Trong số báo này, chúng tôi nêu rõ hơn nhiều bất cập về mặt nội dung của các đầu sách trong dự án này. Dự án được đầu tư gần 120 tỷ đồng trong hai giai đoạn, nhưng làm sách ẩu, quá nhiều sai sót trong khâu biên tập.
Lương cao, sách ẩu
Một điều bất hợp lý như chúng tôi đã phản ánh ở số báo trước: Lương của ông Phạm Quốc Tuấn - Chánh Văn phòng kiêm Phó Trưởng BQL Dự án gần 22 triệu đồng/tháng (bao gồm tổng hệ số lương là 14,8 và các chi phí khác).
Thậm chí, tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp của các thành viên Dự án cũng được Dự án chi trả tới 32,5%.... nhưng sản phẩm là các đầu sách lại còn nhiều hạt sạn. Chúng tôi xin dẫn một vài ví dụ cụ thể dưới đây.
Cuốn “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội - Tuyển tập tư liệu phương Tây” (NXB Hà Nội, 2010), trang 553 có câu: “Văn Miếu này có niên đại năm 1074 do vua Lý Thánh Tông khởi công xây dựng trong năm cuối cùng của triều mình”.
Những người có kiến thức lịch sử phổ thông nhất cũng dễ dàng nhớ được, Văn Miếu được xây dựng vào năm 1070 đời vua Lý Thánh Tông. Còn năm 1074 mới xây dựng như trong sách này thì nhà vua đã nằm trong lăng tẩm dưới lòng đất được 2 năm rồi - vua Lý Thánh Tông băng hà năm 1072, thọ 49 tuổi, trị vì 18 năm (1054 - 1072).
Cuốn “Kinh tế xã hội đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX” (NXB Hà Nội, 2010), trang 420 có nhiều lỗi sai tủn mủn rất đáng tiếc. Đó là dẫn phụ lục sách “Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi” của Trương Vĩnh Ký. Năm Ất Hợi của lịch âm khi quy đổi ra lịch dương phải là năm 1875 thì sách của NXB Hà Nội đều để là năm… 1876. Ở trang Mục lục chỉ còn năm… 187.
Hay như trang 367 có dẫn câu vè châm biếm bài giảng Thập điều do vua Minh Mạng giáo huấn đem niêm yết ở đình Quảng Minh: “Vui xem hát, nhạt xem bơi/ Tả tơi đi nghe giảng Thập điều”. Câu này dẫn sai hoàn toàn bài vè, bỏ rất nhiều nội dung trong đó. Bài vè đầy đủ là: “Vui xem hát, nhạt xem bơi/ Tả tơi xem hội, bối rối xem đám ma/ Bỏ cửa bỏ nhà mà đi nghe giảng Thập điều”.
Ngoài ra, nhiều ảnh tư liệu trong cuốn sách này là sao chép trên mạng Internet còn nguyên dấu bản quyền của đường dẫn trên ảnh (trang 134, trang 175, trang 256, trang 277, trang 283, trang 286, trang 289). Thêm nữa, phụ lục 7 với 3 bản đồ trang 459, trang 460 và 461 dẫn bản đồ Hồng Đức, bên dưới có phụ chú: Hoàng thành và phủ Chúa.
Lạ thay, làm sao Hồng Đức là niên hiệu của vua Lê Thánh Tông (1470 - 1497), vị vua anh minh bậc nhất của Việt Nam mà lại có phủ Chúa? Bởi vì phủ Chúa chỉ có từ đời Bình An Vương Trịnh Tùng - vua Lê Thế Tông (1573 - 1599) sau vua Lê Thánh Tông 100 năm. Như thế này chẳng hóa ra những người làm sách đã cho mình được quyền thay đổi lịch sử cha ông hàng 500 năm theo ý thích ư?
Còn nhiều đầu sách sai sót
Trên đây chúng tôi mới chỉ đọc qua một vài đầu sách đã thấy những sai sót không đáng có làm ảnh hưởng đến nội dung của Tủ sách. Ngoài cuốn “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội - Tuyển tập tư liệu phương Tây”, “Kinh tế xã hội đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX” như đã nêu trên, NXB Hà Nội còn phát hành nhiều đầu sách có sai sót khác như “Đất thiêng ngàn năm văn vật” (cố GS Trần Quốc Vượng), “Tuyển tập Thần tích”, “Tuyển tập Hương ước”…
Sách trong dự án mắc nhiều sai sót
Phải nhìn nhận thẳng thắn, Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến đem đến nhiều tư liệu quý giá cho bạn đọc. Song, nó cũng có những sai sót về nội dung hoàn toàn có thể tránh được. Khó có thể lấy lý do nào viện dẫn cho những sai sót này vì đây là Dự án được đầu tư lớn, có đội ngũ đông đảo các nhà khoa học đầu ngành, những người tham gia Dự án được hưởng thù lao mà nhiều người trong ngành xuất bản mơ ước. Vì thế, những sai sót như nêu trên, giống như một một cô gái vóc đẹp, chân dài nhưng mặt… rỗ hoa!
Nhiều nội dung không ràng buộc tác giả Để làm rõ những thông tin xung quanh việc in và phát hành cuốn sách “Khâm định An Nam kỷ lược” (NXB Hà Nội, 2016), chúng tôi đã liên hệ với Dịch giả Nguyễn Duy Chính (hiện đang định cư tại Hoa Kỳ). Ông Nguyễn Duy Chính đã xem lại hợp đồng (ngày 07/12/2013) do người nhận ủy quyền ký với NXB Hà Nội và cho biết: “Trong hợp đồng này tôi không thấy điều khoản nào ràng buộc chúng tôi về việc số lượng và cách thức phát hành, giá cả hay đối tượng phổ biến sau khi in ra nên không có ý kiến. Nếu có những hợp đồng khác thì tôi không được biết…”. |