| Hotline: 0983.970.780

Nơi miền biên viễn

Thứ Ba 27/12/2022 , 14:16 (GMT+7)

Cận kề những ngày Tết cổ truyền, cũng là lúc lực lượng giữ rừng ở huyện biên giới Ia H’drai, tỉnh Kon Tum phải căng mình với những áp lực tưởng như… quá sức mình.

z3982419381621_cf6e9b87e3475a4a3079a92696bdf2ad

Giữ rừng trong những ngày Tết là nhiệm vụ sống còn của anh em rừng huyện Ia H'drai. Ảnh: Đăng Lâm.

Thu nhập thấp, trách nhiệm cao

Bài liên quan

Tây Nguyên đang là mùa khô - mùa lạnh nhất trong năm.

Chúng tôi xuất phát từ thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai lúc 5 giờ sáng, nhiệt độ trên xe chỉ 15 độ. Vượt trên trăm cây số theo đường 14C giáp biên với Vương quốc Campuchia, đến huyện Ia H’drai thuộc thỉnh Kon Tum, nhiệt độ đã là 28 độ. Anh Lê Thanh Tùng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia H’drai so sánh: “Đang trong những ngày Noel, ở thành phố Kon Tum, thành phố Pleiku thì lạnh buốt, còn ở đây thì cứ hầm hập nóng”.

Ia H’dai là huyện mới thành lập thuộc tỉnh Kon Tum. Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện trên 98 ngàn ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã chiếm đến trên 85 ngàn ha. Đây là huyện có độ che phủ lớn với 86,89%. Giáp với huyện Sa Thầy của tỉnh Kon Tum, với các huyện của tỉnh Gia Lai như Chư Păh, Ia Grai, giáp với nước bạn Campuchia cùng với địa hình hiểm trở, với vô vàn đường rừng, đường sông nên “Đây là một thách thức lớn đối với lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của huyện”, Hạt trưởng Lê Thanh Tùng chia sẻ.

Cũng theo anh Tùng thì ngoài tiền lương, tiền trợ cấp khu vực biên giới theo chế độ như bao ngành nghề khác trên cùng địa bàn thì, anh em Kiểm lâm ở đây không còn bất cứ một nguồn thu nào khác. Ấy vậy mà mười Kiểm lâm viên trực tiếp làm công tác giữ rừng thuộc Hạt Kiểm lâm huyện phải gồng mình với bao nhiêu là áp lực, mà áp lực lớn nhất, nặng nề nhất là không để kẻ xấu xâm hại đến tài nguyên rừng.

Nhấp ngụm nước được nấu từ lá rừng, anh Tùng chạnh lòng: “Địa bàn rộng với địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, áp lực công việc lớn nhưng thu nhập của anh em làm công tác giữ rừng lại chưa được tương xứng. Vậy mà mỗi khi phát hiện một vụ phá rừng nào, lực lượng Kiểm lâm phối hợp với các ngành khác vào cuộc điều tra xử lý, để rồi các lực lượng khác thì được tuyên dương, được “thưởng nóng”, còn anh em trực tiếp làm công việc giữ rừng như chúng tôi thì lại bị khiển trách, kiểm điểm, thậm chí còn bị nặng hơn nữa. Chỉ mong sao Chính phủ có những chính sách mới, phù hợp hơn về chế độ tiền lương, trợ cấp để anh em chúng tôi được yên tâm công tác, làm tốt trách nhiệm cao cả được giao”.

z3982419355168_ec5829dd2b6c6fbfc8bb848146f542a6

Công tác tuần tra, bảo vệ rừng luôn được những người giữ rừng nêu cao. Ảnh: Đăng Lâm.

Khi được hỏi về phương án bảo vệ rừng trong những ngày “nhạy cảm” như trước, trong và sau Tết, anh Tùng cho biết: “Bình thường thì phân công anh em thay phiên tuần rừng với quân số năm mươi phần trăm. Còn những ngày này, anh em phải trực ở rừng với quân số khoảng bảy mươi phần trăm hoặc hơn thế nữa, tùy tình hình cụ thể”. “Vậy ngày Tết, anh em tuần rừng có được thêm chế độ gì không?”- anh Tùng cười buồn: “Cũng vậy thôi!”.

Những cái tết… vội

“Đường khó đi lắm, liệu các anh có đi nổi không?”, Anh Lê Tiến Trung, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia H’drai e ngại khi chúng tôi ngỏ ý muốn đi một số chốt trạm quản lý, bảo vệ rừng.

Cách trung tâm huyện gần năm mươi cây số, nhưng phải mất gần hai giờ đồng hồ, chiếc xe bán tải gầm cao mới “bò” tới được chốt cửa rừng Ia Grin đóng ở tiểu khu 751 thuộc xã Ia Tơi. Ngồi trên xe, Hạt phó Lê Tiến Trung kể chuyện, giọng anh liên tục bị ngắt quãng sau mỗi cú xóc khiến… đầu đội trần xe: “Mùa khô như bây giờ, đường xóc và bụi mù, nhưng vẫn còn đỡ hơn mùa mưa lầy lội và trơn trượt như đổ mỡ. Mình đi xe ô tô như thế này, còn đỡ. Các anh hình dung anh em mỗi lần vào rừng phải đi bằng xe máy, khổ vô cùng!”.

z3982419390121_8d8f414c04d6ea0e069dba286eddea4e

Như mọi ngày, anh em ở chốt cửa rừng Ia Grin lại lên đường tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Đăng Lâm.

Với anh em Kiểm lâm ở đây, Trung là một trong những người có thâm niên nhất. Nhà ở mãi tận thành phố Pleiku (Gia Lai) nhưng từ khi ra trường, anh luôn làm nhiệm vụ ở những nơi khó khăn nhất của tỉnh Kon Tum như gần ba năm ở huyện Tu Mơ Rông, mười năm ở huyện Đăk Glei. Đến khi thành lập huyện mới Ia H’drai, Trung lại được phân công về miền biên viễn này. “Thú thật với các anh là anh em làm công việc bảo vệ rừng ở đây, gần như chưa có được một cái Tết trọn vẹn với vợ con, gia đình”.

Chốt cửa rừng Ia Grin vừa mới được dựng xong đúng một ngày. Đây là một trong 4 chốt của  11 trạm thuộc Công ty THHH Lâm nghiệp Ia H’drai. Phụ trách chốt này là K’sor Tai, giải thích: “Không ở một nơi cố định như trạm, chốt (thuộc trạm) luôn phải di chuyển bởi tùy thuộc vào tình hình thực tế ở từng thời điểm”. Chốt có 4 người thuộc Công ty TNHH Lâm nghiệp Ia H’drai và 2 Kiểm lâm viên thuộc Hạt Kiểm lâm huyện cùng ăn, ở và phối hợp quản lý, bảo vệ 4.400 ha rừng.

Nhà K’sor Tai ở tận xã Ia Der của huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, cách đây hơn 100 cây số. Ở đây được ba năm thì cả ba cái Tết cổ truyền Việt Nam và ba cái Tết truyền thống dân tộc J’rai của anh, anh đều đón… ở rừng. “Sao cưới vợ mấy năm nhưng vẫn chưa chịu có con?”- tôi hỏi. “Mấy khi được về nhà gần vợ đâu mà đòi có con!”- câu trả lời vui của K’sor Tai, nghe sao mà cứ chạnh lòng!

Còn với Ngôn Xuân Trường, Kiểm lâm viên thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Ia H’drai, người được phân công trực tiếp phối hợp với anh em của chốt thì: “Vào ngành được mười chín năm chín tháng, nhưng chưa có được một cái Tết trọn vẹn bên gia đình. Lãnh đạo phân công anh em luân phiên mỗi người về được một ngày, thắp hương tổ tiên, động viên vợ con vài câu rồi lại trở về đơn vị”.

z3982419406806_c2c0e4239d7d7f3043f39ae4aa0fd746

Chốt tạm vừa mới được anh em chốt cửa rừng Ia Grin dựng lên ngay cửa rừng để trực ngày Tết. Ảnh: Đăng Lâm.

Ngay cả với Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Ia H’drai Lê Văn Thoan thì “Hơn ba mươi năm bám trụ ở đây, chưa năm nào đưa vợ về đón Tết ở Thanh Hóa quê chồng”. Anh Thoan kể: Mấy năm đầu, vợ cứ cằn nhằn, muốn anh đưa về để có dịp gần với nhà chồng, và để biết cái lạnh của những ngày Tết xứ Bắc, nhưng đành chịu. “Thương lắm, những biết làm sao được!”- anh Thoan nói.

Thương lắm, những cái Tết vội của những người giữ rừng nơi miền biên viễn này!

Nhớ vợ, về thăm, lại nhớ rừng

“Hạnh phúc nhất là mỗi dịp Tết lại được về nhà với vợ con”- đó không chỉ là tâm tư của Từ Tấn Khanh (nhân viên giữ rừng ở chốt quản lý, bảo vệ rừng của Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Ia Lân, thuộc Vườn Quốc gia Chưmomray), mà còn là tâm tư của tất cả những người đang làm công tác giữ rừng ở huyện biên giới này.

Nguyễn Bá Nam, Trạm trưởng Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Ia Lân, cho biết: Trạm có 2 chốt, mỗi chốt gồm 2 người phụ trách. Với 8.000 ha rừng (trong đó có 4.600 ha rừng đặc dụng), với gần 30 km đường biên, và với sự khắc nghiệt của núi rừng vùng biên, nhưng anh em vẫn một lòng yêu nghề, yêu rừng, như Từ Tấn Khanh tâm sự: “Mỗi khi được lãnh đạo cho về  nhà với vợ con, ở được hai ngày lại thấy nhớ rừng, nhớ từng cái cây, bụi le, nhớ từng con suối trên đường tuần rừng mà mỗi ngày vẫn đi qua”.

Nguyễn Bá Nam cho biết: Đây là chốt tương đối gần dân, tuy nhiên việc ăn ở, sinh hoạt vẫn còn nhiều khó khăn do chưa có điện, đồng nghĩa với việc chưa có bất kỳ một phương tiện sinh hoạt hiện đại nào. Nước uống thì ai đi tắm ở suối về, có nghĩa vụ xách về chốt một can nhựa 20 lít nước để sinh hoạt. Tuần rừng thì phải đi bộ 18 km cả đi lẫn về. “Còn một chốt xa hơn đây nữa. Các anh có dịp vào, mới thấy hết cái khó khăn nơi ấy”- Nam nói.

z3977017232957_987eb7ff684e1040c162f49958317629

Nhân viên Vườn Quốc gia Chưmomray tranh thủ ăn trong rừng rồi lại tiếp tục lên đường tuần tra. Ảnh: Đăng Lâm.

Không cần đâu, bởi tuy chưa được vào, nhưng chúng tôi cũng đã hình dung ra cái khó khăn thiếu thốn, cái vất vả và hiểm nguy rình rập ở trong đó rồi.

Cũng như Từ Tấn Khanh thì K’sor Tai cũng trở trăn không kém: “Có hôm về nhà được một ngày lại thấy nhớ rừng, nhớ anh em đang ở trong cái lán tạm bợ giữa rừng hoang vu. Rồi lại nghĩ không biết đã có ai quét dọn lán chưa, suối mùa này có còn nước để mọi người sinh hoạt không…”.

Bữa cơm trưa ở chốt giữa rừng hoang vu.

Trời hầm hập nóng giữa mùa lạnh Tây Nguyên.

Cơm trưa xong, chúng tôi lại lên đường, đi vào những chốt, những trạm khác của rừng Chưmomray. Anh em ở chốt mang võng ra bìa rừng, móc lên thân cây, chợp mắt vội buổi trưa, bù lại cho chuyến tuần rừng đêm qua. Chợt nhớ lại lời K’sor Tai: “Để tránh cái nóng buổi trưa, anh em phải ra bìa rừng mắc võng, hoặc xuống bờ suối ngả lưng tạm. Đêm thì ngủ trong lán bởi trời lạnh. Quấn chăn, cuộn tròn trên võng mà cái lạnh của rừng núi thâm u cứ như muốn rút rời từng đốt xương sống”.

“Lâu ngày mới được về Ngọc Hồi thăm vợ con một lần. Nếu không đúng vào ngày nghỉ thì khó mà có dịp được gần con, bởi ngày thường thì con đi học cả ngày, tối về lại thức học bài đến khuya. Sợ lâu dần rồi con cũng… không nhớ được mặt của cha”- tôi thấy khóe mắt của Từ Tấn Khanh rơm rớm khi nói lên điều này.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Cập nhật bảng giá xe Mazda 6 mới nhất tháng 11/2024

Cập nhật bảng giá xe Mazda 6 mới nhất tháng 11/2024. Mazda6 cũng giống Mazda3, có kiểu dáng đẹp, nhiều trang bị, giá bán hợp lý trong phân khúc

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.