| Hotline: 0983.970.780

Nỗi niềm sông Kôn è cổ 'cõng' hàng chục thủy điện

Thứ Ba 09/08/2016 , 13:15 (GMT+7)

Do có lợi thế dòng chảy bậc thang nên đoạn sông Kôn phía thượng nguồn nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) dài chỉ vài chục cây số mà đã phải “gánh” đến hàng chục nhà máy thủy điện. Do đó, sông Kôn còn có tên gọi khác là “dòng sông thủy điện”.

14-27-41-2182348931
Kênh thủy điện Vĩnh Sơn 5 cắt đường vào rẫy của dân làng Đăk Tral

 

Trong khi hệ lụy của những nhà máy thủy điện được xây dựng trước đó gây khốn khổ cho người dân địa phương chưa được khắc phục, thì nhiều nhà máy thủy điện khác tiếp tục “mọc” lên, khiến chính quyền huyện Vĩnh Thạnh lo sốt vó…

Nguồn nước cạn kiệt

Kể từ khi sông Kôn trở thành “dòng sông thủy điện” thì chính quyền sở tại đã phải triền miên “đau đầu” vì những kêu ca của người dân trong vùng bị ảnh hưởng.

Họ kêu vì việc đền bù, bồi thường không thỏa đáng; kêu vì sau khi di dời để nhường chỗ cho thủy điện không còn đất để sản xuất; kêu vì sau khi nhà máy thủy điện vận hành đã “nuốt” hết nước của sông Kôn, người dân không có nước sinh hoạt, gia súc không có nước để uống; kêu vì bị thủy điện “cắt” mất con đường vào rẫy để làm ăn…

Đơn cử như trong thời gian 2 công trình thủy điện Vĩnh Sơn 5 và Vĩnh Sơn 3 còn trong quá trình xây dựng thì người dân địa phương đã “la làng” vì hàng trăm nghìn mét khối đất đá thải ra được trút sông Kôn gây bồi lấp. Khi ấy, có khoảng 5.000 hộ dân ở xã Vĩnh Hảo và thị trấn Vĩnh Thạnh phải sử dụng nguồn nước sông Kôn bị nhiễm bẩn do đất đá thải ra.

Làng Đăk Tral thuộc xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh), địa phương nằm ngay “cổ họng” của Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 5, là nơi người dân bức xúc về thủy điện nhiều nhất. Bởi con kênh dẫn dòng của Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 5 đã “cắt” khu rẫy người dân địa phương đang sản xuất, tuyến giao thông duy nhất là chiếc cầu có chiều ngang chỉ nửa mét bắc qua kênh. Chiếc cầu đã bé tí tẹo, lại chênh vênh, bà con chỉ có thể đi bộ hoặc chạy xe máy qua, chứ chẳng thể vận chuyển nông sản thu hoạch được từ rẫy về nhà.


Dòng sông Kôn ngoắc ngoải bởi đất đá thải của thủy điện Vĩnh Sơn 5 bồi lấp

 

Nỗi đau nhất của người dân làng Đăk Tral là trong những năm gần đây mọi người dân miền núi đều phát triển mạnh nghề trồng rừng sản xuất, dân làng Đăk Tral không ngoại lệ, nhưng khi khai thác gỗ nguyên liệu thì xe tải chẳng thể vào rừng để vận chuyển. “Bây giờ bà con đi ruộng làm lúa nước cũng rất khó khăn, đã xa đến 5km mà đường rất khó đi. Sông Kôn thường xuyên hụt nước nên ruộng không có nước tưới, có làm mà chẳng có ăn, nên nhiều người đã bỏ ruộng”, Trưởng làng Đăk Tral Đinh Vinh cho biết thêm.

Gia đình ông Đinh Doan (55 tuổi) có gần 2ha đất đã hiến cho công trình thủy điện Vĩnh Sơn 5, được đền bù 60 triệu đồng. Sau khi ông Doan xây dựng lại căn nhà để ở và mua gạo dành ăn dần thì khoản tiền nhận đền bù 60 triệu đồng đã được tiêu đến đồng bạc cuối cùng.

Không còn đất sản xuất, vợ chồng Doan định vác rựa vào rừng chặt cây lấy đất để trồng tỉa, nhưng lại sợ bị ngành chức năng phạt, bởi rừng quanh đây đều thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh quản lý. “Trong làng có hộ làm liều nhưng đã bị cán bộ xử phạt nặng, sợ lắm, không dám làm đâu”, ông Doan bộc bạch.

14-27-38_1
Nguồn nước từ cửa hầm phụ dân Đăk Tral sử dụng làm nước sinh hoạt

 

Tình trạng trên không chỉ riêng hộ ông Đinh Doan mắc phải, mà là của người dân cả làng. Do đó, làng Đăk Tral hiện chỉ có 60 hộ dân thì có đến 32 hộ nghèo.

Không chỉ vậy, từ nhiều năm qua, gần 5km đoạn sông Kôn từ đập thủy điện Vĩnh Sơn 5 đến suối Nước Mật thường xuyên bị cạn kiệt, dân làng Đăk Tral không có nước sinh hoạt. Để giải quyết nguồn nước sinh hoạt cho người và gia súc, Cty CP Đầu tư Vĩnh Sơn (chủ đầu tư thủy điện Vĩnh Sơn 5) chặn nước từ cửa hầm phụ của thủy điện để cung cấp nước sinh hoạt. Oái ăm thay, đây lại là nguồn nước tù đọng, không đảm bảo vệ sinh nhưng dân làng cứ đành phải sử dụng.

Trưởng làng Đinh Doan nói: “Nước sông cạn kiệt nên mạch của các giếng nước trong làng cũng không còn. Bà con và gia súc đều khốn đốn. Sông Kôn trước đây nhiều cá ghê lắm, giờ thì chẳng còn nước cho bò uống”.

Buộc phải thực hiện

Cách đây không lâu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Lê Văn Đẩu lại tất bật đi về xã Vĩnh Kim dự cuộc họp “thủy điện”, để đấu tranh cho quyền lợi của người dân địa phương bị ảnh hưởng khi triển khai xây dựng công trình thủy điện Vĩnh Sơn 4 do Cty CP Đầu tư Vĩnh Sơn làm chủ đầu tư.

Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 4 đang được xây dựng trên sông Kôn, nằm trên thủy điện Vĩnh Sơn 5 không bao xa, cũng thuộc địa bàn xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh). Theo thiết kế, dự án này có công suất lắp máy 18 MW với tổng đầu tư 621 tỷ đồng. Khi Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 4 ra đời, người dân làng Đăk Tra lại them một lần nữa lâm cảnh khốn đốn.

14-27-41-1182348712
Người dân than thở về những nỗi khổ do thủy điện mang lại

 

Theo ông Lê Văn Đẩu, hiện nay Cty CP Đầu tư Vĩnh Sơn đang khởi công xây dựng đập đầu mối và triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng giai đoạn 1. Mặc dù phương án đền bù của công ty chưa được UBND huyện Vĩnh Thạnh phê duyệt, nhưng Cty CP Đầu tư Vĩnh Sơn đã có thỏa thuận với người dân làng Đăk Tra là sẽ đền bù 6,3 ha đất sản xuất, dân cũng đã thỏa thuận nhận tiền đền bù giai đoạn 1.

Nỗi lo của người dân làng Đăk Tra là sau khi có mặt thủy điện Vĩnh Sơn 4, nhiều hộ dân lại mất đường đi thăm rẫy. Trước yêu cầu của người dân, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã đề xuất Cty CP Đầu tư Vĩnh Sơn sau khi đi vào hoạt động phải xây dựng cầu cứng, cầu treo hoặc bố trí ghe thuyền để bà con qua sông đi rẫy làm ăn.

Theo ông Đinh Mun, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, hiện quanh làng Đăk Tral không còn đất sản xuất, những hộ dân bị mất đất do công trình thủy điện Vĩnh Sơn 4 muốn có đất làm ăn thì phải đi lên núi cao, đường đi đã xa và rất khó khăn.

“Đất trên núi cao còn chẳng bao nhiêu, bởi hầu hết là rừng phòng hộ đầu nguồn, người dân không được xâm phạm”, ông Đinh Mun lo lắng. Nỗi lo ấy không thừa, vì nếu không được cấp lại đất sản xuất, bao nhiêu tiền nhận đền bù tiêu dần hết và rồi sẽ có thêm nhiều hộ dân lâm cảnh “đất mất tiền hết”, rồi lại kêu cứu chính quyền địa phương.

14-27-38_2
Người dân làng Đăk Tral kể khổ

 

Theo ông Trần Quốc Lại, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, việc có quá nhiều nhà máy thủy điện trên địa bàn đã làm ảnh hưởng nặng nề đến tài nguyên rừng, đến cuộc sống của người dân địa phương. Các chủ trương xây dựng thủy điện cứ từ trên “ấn xuống”, địa phương không thể không thực hiện.

Ông Lại nêu ví dụ: “Như thủy điện Vĩnh Sơn 5, sau khi xây dựng mới bộc lộ những điều không thể lường trước được. Công trình cắt đường đi và nguồn nước sinh hoạt, gây nguy cơ xói lở đất sản xuất và khu dân cư. Tại nhà máy Vĩnh Sơn 5, con đường giao thông bẻ cong, người dân phải đi dưới trạm biến áp, rất nguy hiểm”.

Được biết, trong những năm qua, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã từng đề nghị đình chỉ thi công đối với các công trình thủy điện Vĩnh Sơn 5 và Trà Xom do vi phạm môi trường trong quá trình thi công, chậm đền bù giải phóng mặt bằng, chậm thực hiện tái định cư, định canh cho người dân.

18-21-54_td2

 

Ngoài ra, huyện Vĩnh Thạnh cũng đề nghị đình chỉ thi công đối với thủy điện Định Bình mở rộng vì chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục xây dựng theo quy định. Thế nhưng, những kiến nghị ấy đều rơi vào hư không, việc xây dựng vẫn tiếp tục...

“Năm 2015 chúng tôi tiếp tục đề xuất bỏ bớt 3 công trình thủy điện Nước Trinh 1, Nước Trinh 2 và Đăk Ple. Bởi những công trình này có công suất nhỏ mà nếu cho xây dựng sẽ mất nhiều diện tích rừng và đất sản xuất”, ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh.

Xem thêm
Đề nghị kỷ luật nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng

Ông Phạm Văn Vọng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...

Hà Nội dự chi gần 38 tỷ đồng hỗ trợ khôi phục sản xuất

Theo đề xuất, đối tượng hỗ trợ là các tổ chức, cá nhân có diện tích sản xuất cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại do bão số 3 và sau bão.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Siêu bão Man-yi đi vào Biển Đông trở thành cơn bão số 9

Cơ quan khí tượng cho biết, bão Man-yi đã vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 9. Bão đang giật cấp 15 và di chuyển rất nhanh hướng vào các tỉnh Trung Trung bộ.