| Hotline: 0983.970.780

Nỗi khổ của người dân Quảng Nam bị cô lập do ngập sâu

Thứ Tư 12/12/2018 , 06:35 (GMT+7)

Đã gần 20 năm, người dân Quảng Nam mới lại chứng kiến cảnh ngập sâu và dai dẳng như thế. Nhiều ngày liền sống trong cảnh bị cô lập, không điện sáng, không nước sạch. Nhà cửa chìm ngập trong nước.

Khối phố Đoan Trai (P. Tân Thạnh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) hiện vẫn bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Để vào, chúng tôi đi nhờ ghe thuyền vận chuyển mỳ tôm, nước uống tiếp tế cho khối phố.

15-45-40_1
Khối phố Đoan Trai (P. Tân Thạnh, TP Tam Kỳ) có 400 hộ dân với 1.200 nhân khẩu đang bị nước cô lập

Vừa chèo chiếc thuyền nhỏ tròng trành giữa biển nước mênh mông, ông Trần Văn Soạn (Phó ban phòng chống lụt bão phường Tân Thạnh) cho biết, cả khối phố Đoan Trai này có tất cả 400 hộ dân với 1.200 nhân khẩu thì có đến 370 hộ bị ngập. Nhiều nhà nước ngập sâu đến gần 2m. 30 nhà ở những chỗ cao không bị ngập thì họ cũng không thể di chuyển được ra bên ngoài vì nước bao vây tứ bề.

Người dân cho biết, kể từ năm 1999 thì khối phố mới lại chứng kiến một cảnh ngập nước khủng khiếp như thế. Năm nay nước lên quá nhanh lại lên vào buổi tối nên không ai kịp trở tay.

Anh Trần Văn Tài (49 tuổi, trú tổ 5, khối phố Đoan Trai) lắc đầu ngao ngán khi nhìn lại 150 bao lúa của gia đình và một số người trong xóm gửi tạm bị ướt toàn bộ. Nhà anh được xem là địa điểm cao của khu phố, nước khó có thể tràn vào nên nhiều người tin tưởng qua gửi đồ đạc, tài sản. Không ngờ rằng nước lại dâng lớn đến thế.

15-45-40_2
Nhiều ngôi nhà bị ngập sâu đến gần 2m

Thời điểm chúng tôi đến, trời đã bắt đầu ngớt mưa nhưng nước rút rất chậm. Tính từ tối 10 đến trưa ngày 11 thì mực nước ở đây chỉ mới xuống được 10cm. 

“Mấy ngày qua, gia đình tôi phải treo bình ga lên cao để nấu ăn chứ nước ngập hết không biết đặt chỗ nào. Cũng may là cả nhà vừa mới nhận được thùng mỳ tôm tiếp tế”, anh Tài nói.

Bị cô lập hoàn toàn, điện mất, thiếu nước sạch sinh hoạt. Họ phải chắt chiu từng chai nước từ bên ngoài hỗ trợ để uống và nấu đồ ăn. Đồ ăn tiện lợi nhất bây giờ cũng chỉ là những gói phở, mỳ tôm.

Theo ông Phan Hoàng Thành, cán bộ phường Tân Thạnh, trong thời điểm mưa lớn, nước dâng cao, phường đã huy động lực lượng địa phương cùng bộ đội biên phòng sử dụng ghe thuyền di dời khoảng 160 hộ dân trong 60 hộ dân trong địa bàn khối phố, đa số là người già, trẻ nhỏ đến địa điểm an toàn.

15-45-40_3
Người dân di chuyển chủ yếu bằng ghe thuyền
15-45-40_4
150 bao lúa của gia đình anh Trần Văn Tài và các hộ dân xung quanh bị ướt nước, hư hại
15-45-40_5
Hỗ trợ mỳ tôm, nước uống cho bà con vùng ngập
15-45-40_6
Thức ăn tiếp tế được đưa bằng ghe thuyền đến từng hộ gia đình

Thiệt hại nặng

Theo báo cáo nhanh của BCH PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam, trong tối 10 và sáng ngày 11/12 trên địa bàn tỉnh có mưa to, lượng mưa trung bình trên toàn tỉnh là 107,85mm. Mực nước trên sông Tam Kỳ lúc 7h ngày 11/12 đạt 3m (trên báo động III: 0,3m).

Với diễn biến mưa lớn tập trung, các địa phương thuộc TP Tam Kỳ, huyện Phú Ninh và huyện Thăng Bình đã bị ngập sâu với tổng số hộ bị ngập lụt là 17.600 hộ. Lực lượng chức năng đã tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn với 5.991 hộ trong đó sơ tán xen ghép 5.268 hộ, sơ tán tập trung 723 hộ.

Toàn tỉnh Quảng Nam đã có 1 người chết, 1 người khác mất tích do mưa lũ, 2 nhà bị tốc mái, 1 nhà bị sập. Nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp vụ đông ven sông bị bồi lấp, bờ ruộng bị cuốn trôi.

Cây trồng vụ đông có 13,2ha ớt, 87ha rau và 934,7ha rau màu các loại (phục vụ Tết Nguyên đán), 20ha đất sản xuất nông nghiệp bị bồi lấp; 14.000 con gia súc gia cầm bị chết; khoảng 178ha nuôi trồng thủy sản bị ngập và tràn bờ.

Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông nông thôn, tuyến thủy lợi, giao thông nội đồng bị sạt lở, hư hỏng.

Hiện các địa phương trên địa bàn TP Tam Kỳ, huyện Phú Ninh, Thăng Bình vẫn bị ngập sâu. Lực lượng chức năng đã tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn với 1.830 hộ.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu sau khi đi kiểm tra tình hình mưa lũ trên địa bàn TP Tam Kỳ đã chỉ đạo các lực lượng khẩn trương giúp nhân dân vùng trũng thấp bị cô lập ổn định cuộc sống, tổ chức các phương tiện chuyên dùng thường trực để ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra. Yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung lực lượng, phương tiện, thiết bị trực 24/24h để chủ động giúp nhân dân phòng chống mưa lũ kéo dài.

 

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.