Tháng 8/2014, Bộ VHTTDL đã ban hành công văn 2662 về việc không sử dụng không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam trong bối cảnh tại các đình, chùa, miếu mạo, thậm chí là tại các di tích quốc gia của Việt Nam rên các con phố, các công sở, sư tử đá Trung Quốc án ngữ. Sau 3 năm, việc đẩy lùi linh vật ngoại lai đã được đánh giá là thành công, nhờ sự đồng thuận của xã hội.
Tuy nhiên, để cuộc “xâm lăng” của những con sư tử đá thực sự bị chặn đứng thì việc bền vững hơn cả là làm sống lại những giá trị Việt, những linh vật Việt.
Đã đẩy lùi được sư tử ngoại lai
Theo thống kê chưa đầy đủ cho đến năm 2014, có đến hơn 6000 di tích Việt trên cả nước bị trấn giữ bởi các con sư tử đá ngoại lai.
Thậm chí, ngay tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Hoa Lư, Ninh Bình, thời điểm ấy, cũng có 2 con sư tử đá ngoại lai trấn giữ ngay cổng chính. Trào lưu sử dụng các linh vật ngoại lai, sản phẩm không phù hợp với thuần mong mỹ tục Việt Nam đe dọa phá vỡ cảnh quan, hủy hoại các di sản văn hóa truyền thống Việt Nam, xóa nhòa bản sắc, làm méo mó lịch sử, đi ngược lại truyền thống văn hóa lịch sử mà ông cha ta đã ngàn đời vun đắp.
Bởi theo các nhà nghiên cứu, sư tử Việt xuất hiện từ thời Lý, là linh vật gắn với Phật giáo nên có tạo hình hiền lành, có phần giống hổ hoặc lân. Sư tử Việt có tạo hình mềm mại, trang trí cực kỳ tinh mỹ. Trái ngược với sư tử đá Trung Quốc có tạo dáng vạm vỡ, cơ bắp, hung dữ, lộ vẻ đe dọa.
Công văn 2662 được xem là khởi đầu cho phong trào “nói không” với linh vật ngoại lai tại các di tích lịch sử, văn hóa. Một cuộc chuyển mình sâu rộng đã diễn ra ở nhiều di tích tại các địa phương. Phong trào di dời, gỡ bỏ sản phẩm không phù hợp với văn hóa đất nước đã dấy lên ở rất nhiều địa phương.
Làn sóng sản xuất, cung tiến, bày đặt đồ thờ cúng “bất quy tắc” gần như bị xóa bỏ. Các làng đá, cơ sở sản xuất linh vật dáng dấp ngoại lai lớn trên cả nước như Ninh Vân (Ninh Bình), Non Nước (Đà Nẵng)… đồng loạt chuyển hướng sang chế tác sản phẩm thuần Việt... Theo đánh giá của Bộ VHTTDL, cho đến nay, hầu như không còn tình trạng sản xuất, cung tiến, bày đặt, đồ thờ trong di tích, đại bộ phận các tầng lớp xã hội đã nhận thức rõ về vấn đề sử dụng biểu tượng, linh vật, đặc biệt sử dụng phục vụ tâm linh. Các làng nghề mỹ nghệ đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm truyền thống.
Hiện tượng cung tiến tràn lan vào di tích đã không còn, đặc biệt, đã chấm dứt cung tiến mới tượng sử tử đá ngoại lai vào các di tích đã được xếp hạng. Tại các tỉnh phía Bắc từ Thanh Hóa trở ra, tượng sư tử đá, tì hưu của Trung Quốc đã dần được người dân loại bỏ không trưng bày trong tư gia, thay thế sử dụng bày đặt tượng nghê truyền thống.
Sau nhiều chuyến khảo sát, thanh, kiểm tra của Bộ VHTTDL tại các địa phương, sư tử đá ngoại lai và các hiện vật không phù hợp đã không còn tồn tại ở các di tích.
Đưa linh vật Việt vào đời sống
Theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, để đẩy lùi linh vật ngoại lai, việc nhận diện và làm sống lại những giá trị của linh vật Việt là cần thiết.
Sau 3 năm thực hiện công văn 2662, nhiều người tâm huyết với giá trị văn hóa Việt đã bắt tay vào công cuộc khôi phục đó. Đó là thanh niên 9x Nguyễn Trí Quang đã thực hiện số hóa gần 100 tượng linh vật Việt. Với những tư liệu hình ảnh này, nghệ nhân, nhà điêu khắc và công chúng sẽ tiếp cận và khai thác tư liệu linh vật được tốt hơn, giúp ích rất nhiều cho nghiên cứu, bảo tồn và sáng tác sản phẩm thủ công truyền thống. Công ty điêu khắc Liên Vũ và Hội quán Di sản ở Hà Nội đã tiến hành thực hiện phục chế một số mẫu tượng linh vật truyền thống.
Kiến trúc sư Nguyễn Giang, chủ cơ sở xưởng Gỗ Giang ở làng Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội) đã thực hiện đầu tư chiều sâu trong việc chế tác linh vật Việt, đào tạo tay nghề thợ chạm khắc các sản phẩm tượng nghê truyền thống, chạm khắc hoa văn kiến trúc. Làng nghề đá Ninh Vân (Ninh Bình) đã thúc đẩy mạnh mẽ việc tạo ra các sản phẩm tượng nghê, sư tử theo phong cách nghệ thuật tạo hình truyền thống.
Cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Vạn Bảo Ngọc (Ninh Bình) chế tác những đôi nghê thành quà tặng cho du khách. Hay Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội đã phục hồi dòng tranh dân gian Kim Hoàng trong đó ra mắt những tranh mới với những linh vật của Việt Nam được lấy mẫu từ trong trang trí mỹ thuật truyền thống của người Việt.
Ngoài ra, nhiều tỉnh thành như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nam Định… nơi có các làng nghề truyền thống, nghệ nhân mộc, đá, đồng cũng đã hưởng ứng tạo tác linh vật nghê, sư tử… đồ thờ theo phong cách nghệ thuật truyền thống. Điểm đặc biệt là các sản phẩm từ linh vật Việt đã được nhân dân đón nhận. Ở những làng nghề này, các mẫu linh vật Việt được chế tác không kịp đáp ứng nhu cầu của du khách. Đó là minh chứng rằng, những giá trị của văn hóa Việt, linh vật Việt đã và đang dần hiện hữu trong đời sống người dân.