| Hotline: 0983.970.780

Lầm lũi giữ rừng, rưng rưng nước mắt: [Bài 3] Khổ như lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách

Thứ Bảy 09/07/2022 , 08:10 (GMT+7)

Rừng bạt ngàn nhưng định biên thiếu hụt buộc các chủ rừng tại Nghệ An phải “cậy nhờ” vào lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, thuộc diện hợp đồng lao động tự trang trải.

Số đông lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tại Nghệ An không được đảm bảo về mặt quyền lợi, đời sống sinh hoạt thiếu thốn, cơ cực. Ảnh: Việt Khánh.

Số đông lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tại Nghệ An không được đảm bảo về mặt quyền lợi, đời sống sinh hoạt thiếu thốn, cơ cực. Ảnh: Việt Khánh.

Gánh trên vai khối lượng công việc khổng lồ, áp lực thường trực đè nặng nhưng quyền lợi chính đáng của họ dường như bị lãng quên, nhiều người xót phận đã bỏ nghề.

Nghịch lý Nghệ An

Kết quả cập nhật diễn biến tài nguyên rừng được UBND tỉnh Nghệ An công bố tại Quyết định số 418/QĐ-UBND ngày 21/2/2022 thể hiện quy mô rừng toàn tỉnh đạt trên 1.008.740 ha. Độ che phủ rừng năm 2021 đạt 58,41%. Từ những thông số trên, Nghệ An chính là địa phương có diện tích rừng lớn nhất cả nước.

Chưa dừng lại ở đó, theo kết quả kiểm kê rừng, trữ lượng gỗ hiện có của Nghệ An khoảng 91.003.287m3 (gỗ rừng tự nhiên khoảng 81.349.105m3; gỗ rừng trồng khoảng 9.654.183m3); trữ lượng tre, nứa khoảng 1.941.681 ngàn cây.

Vô vàn khó khăn với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tại Nghệ An, nơi được biết đến là địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước. Ảnh: Việt Khánh. 

Vô vàn khó khăn với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tại Nghệ An, nơi được biết đến là địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước. Ảnh: Việt Khánh. 

Đặc biệt hơn nữa, tài nguyên rừng của Nghệ An rất phong phú và đa dạng, rừng đang là nguồn cung cấp nguyên liệu tiềm năng cho các ngành sản xuất, các loại hàng hoá từ lâm sản và các dịch vụ môi trường trên địa bàn. Rừng giữ vai trò quan trọng bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời cũng là tư liệu sản xuất tiềm năng cho công cuộc xoá đói giảm nghèo, ổn định xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh.

Trên lý thuyết, rừng Nghệ An hội tụ các yếu tố cần thiết để tiếp đà phát triển lớn mạnh, gắn bó với rừng là hướng đi phù hợp trong xu thế mới. Tuy nhiên, không phải tất cả đều được hưởng lợi từ “rừng vàng”, bấy lâu nay vẫn có một bộ phận không nhỏ “bạc mặt” với nghề, họ chính là lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, đang công tác tại các Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH), rừng đặc dụng.

Điều này được thể hiện rõ tại Điều 8, Thông tư 21/2017/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2017 của Bộ NN-PTNT: Lực lượng này chưa được quy định là đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng hưởng kinh phí sự nghiệp từ chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020. 

Quyết định số 44/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ nhiệm vụ nặng nề của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách: Tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi phá rừng, khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng, lấn chiếm rừng, đất rừng trái pháp luật và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng thuộc phạm vi diện tích được giao; thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng; kịp thời báo cáo với chủ rừng và cơ quan chức năng về tình hình bảo vệ rừng được giao; chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật; chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của chủ rừng và kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan Kiểm lâm; thực hiện các nhiệm vụ khác do chủ rừng giao.

Nhằm cứu vãn tình hình, ngày 1/2/2018, Sở NN-PTNT Nghệ An đã làm Công văn số 293/SNN.KL gửi đến UBND tỉnh giãi bày những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, hiện nay mới có 342 biên chế được giao cho các BQL RPH, rừng đặc dụng, đáp ứng được 42% nhu cầu. Để đảm bảo yêu cầu chuyên môn, các đơn vị phải linh động thực hiện các hợp đồng lao động để tổ chức, thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, theo đúng quy định tại Nghị định 01/NĐ-CP của Chính phủ về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.

Gánh trên vai trọng trách giữ rừng nặng nề nhưng bộ phận này chưa được quan tâm, nhìn nhận đúng bản chất. Ảnh: Việt Khánh.

Gánh trên vai trọng trách giữ rừng nặng nề nhưng bộ phận này chưa được quan tâm, nhìn nhận đúng bản chất. Ảnh: Việt Khánh.

Ghi nhận đầu năm 2018, tại các BQL RPH, rừng đặc dụng trên địa bàn có đến 378 người thuộc diện hợp đồng bảo vệ rừng tự trang trải; các công ty lâm nghiệp, Tổng đội thanh niên xung phong và các tổ chức hợp pháp khác có khoảng 120 người thực hiện hợp đồng để làm nhiệm vụ bảo vệ rừng chuyên trách.

“Đây là lực lượng bảo vệ rừng chủ yếu, nòng cốt đã công tác lâu năm, có nhiều kinh nghiệm, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ rừng vừa đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn”, nội dung Công văn số 293/SNN.KL đề cập.

Trên thực tế, trước đây nguồn kinh phí để duy trì hoạt động cho lực lượng này đều do chủ rừng tự trang trải, hình thức chủ yếu từ nguồn vốn sự nghiệp thông qua công tác khoán bảo vệ rừng. Trong bối cảnh nguồn lực của các “chủ rừng” chẳng dư dả, phương án này khó khả thi, do đó để duy trì theo hướng bền vững đòi hỏi sự chăm lo đến từ Nhà nước.

Từ thực tiễn đặt ra, Sở NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh trình Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT cho phép sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 để giao khoán bảo vệ cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, qua đó đảm bảo quyền lợi chính đáng cho họ.

Mức giao khoán 100.000 đồng/người/ha theo diện 'san sẻ' là quá thấp. Ảnh: Việt Khánh.

Mức giao khoán 100.000 đồng/người/ha theo diện "san sẻ" là quá thấp. Ảnh: Việt Khánh.

Phúc đáp lại, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh Nghệ An sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp từ Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 để cấp kinh phí bảo vệ rừng cho các Ban quản lý rừng, Tổng đội Thanh niên xung phong, mức cấp không quá mức bình quân theo quy định tại Khoản 2, Điều 7 Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 1/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 - 2020 (mức trung bình 100.000 đồng/ha/năm tính trên tổng diện tích được giao - PV).

Người lao động tháo chạy hàng loạt

Với định mức giao khoán 100.000 đồng/ha/năm, nhiều năm rồi lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tại Nghệ An luôn sống trong tình cảnh lay lắt. Mức này quá ít ỏi so với mặt bằng chung (nhiều nơi áp dụng 300.000 đồng - PV) và không đủ để đảm bảo cuộc sống thường nhật (trung bình từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng), đây rõ ràng là nghịch lý với địa phương có diện tích rừng lớn nhất cả nước.

Nhiều ý kiến trong ngành quả quyết, một phần nguyên nhân bắt nguồn từ quá trình tham mưu, kiến nghị chưa thực sự sâu sát của tỉnh Nghệ An. Thay vì đề xuất sử dụng nguồn sự nghiệp Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 để “san sẻ” gánh nặng, lẽ ra phải để nghị Nhà nước xem xét, phân bổ kinh phí tương xứng với trọng trách nặng của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách suốt bấy lâu (?!)

Theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam, các Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng mang danh là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân phần đa các đơn vị này đều không tự cân đối được.

Xuất phát từ tính chất công việc thực tế, họ xứng đáng được đãi ngộ với chế độ cao hơn. Ảnh: Việt Khánh.

Xuất phát từ tính chất công việc thực tế, họ xứng đáng được đãi ngộ với chế độ cao hơn. Ảnh: Việt Khánh.

Loay hoay như gà mắc tóc khi biên chế bảo vệ rừng thiếu hụt trầm trọng đã đành, nay các chủ rừng thêm khó khăn khi quân số nằm trọng diện quản lý đồng loạt xin thôi việc. Đây là điều đã được dự báo từ trước, bởi lẽ áp lực công việc không hề tương xứng với chế độ, lâu dần tất sẽ dẫn đến chảy máu nhân lực. Dẫu vậy vẫn không khỏi ngạc nhiên khi con số này tăng nhanh đột biến, chỉ từ 2016 đến hết 6 tháng đầu năm 2022 đã có 158 lao động xin nghỉ. Trong đó, biên chế là 34 người, hợp đồng dài hạn tự trang trải là 124 người.

Hiện tại Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt Chương trình. Các BQL RPH, rừng đặc dụng cùng hàng trăm lao động chuyên trách trên địa bàn Nghệ An đang nín thở trước giờ G, tất thảy đều mong muốn một sự thay đổi mang tính bước ngoặt, có như thế mới mong chặn được vấn nạn chảy máu nhân lực.

“Đến 90% lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các BQL RPH là lao động hợp đồng, không phải là biên chế hưởng lương ngân sách nhà nước mà các đơn vị tự trang trải bằng các nguồn thu từ nhà nước đặt hàng, cũng như các nguồn thu hợp pháp khác. Có điều các BQL RPH, Công ty lâm nghiệp được giao quản lý rừng tự nhiên nhưng không có nguồn thu từ rừng tự nhiên (chủ trương đóng cửa rừng vẫn còn hiệu lực), bất cập nảy sinh từ đây mà ra.

Đến bao giờ lực lượng bảo vệ rừng tại các BQL RPH, rừng đặc dụng trên địa bàn Nghệ An được đảm bảo quyền lợi? Ảnh: Việt Khánh.

Đến bao giờ lực lượng bảo vệ rừng tại các BQL RPH, rừng đặc dụng trên địa bàn Nghệ An được đảm bảo quyền lợi? Ảnh: Việt Khánh.

Trách nhiệm, nghĩa vụ như nhau, thậm chí với tư cách chủ rừng còn nặng nề hơn gấp bội phần. Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách bố trí công tác ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, họ xứng đáng được hưởng chính sách thiết thực của nhà nước.

Lý thuyết là vậy, thực tế họ không được nhận thêm bất kỳ khoản phụ cấp nào ngoài đồng tiền lương ít ỏi, đó là bất cập tồn tại dai dẳng bấy lâu. Đề nghị các cấp ngành liên quan nắm rõ thực trạng, đánh giá kỹ lượng từng yếu tố, từ đó có phương án sửa đổi, bổ sung kế hoạch giai đoạn mới, nâng mức hỗ trợ lên 300.000 đồng/ha/năm đối với diện tích chưa giao khoán đang do lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng quản lý, bảo vệ, tạo điều kiện cho các đơn vị đảm bảo nguồn thu, chí ít đủ chi trả lương và các khoản đóng góp theo lương cho các hợp đồng lao động”, nhiều chủ rừng phòng hộ tại Nghệ An đề đạt nguyện vọng.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.