3 lần thi trượt kiểm lâm viên
Tôi gặp Nguyễn Văn Trường, nhân viên tuần rừng của Hạt Kiểm lâm Na Hang khi anh vừa lặn lội đi xe máy vượt gần 200km đường ghập ghềnh từ huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) quê anh lên chốt kiểm lâm để kịp chuyến tuần rừng.
Anh bảo sợ không đủ tháng 25 ngày theo hợp đồng giao khoán bị trừ lương cũng có, nhưng cao hơn là sợ mất rừng, sợ liên lụy đến những anh em khác, những người đã vất vả đồng hành cùng anh nhiều năm tháng.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp, năm 2013 nhận được thông tin ở Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang (nay là Hạt kiểm lâm Na Hang) tuyển nhân viên tuần rừng, anh hăng hái lên huyện vùng cao xa xôi bậc nhất của tỉnh Tuyên Quang làm nhiệm vụ với đồng lương ít ỏi. Trường nuôi hi vọng sau này có đợt thi tuyển viên chức sẽ giúp anh có cơ hội trở thành kiểm lâm viên.
Năm 2014, Trường đăng ký thi tuyển kiểm lâm viên, nhưng trượt vì môn ngoại ngữ. Cái số phận lận đận cứ bám chặt lấy anh, khiến mọi hi vọng đến với con đường làm kiểm lâm viên ngày càng đẩy xa. Trong 2 lần thi tiếp theo vào năm 2018 và 2020 anh đều không thể đỗ. Lần qua môn thi ngoại ngữ thì điểm chuyên môn lại thấp hơn so với các ứng viên khác.
Trường bảo rằng, thiệt thòi lớn nhất của mình là chỉ ở trong rừng, không được tiếp xúc với công nghệ hiện đại nên việc ôn thi khá khó khăn, đặc biệt là môn ngoại ngữ. Nhiều bạn đỗ vào vị trí tuyển dụng là những người trẻ, ít có kinh nghiệm đi rừng như mình. Nhưng biết sao được, các bạn giỏi hơn, kiến thức lý thuyết nhiều hơn, còn mình thì đã già, ở trong rừng lâu chỉ biết nhiều kiến thức về cây rừng và những con đường mòn hun hút trên núi cao.
Ở lâu với rừng, Trường trở thành người con của bản làng vùng cao, đi đến đâu cũng được bà con tin yêu, bà con mách tin mật về lâm tặc muốn phá rừng. Bởi vậy mà 10 năm làm nghề tuần rừng, hàng nghìn ha rừng do Trường được phân công phụ trách chưa khi nào để mất rừng. Trường còn được dân bản mai mối cho cô gái người Tày bản địa hay lam hay làm để thành vợ, thành chồng.
Nhưng cũng trong 10 năm ròng rã ấy, Trường sống eo hẹp với đồng lương ít ỏi là 3 triệu 432 nghìn đồng (trước đó còn thấp hơn). Bù lại khoản lương đó, trung bình mỗi tháng Trường thực hiện 25 ngày trực 24/24 giờ tại các điểm chốt; thứ 7, chủ nhật, nghỉ lễ Tết người khác nghỉ nhưng anh vẫn phải làm vì những ngày này đám lâm tặc dễ tấn công rừng nhất.
Hơn 10 năm làm nhân viên tuần rừng, trường đã đi khắp những chốt Bản Chủ, Nặm Chang… Ở những điểm chốt ấy, cánh tuần rừng vẫn đùa vui với nhau rằng: Ai sử dụng điện thoại thông minh trở thành người ngốc nghếch. Bởi những chiếc điện thoại thông minh vào đây không có sóng, những chiếc điện thoại đen trắng rẻ tiền trở nên thông minh hơn khi thỉnh thoảng còn hứng được những đợt sóng trên chòi cao.
Nhưng cái điện thoại đen trắng được cho là thông minh nhất núi rừng hoang vu ấy cũng có lần khiến anh tá hỏa. Một ngày cuối năm 2017, giữa đêm đen tĩnh mịch hoang vắng, chiếc điện thoại đón được sóng rơi rớt đổ chuông tin nhắn dài dằng dặc báo cuộc gọi nhỡ của vợ. Chân tay anh rủn ra khi nghe đầu dây bên kia vợ nghẹn ngào báo tin đứa con lớn của anh đau bụng quần quại suốt đêm. Trong đêm tối mịt mùng, anh đi như chạy từ điểm chốt xuống đường quốc lộ rồi vội vã phóng xe máy về nhà cùng vợ đưa con đi bệnh viện cấp cứu.
Mối lo con đau đớn quằn quại vẫn còn như mớ rối trong đầu anh thì mối lo về tiền viện phí của con lại ập đến. Bởi anh chị lục tìm khắp nơi trong căn nhà xiêu vẹo chẳng có nổi tiền triệu. 2 vợ chồng vội vã liên lạc với anh em bạn bè gom góp vay được hơn 10 triệu đưa cháu đi Bệnh viện Hùng Vương (Phú Thọ) để cấp cứu. Đứa con lớn của anh bị viêm thành ruột đã qua khỏi.
Giữa màu xanh thâm u của rừng đại ngàn, ngôi nhà riêng của gia đình Trường ở xã Sơn Phú, huyện Na Hang hiện lên xiêu vẹo cạnh vùng đồi nham nhở dấu tích của vết sạt lở sau những cơn mưa rừng để lại. Bức tường xây vội đã có nhiều vết nứt.
Anh bảo với tôi giọng buồn rầu, những đêm ngủ lại canh gác trong rừng sâu có 2 mối lo thường trực đầy lên trong lòng. Lo vì sợ lâm tặc “làm thịt” những cánh rừng, và mối lo lớn hơn là mỗi khi cơn mưa rừng, lũ quét bất chợt ập đến, tim anh như thót lại. Bởi không biết ở nhà vợ con có kịp chủ động sang nhà bố mẹ vợ trốn mưa gió bão bùng không. Bởi rất có thể trời mưa to đất đá lở sạt sẽ vùi lấp mất căn nhà, nơi mà anh luôn đau đáu mong gom góp đủ tiền để di chuyển ngôi nhà ra vùng an toàn hơn nhưng chưa thực hiện được.
Gia đình 3 người ăn ở 3 nồi cơm
Gửi lại đứa con nhỏ 3 tuổi nhờ bố mẹ vợ trông nom, Nông Văn Nhu - nhân viên tuần rừng tại chốt kiểm lâm Khâu Tinh, huyện Na Hang mải miết lo chuyện giữ rừng trên núi cao.
Nhu là người quê ở huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) đến với rừng từ năm 2007. Năm 2016, anh được cấp trên điều động lên xã Khâu Tinh để công tác. Trong những lần đi thực hiện công tác dân vận để dân phối hợp với lực lượng kiểm lâm giữ rừng lòng Nhu đã chạm được vào mắt của một cô gái người Tày La Thị Dư ngoan ngoãn, học giỏi. Đến khi anh kịp dũng cảm ngỏ lời tán vài câu, mặt cô ấy đã đỏ bừng như lửa, thế là họ yêu nhau rồi nên vợ, nên chồng.
Ở các bản vùng cao, để người con trai có thể đón được người con gái cùng nhau nhìn về một hướng, cùng lo cho nhau chuyện cả đời, người ta thách nhiều bạc trắng, nhiều đầu lợn. Còn đối với Nhu, thương hoàn cảnh của anh bố mẹ cô gái chỉ cần đủ lễ cho trọn vẹn phong tục. Ông an ủi con gái, lấy được thằng Nhu như tậu được con trâu tốt, con trâu khỏe, sống với nhau cả đời vì cái nghĩa, cái tình chứ việc thách cưới chẳng làm mình giàu thêm được.
Sau mấy tháng ngày cưới, Nhu phải chuyển công tác đến xã Côn Lôn cách nhà 30km nhưng đi mất gần nửa ngày vì đường chủ yếu đồi núi dốc quanh co cùng nhiều ổ voi, ổ gà. Đến năm 2020, Nhu được cấp trên tạo điều kiện cho về xã Khâu Tinh để tiện gần nhà, gần con thì cũng là lúc vợ anh chuyển công tác về huyện Chiêm Hóa, cách nhà gần 100km dạy học. Cũng từ đó gia đình Nhu có 3 người ăn ở 3 nồi cơm khác nhau.
Vì công việc, Nhu ăn, ở với anh em tại chốt kiểm lâm cạnh bìa rừng, vợ Nhu bận dạy học ở huyện Chiêm Hóa còn đứa con nhỏ ở với ông bà ngoại. Nhiều hôm vào ngày cuối tuần, bữa cơm đoàn tụ hiếm hoi của cả gia đình cũng chẳng thể trọn vẹn bởi Nhu còn mải đi tuần rừng. Bước ra khỏi nhà để lại sau lưng bữa cơm đoàn tụ, Nhu cảm nhận được ánh mắt người vợ đang dõi theo mình, ánh mắt chất chứa sự cảm thông và cả nỗi buồn sâu thăm thẳm.
Nông Văn Nhu chia sẻ, năm 2007 khi mới được nhận vào làm hợp đồng tuần rừng trung bình mỗi tháng anh được lĩnh 575.000 đồng, cộng thêm các khoản hỗ trợ, tổng thu nhập được 900.000 đồng. Sau gần 15 năm làm nhân viên tuần rừng, hiện nay trung bình mỗi tháng Nhu được lĩnh gần 3,5 triệu, ngoài ra không có khoản thu nhập thêm. Số tiền này chi tiêu tằng tiệm đủ nuôi sống 1 mình Nhu, trong khi đó còn con nhỏ phải nuôi dưỡng, chăm sóc chưa kể lúc ốm đau.
Để có nồi cơm đầy nuôi đứa con nhỏ no cái bụng, thời gian ít ỏi còn lại trong ngày, trong tháng khi không phải lo việc leo núi giữ rừng Nhu thường tranh thủ cầy cấy 3 sào lúa, ngô, nuôi 10 con lợn để trang trải cuộc sống. Anh bảo, đứa nhỏ phải xa bố mẹ triền miên đã là thiệt thòi quá lớn, nếu chuyện cái ăn của nó còn không lo nổi thì người cha chẳng đáng là người cha nữa rồi. Những ngọn núi cao hun hút, càng leo càng thấy rộng ra, càng thấy hiểm trở mình còn chẳng sợ, chẳng nhẽ lại sợ nỗi vất vả vì đứa con thiệt thòi của mình.
Chiều trong rừng sâu, bóng râm chạy đuổi nhau xua tối những cánh rừng. Bóng của những nhân viên tuần rừng ngụp dần trong khoảng rừng mênh mông, lẫn vào trong lòng bóng tối. Ở đằng xa, có tiếng con chim rừng kêu vọng lại, tiếng kêu khắc khoải như lạc bầy.
Nông Văn Nhu có trình độ kỹ sư lâm nghiệp, nhưng thi viên chức kiểm lâm 2 năm 2014 và 2018 đều không đỗ. Đến năm 2020 anh tiếp tục nộp hồ sơ thi tuyển nhưng lo không thể cạnh tranh nổi với các ứng viên trẻ trung năng động khác anh bỏ cuộc giữa chừng. Nhiều năm tháng ở trong rừng nếu nói về cây rừng, về hang sâu, đường mòn anh có thể nói vanh vách còn kiến thức lý thuyết thì bị rơi rớt theo những lo toan cơm áo gạo tiền.