| Hotline: 0983.970.780

Giữ rừng như ‘người rừng’: Gian khổ nhân lên gian khổ

Thứ Hai 18/07/2022 , 09:42 (GMT+7)

Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, giữ rừng sẽ dành phần ai, nhưng giữ rừng gian khổ, thu nhập không lo nổi chuyện ăn, học của những đứa con thì sẽ nhân lên gian khổ.

Anh Triệu Văn Nội bên cây nghiến cổ thụ trong khu rừng phòng hộ ở huyện Lâm Bình. Ảnh: NVCC.

Anh Triệu Văn Nội bên cây nghiến cổ thụ trong khu rừng phòng hộ ở huyện Lâm Bình. Ảnh: NVCC.

Ký ức tuổi thanh xuân chỉ có chuyện giữ rừng

24 tuổi, Triệu Văn Nội, cán bộ của Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình (Tuyên Quang) đến với rừng khi còn là chàng trai vâm váp khoẻ mạnh. Dáng cao gần 1,8m, lãnh đạo nhận anh vào khi ấy bảo, với sức vóc này leo núi, leo đồi cao mấy cũng chẳng sợ.

Những ngày đầu mới lên núi, sống những đêm trong cánh rừng hoang vu, tiếng suối chảy, tiếng gió núi hú lên từng hồi, tiếng côn trùng, tiếng động vật kêu khiến anh rợn người. Nhưng ở lâu trong rừng thành quen, thành có kinh nghiệm. Để tránh động vật hoang dã anh bắc những cây gỗ rồi đóng thành 1 cái giường vững chắc để nghỉ, chống rắn rết đã có võng, có màn chụp kín.

Khi đã quen với hơi rừng, nhìn những cánh rừng từng khiến anh rợn người ngày nào được giữ nguyên vẹn lòng anh xao động reo vui. Càng ngày anh càng yêu rừng mãnh liệt. Khắp các cánh rừng lớn với hàng nghìn hàng triệu cây gỗ quý được in dấu bước chân anh.

Hơn 20 năm sống và gắn bó với rừng, Nội đã đi qua từng cánh rừng già với bạt ngàn nghiến, lim già nua hùng vĩ đến việc ươm mầm trồng những cây giống mới cấy vào khoảng trống của mỗi cánh rừng. Nội đã lạc đường và phải nhịn đói hơn 1 ngày trời ở trong rừng cũng chẳng khiến anh sợ. Nhưng điều làm anh sợ nhất đó là lòng trắc ẩn và mối lo trách nhiệm trong mỗi con người.

Những cánh rừng bạt ngàn bao quanh khu lòng hồ thuỷ điện Na Hang, Lâm Bình. Ảnh: Đào Thanh.

Những cánh rừng bạt ngàn bao quanh khu lòng hồ thuỷ điện Na Hang, Lâm Bình. Ảnh: Đào Thanh.

Một buổi chiều năm 2019, phía giữa dòng sông Gâm trong xanh dài hun hút dập dềnh sóng vỗ có 1 bóng người nhấp nhô giã gạo thất thanh cầu cứu. Mọi người trong đoàn công tác bảo rằng cẩn thận đó là kế của bọn lâm tặc đánh lạc hướng lực lượng giữ rừng để phá rừng.  

Nhưng kinh nghiệm nhiều năm sống trên nhà bè sông nước để giữ rừng, anh biết là trường hợp người đuối nước thật. Mặc kệ lời nói của mọi người, anh đã lao xuống dòng nước mênh mông cứu sống được người chết đuối. Đó là 1 cô gái người Dao đỏ ở bản làng trong núi. Dù cứu được người, nhưng năm đó anh không được khen thưởng bởi trên địa bàn nhóm anh phụ trách có rừng bị mất. Nội bảo rằng, phần thưởng lớn nhất của mình là đã cứu được người để lương tâm không bị day dứt cả đời.

Giờ đây Nội đã ngoài 40 tuổi, đã quá cái tuổi trai trẻ, da đã nhăn, mặt đã sạm vì nắng gió của rừng. Ký ức của nhiều bạn học cùng thời với Nội là những mối quan hệ, những trải nghiệm đầy ăm ắp của cuộc sống hiện đại sôi động còn ký ức tuổi thanh xuân của anh phần lớn chỉ có rừng với những cây nghiến, cây lim, cây chai… khổng lồ làm bạn.

Đêm nay chúng tôi cùng ở trong lòng núi, trời không có trăng sao, bóng tối cuồn cuộn nuốt trọn từng ngọn núi đen đặc. Tôi chợt nghe có tiếng bước chân người. Đó là tiếng bước chân Nội và những người đồng đội của anh đi tuần rừng, giữ rừng. Họ lầm lũi cần mẫn làm nhiệm vụ, dù biết còn rất lâu nữa có thể mặt trời mới soi đến dấu chân mình.

Bỗng bóng đêm bó đen kín núi, kín rừng như bị xé toạc bởi ánh đèn pin yếu ớt chiếu loang loáng khua quanh những khoảng rừng.

Tại huyện Lâm Bình, hiện nay có hơn 80.000ha rừng, trong đó có gần 39.700ha rừng phòng hộ do Ban quản lý quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình quản lý. Trung bình mỗi cán bộ của Ban được giao nhiệm vụ thực hiện quản lý hơn 1.000ha rừng. Riêng anh Nội và 1 nhân viên tuần rừng được giao nhiệm vụ quản lý khoảng 5.000ha rừng.

Ngoài ra Ban cũng đã có 28 thôn bản trên địa bàn huyện thành lập được các tổ, đội tuần tra, bảo vệ rừng. Mỗi thôn thành lập từ 8 đến 13 tổ, mỗi tổ từ 10 đến 15 hộ gia đình. Các tổ, đội tuần tra, bảo vệ rừng chủ động tổ này giám sát tổ kia, gia đình này giám sát gia đình kia…

Sẵn sàng làm… “người rừng”

Phút giây thư giãn của anh Triệu Văn Nội. Ảnh: Đào Thanh.

Phút giây thư giãn của anh Triệu Văn Nội. Ảnh: Đào Thanh.

Nhà Nội ở tận xã Kim Phú của thành phố Tuyên Quang, cách trung tâm xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình 130km đường bộ với nhiều khúc cua ghập ghềnh và thêm 2 giờ đồng hồ đi thuyền mới đến được trạm kiểm lâm nơi anh công tác. 

Hơn 10 năm trời đằng đẵng xa nhà, đứa con lớn của Nội nay đã 12 tuổi, thằng thứ 2 cũng 11 tuổi. Dù vậy thời gian anh về nhà dài ngày ở với chúng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khoảng cách về thời gian và sự thiếu thốn vật chất như con dao sắc gọt đẽo khiến cây cầu nối lòng nhớ thương, nghĩa tình của vợ chồng anh bị đứt gẫy.

Nội chia sẻ, một buổi chiều năm 2020, nhận được điện của vợ thông báo thằng con lớn bị ốm nặng phải đưa xuống Bệnh viên Hùng Vương (Phú Thọ) cấp cứu. Lòng anh nóng như lửa đốt, nhưng đúng dịp đó khu rừng của anh phụ trách đang có diễn biến phức tạp. Cơ quan yêu cầu mọi người tăng cường canh gác làm nhiệm vụ, không được chủ quan, lơ là. Hơn 1 tháng sau, khi tình hình lắng xuống, anh được cấp trên cho nghỉ về thăm con. Về đến nhà, anh sững sờ thấy tờ đơn ly hôn vợ đã đặt sẵn trên mặt bàn.

Nuốt từng chữ trong lá đơn ly hôn vào lòng, anh chỉ biết im lặng. Anh biết rằng, có lẽ vợ đã suy nghĩ quá nhiều, vất vả quá nhiều. Cuộc ly hôn của vợ chồng anh diễn ra nhanh chóng. Sau cuộc ly hôn ấy anh vội vã trở lại với rừng, phần vì công việc phải làm, phần vì bởi giờ thì anh chỉ còn bố mẹ già cùng những đứa con thơ và cánh rừng là niềm tin yêu của mình.

Anh tâm sự với tôi trong tiếng thở dài: Lương nhân viên Ban quản lý rừng thấp quá. Hơn 20 năm trong nghề mà lương anh chỉ được hơn 5 triệu đồng, như thế sợ chẳng lo nổi chuyện ăn, chuyện học của các con. Bởi chúng ngày một lớn, chi phí sinh hoạt, học tập ngày càng tăng. Bố mẹ già của anh nay đều đã ngoài 80 tuổi. Lưng đã còng, mắt đã mờ nhưng luôn động viên anh, dù nghèo khó mấy cũng phải giữ mình trong sạch; giữ gìn kho báu vật của quốc gia. 

Cán bộ, nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình đi tuần rừng, bảo vệ rừng. Ảnh: Đào Thanh.

Cán bộ, nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình đi tuần rừng, bảo vệ rừng. Ảnh: Đào Thanh.

Bóng núi với hàng triệu cây gỗ cổ thụ quý hiếm vẫn ôm trọn những cán bộ, viên chức, nhân viên tuần rừng ở Tuyên Quang vào lòng mình; đặt lên vai họ trọng trách lớn lao. Còn những cán bộ, viên chức, nhân viên tuần rừng nơi đây xác định, khi đã yêu và đến với rừng thì đã sẵn sàng làm “người rừng”. Sẵn sàng sống lâu trong rừng làm nhiệm vụ, sẵn sàng nhiều ngày liên tiếp chẳng được tiếp xúc với con người, với xã hội bên ngoài, sẵn sàng giống như những cây cỏ hoang nhỏ bé, thấp li ti dưới đáy tán rừng, có cây có khi cả đời chẳng nhìn thấy ánh hào quang của mặt trời.

Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình Tề Minh Giáp chia sẻ, diện tích rừng do ban quản lý khá rộng, trong khi đó biên chế của Ban lại hạn chế nhưng trong những năm qua, công chức, viên chức của Ban luôn thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển những cánh rừng phòng hộ được giao. Vậy nên, mấy năm nay không để mất rừng do cháy; tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép lâm sản cũng được hạn chế hơn rất nhiều.

Nhưng khó khăn lớn nhất của anh em trong Ban hiện là lương của anh em viên thấp quá, chế độ đãi ngộ gần như không có. Trong khi công việc giữ rừng vất vả, khó khăn khi phải treo mình trên những vách đá tai mèo hay ngủ lại nơi hang đá trong rừng sâu để giữ rừng. Chưa kể hiểm nguy khi gặp đám lâm tặc manh động.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.