứ ba là đối với các dự án ODA khi đầu tư sẽ bị rất thiệt thòi là phải chỉ định thầu, phải nhận mua thiết bị máy móc, trả lương , nhận các tiêu chí điều kiện của các chủ ODA ép buộc với giá đắt đỏ, bản thân “con nợ” lại bị giảm mất việc làm… Cho nên có nhiều ý kiến cho rằng nên tổ chức đấu thầu quốc tế và sử dụng biện pháp vay thương mại có khi còn rẻ hơn.

Như dự án Cát Linh – Hà Đông hay nhiều dự án khác, nằm trong điều kiện tổng thầu, phải nhận thầu giá đắt, chưa kể có sự liên kết lợi ích nhóm giữa ông chủ đầu tư và chủ tài trợ để cố tình khai vống giá lên, trượt giá, cuối cùng tạo ra một khoản đắt đỏ...

Cũng liên quan đến năng lực quản lý, để giảm đầu tư công chúng ta cũng đã có hàng loạt chính sách thu hút đầu tư FDI, chính sách thực hiện các dự án BT, BOT... Nhưng trong quá trình thực hiện, bất cập, hạn chế, thất thoát không chỉ khiến nặng thêm gánh nợ mà còn gây ra những bất ổn, bức xúc trong xã hội... Các chính sách thường đúng cả, chỉ có người thực hiện và công tác giám sát là có vấn đề, thưa ông?

Bất kỳ chính sách nào cũng có hai mặt của nó. Mục tiêu và mặt tích cực rõ ràng rất tốt. Tuy nhiên nếu quản lý không tốt thì mặt trái sẽ bị khai thác để phục vụ lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Biến lợi ích ban đầu trở thành không đáng kể đồng thời lợi ích từ mặt trái tăng lên.

Cụ thể, các dự án BT, BOT là những hình thức tốt để giảm bớt đầu tư công. Thế nhưng do mình quản lý không tốt, do lợi ích nhóm, do tham nhũng nên mới biến thành xấu.

Chết ở chỗ dự án BT mà dùng ngân sách để trả hoặc trả bằng đất thế nhưng đất lại được tính với giá rất rẻ trong khi giá thành dự án đó chủ đầu tư tính rất đắt. Thành thử mục tiêu là để giảm nợ công nhưng cuối cụng lại khiến nợ công tăng lên, tài sản công giảm đi và nhà nước cũng nghèo đi.

29704767f6ed10b349fc0938065
Ảnh: Tùng Đinh.

BOT cũng vậy. Mình cho nó quyết toán, thu phí với giá rất cao và hàng loạt sai phạm của nó như không có dự án, không đấu thầu, chủ đầu tư không có khả năng, quyết toán tài chính không rõ ràng... Những sai phạm đó, khi kiểm toán xong phải rút đi hàng trăm năm thu thì bọn nó dọa trả dự án và đẩy Nhà nước vào tình thế phải mua lại với giá rất đắt.

Hoặc ngân hàng, Nhà nước giữ sự ổn định hệ thống ngân hàng bằng cách không để phá sản, thế nhưng khi quản lý không tốt, để ngân hàng cho vay vô tội vạ sau đó lại phải giữ ổn định bằng cách mua lại bằng 0 đồng...

Tương tự là đối với các dự án FDI, thu hút đầu tư nước ngoài ảnh hưởng đến nợ công ở hai điểm. Về mặt tích cực, càng đầu tư nước ngoài nhiều càng giảm bớt nợ công bởi vì nó giống như đầu tư tư nhân thay thế đầu tư Nhà nước. FDI vào sẽ mang theo đô la và dòng ngoại tệ chảy vào nhiều hơn, xuất khẩu tăng, công ăn việc làm tăng, thu ngân sách tăng… dẫn đến khả năng nợ công sẽ giảm.

Nhưng tiêu cực ở chỗ, nếu FDI vào không hiệu quả, không thực chất, kiểu chỉ lấy đất công và mua đi bán lại sẽ làm ảnh hưởng đến cân đối nguồn lực công của đất nước. Thực tế đã cho thấy có những nhà đầu tư trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường, trốn nợ... khiến áp lực nợ công tăng lên bởi Nhà nước phải bỏ tiền ra để giải quyết hậu quả.

Tất cả những vấn đề đó là mặt trái của chính sách cộng thêm có sự tiếp tay của quan tham, của cơ chế, của lợi ích nhóm, của những người vô trách nhiệm. Và xét đến cùng thì Nhà nước phải bao hết. Rất nhiều kẽ hở như thế đã khiến sự giàu có của đất nước bị giảm đi, tư nhân có lợi, tài sản công bị giảm bớt, nợ công tăng lên...
 

Ai trả? Lấy gì trả? Trả như thế nào?

Ông đánh giá như thế nào về khả năng trả nợ công của Việt Nam? Theo dự kiến năm 2020 nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 349 nghìn tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 287,9 nghìn tỷ đồng và nước ngoài khoảng 61,1 nghìn tỷ đồng...

Thực ra theo từng giai đoạn Chính phủ đã có phương án trả nợ công cụ thể. Năm 2020 sẽ là năm đỉnh cao nhất của trả nợ và cũng đã có kế hoạch cho nên chưa bị thế giới liệt vào nhóm vỡ nợ. Uy tín của Chính phủ về mặt trả nợ vẫn đang ở mức trung bình thế giới.

Cần nói thêm, việc tính toán nợ của mình chưa phù hợp chuẩn quốc tế lắm. Quốc tế họ tính cả nợ của doanh nghiệp Nhà nước nhưng Việt Nam chỉ tính các doanh nghiệp Nhà nước được bảo lãnh, còn doanh nghiệp nhà nước tự vay tự trả thì chưa tính, cho nên con số vẫn đang trong mức cho phép.

Về mặt triển vọng chúng ta không phải là nước có thể phá sản nợ nếu theo xu hướng hiện nay, trừ những trường hợp đặc biệt như bão tố hoành hành, chiến tranh xảy ra hoặc tham nhũng quá lớn…làm mất nguồn lực công để trả nợ thì mới sợ.

Nói cách khác, với tiến độ hiện nay chúng ta vẫn an toàn với tư cách là một con nợ. Bởi vì khả năng trả nợ công của một quốc gia dựa vào mức dự trữ ngoại tệ và chúng ta hiện đang ở mức cao nhất từ trước đến nay (76 tỷ USD). Thu ngân sách vẫn đang tốt theo kế hoạch, thu cao đồng nghĩa với khả năng trả nợ cũng cao. Xuất khẩu cũng vậy, đang thu được ngoại tệ nhiều và vẫn đang làm chủ được khả năng cân đối thu chi... Vấn đề của Chính phủ hiện nay là làm sao kiểm soát không phải vay thêm nợ mới.

Chính phủ đã có những giải pháp trả nợ và thể hiện những nỗ lực để kiểm soát và trả nợ công, nhưng thực tế vẫn có những lo ngại, những cảnh báo, theo ông, giải pháp căn cơ để kiểm soát nợ công là gì?

Trong khoảng vài năm trở lại đây chúng ta ít nhiều có sự thực chất, sự cải thiện còn trước đây liên tục tăng và tăng rất nhanh. Tất nhiên, sự thay đổi đó không hoàn toàn do công của Chính phủ vì thực chất quy mô nợ tuyệt đối vẫn tiếp tục tăng.

Chính phủ có công lớn nhất là thắt chặt chi tiêu, kiểm soát vay nợ mới tốt hơn, có cố gắng và tuân thủ nghiêm túc hơn quy định về trả nợ, kiểm soát nợ, dự trữ ngoại hối, tăng xuất khẩu, cải thiện môi trường đầu tư….

Về giải pháp, đầu tiên phải nhận thức nợ công cần phải ưu tiên giảm bớt. Đó là nhiệm vụ, nghĩa vụ của Chính phủ. Không thể nhận thức theo kiểu nợ công cần tăng lên vì đầu tư Nhà nước rất cần thiết.

Thứ hai, phải thay đổi nhận thức về ODA, không thể coi việc vay ODA là của được.

Thứ ba, cần giảm bớt vai trò đầu tư công, vai trò của doanh nghiệp Nhà nước, kinh tế Nhà nước, thậm chí giảm đến mức Nhà nước không còn là Nhà nước đầu tư nữa, doanh nghiệp nhà nước chỉ làm những gì cần thiết thôi…

729988e3b04dd58415093805669

Áp lực với người dân chưa lớn

“Mặc dù nợ công 32 triệu đồng/người, nhưng có thể nói áp lực đối với người dân hiện nay chưa lớn. Bằng chứng là các doanh nghiệp đang được giảm thuế còn người dân cũng chưa tăng thêm các khoản nào cả. Có chăng tới đây đánh một loại thuế mới như thuế tài sản thì có thể ảnh hưởng đến thôi”.

Đó là 3 giải pháp quan trọng về nhận thức, còn giải pháp kỹ thuật đòi hỏi phải tăng xuất khẩu để tăng nguồn tiền, quản lý chặt chẽ các hoạt động đầu tư để tránh thất thoát, tham nhũng, lãng phí tránh các nguy cơ gây ra nợ công. Tiếp nữa là tăng dự trữ ngoại tệ và lập kế hoạch trả nợ tốt để không bị vỡ nợ.

Trách nhiệm trả nợ phải làm rõ. Ai là người trả nợ? Trả nợ đến đâu? Cơ chế trả nợ như thế nào cũng phải rõ bởi hiện nay giữa người vay nợ công và người phải trả nợ công đang khác nhau, không gắn với nhau. Dòng tiền từ vay nợ công đến khi trả nợ không đi liền một mạch gây ra tình trạng đứt đoạn rất nguy hiểm, dễ xẩy ra tình trạng gió vào nhà trống.

Cuối cùng, cần xác định lại cách thức ghi nợ đúng với chuẩn thế giới. Chúng ta phải tính nợ theo cách bao gồm cả những khoản Nhà nước phải gánh vác trong tương lai. Doanh nghiệp nhà nước vay mà không trả được nhà nước cũng phải gánh chứ không thể trốn được.

Trước đây, có lúc vì sợ nợ to quá mà chúng ta có những cách tính ỡm ờ, không minh bạch, không đúng với thông lệ quốc tế. Hành động ấy giống như con đà điểu trốn tránh sự nguy hiểm bằng cách chui đầu vào cát, để cả thân hình lồ lộ ở bên ngoài. Nếu tiếp tục để các doanh nghiệp Nhà nước vay mà không trả được thì chúng ta sẽ trở thành những con đà điểu trên sa mạc cát. Và sẽ bị bắt.

Xin cảm ơn ông!

Nông nghiệp có vai trò rất tích cực trong việc giảm nợ công

“Chúng ta vay nợ chủ yếu là ngoại tệ, mà muốn có ngoại tệ thì phải xuất khẩu để thu ngoại tệ mà trả nợ. Vai trò của nông nghiệp trong vấn đề tạo ngoại tệ để trả nợ công theo tôi là rất tốt.

Chúng ta thường xuyên có xuất siêu trong nông nghiệp, mỗi năm khoảng 5 - 7 tỷ USD. Điều này góp phần rất tích cực trong vấn đề giảm nợ công ở Việt Nam. Điều này lại càng quan trọng trong bối cảnh nhiều lĩnh vực khác nhập siêu, bối cảnh xuất khẩu chúng ta không bền vững do nước ngoài quyết định”, TS Nguyễn Minh Phong nhận định.

 

Xem thêm
Giảm 1 huyện, 161 xã sau sáp nhập

Sáng 14/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (sáp nhập huyện, xã) giai đoạn 2023-2025 của 12 tỉnh thành.

Cây bưởi góp phần xây dựng nông thôn mới ở Thượng Mỗ

Cách đây 30 năm một số nông dân xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội đã tiên phong trong việc mang giống bưởi Diễn về trồng thử ở quê mình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Vùng hoang vu Quảng Trị: [Bài 4] Vòng luẩn quẩn dẫn đến đói nghèo

Sau đám cưới, tiệc tùng linh đình, những đứa trẻ về ở với nhau như vợ chồng. Bố mẹ chúng phải bán trâu bò tổ chức lễ cưới rồi lên xã… nộp phạt.