| Hotline: 0983.970.780

Nơi Yên Bình hạnh phúc hơn

Thứ Năm 11/07/2024 , 11:24 (GMT+7)

YÊN BÁI Người dân đồng lòng hiến đất mở đường, đóng góp tiền của xây dựng nhà văn hóa và nhiều công trình công cộng khác để làm cho cuộc sống của chính mình hạnh phúc hơn.

Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đồng lòng vượt khó cán đích NTM sớm 2 năm so với kế hoạch. Ảnh: Thanh Tiến.

Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đồng lòng vượt khó cán đích NTM sớm 2 năm so với kế hoạch. Ảnh: Thanh Tiến.

Vượt khó về đích sớm 2 năm

Năm 2023, huyện Yên Bình được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đây là niềm vinh dự, tự hào cho vùng đất gắn liền với Danh thắng Quốc gia hồ Thác Bà, nơi được coi là “vịnh Hạ Long giữa núi rừng Tây Bắc”.

Ông An Hoàng Linh, Bí thư Huyện ủy Yên Bình chia sẻ, với sự đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, Yên Bình đã hoàn thành chương trình xây dựng NTM trước 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh và huyện đã đề ra. Mục tiêu xây dựng NTM không phải phải chạy theo thành tích, không coi đó là chiếc vương miện hay ánh hào quang. Xây dựng NTM là công cuộc kiện toàn, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao thu nhập, đời sống tinh thần của người dân và cốt lõi là làm cho người dân hài lòng, hạnh phúc hơn. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện luôn xác định xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Đây là nhiệm vụ thường xuyên và dài lâu với chủ thể là người dân, họ trực tiếp xây dựng và hưởng thụ thành quả.

Bí thư Huyện ủy Yên Bình An Hoàng Linh (ngoài cùng bên trái) tham gia lao động vệ sinh môi trường cùng người dân.

Bí thư Huyện ủy Yên Bình An Hoàng Linh (ngoài cùng bên trái) tham gia lao động vệ sinh môi trường cùng người dân.

Nhìn lại năm 2011 khi bắt tay vào xây dựng NTM, huyện Yên Bình phải đối mặt nhiều khó khăn, xuất phát điểm thấp. Toàn huyện có 16/22 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trung bình các xã chỉ đạt từ 4 - 5  tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt hơn 17 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 26,7%. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân vào Nhà nước trong việc hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng còn cao, khó vận động đóng góp.

Phong trào dịch rào hiến đất diễn ra sôi nổi rộng khắp

Trong hành trình xây dựng thành công huyện NTM, yếu tố then chốt là sự đồng lòng hiến kế, hiến công, góp của từ người dân ở các địa phương. Xây dựng NTM từ yêu cầu dần trở thành nhu cầu của người dân, từ đó các phong trào thi đua như: dịch rào hiến đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa, vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế hộ… diễn ra sôi nổi rộng khắp ở các làng quê.

Nhờ xây dựng NTM, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bình ngày càng được nâng cao. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhờ xây dựng NTM, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bình ngày càng được nâng cao. Ảnh: Thanh Tiến.

Điển hình như câu chuyện giải phóng mặt bằng làm đường giao thông, năm 2023, tuyến đường tỉnh lộ Vĩnh Kiên – Yên Thế được Nhà nước đầu tư trải nhựa và mở rộng mặt đường lên 5,5m, việc giải phóng mặt bằng được giao cho các địa phương tự thực hiện. Kinh phí đền bù không có, các hộ dân có tuyến đường chạy qua được vận động hiến đất, chặt bỏ cây cối để nhà thầu thi công.

Ông Trần Mạnh Hồng ở thôn Đa Cốc, xã Vĩnh Kiên bộc bạch, trước đây tuyến đường này là đường đất cấp phối nhỏ hẹp, phương tiện qua lại đông đúc nên nắng bụi, mưa lầy. Được chính quyền vận động, gia đình ông đã tự nguyện hiến hơn 120 m2 đất thổ cư và đất vườn, tự cắt mái tôn nhà, phá bỏ tường rào, chặt bỏ hơn chục cây bưởi lâu năm để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Việc đóng góp 1 phần nhỏ để xây dựng tuyến đường giúp cho quê hương phát triển nhanh hơn vì con đường này là niềm mơ ước của người dân từ nhiều đời nay. Sau khi hoàn thành việc đi lại, giao thương buôn bán của bà con thuận lợi hơn nhiều, giá trị các loại nông sản vùng ven hồ Thác Bà sẽ được nâng cao và đến được với khách hàng xa hơn.

Hàng trăm hộ dân ở các địa phương trong huyện đã tự nguyện hiến đất làm đường và các công trình cơ sở hạ tầng. Ảnh: Thanh Tiến.

Hàng trăm hộ dân ở các địa phương trong huyện đã tự nguyện hiến đất làm đường và các công trình cơ sở hạ tầng. Ảnh: Thanh Tiến.

Không riêng gì gia đình ông Hồng, tuyến tỉnh lộ Vĩnh Kiên – Yên Thế chạy qua thôn Đa Cốc dài hơn 1,8km, ảnh hưởng trực tiếp đến 43 hộ dân sống ven đường. Việc giải phóng mặt bằng đã được tất cả các hộ dân đồng thuận ủng hộ, tự dịch rào, lùi nhà, chặt cây cối để hiến đất.

“Chương trình làm đường giao thông nông thôn được Tỉnh hỗ trợ xi măng, các hộ dân tự đóng góp các vật liệu khác như cát, sỏi, làm mặt bằng và tự thi công. Việc đóng góp là do các hộ dân trong xóm tự đăng ký, bàn bạc vì lợi ích chung. Khi con đường hoàn thành nhà nào cũng hân hoan phấn khởi, xây dựng lại tường rào, cổng nhà và trồng hoa để tuyến đường thêm đẹp”, ông Phan Đạo Hưng, Trưởng thôn Đa Cốc bộc bạch.

Cùng bàn, cùng đóng góp, cùng làm và cùng hưởng thụ nên người dân càng thêm hài lòng và hạnh phúc với sự thay đổi diện mạo của quê hương.

Cùng bàn, cùng đóng góp, cùng làm và cùng hưởng thụ nên người dân càng thêm hài lòng và hạnh phúc với sự thay đổi diện mạo của quê hương.

Sau hơn 1 thập kỷ kiên trì với công cuộc xây dựng NTM, diện mạo nông thôn ở Yên Bình thay đổi rõ rệt, cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển đồng bộ, thu nhập người dân tăng cao. Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư khang trang, đồng bộ với gần 90% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa; cơ bản trên địa bàn không còn nhà tạm, nhà dột nát.

Phấn đấu trở thành huyện NTM nâng cao vào năm 2030

 Hơn 10 năm qua, nhân dân trong huyện Yên Bình đã đóng góp gần 200 tỷ đồng, tự nguyện hiến 150.000 m2 đất, tham gia hơn 5.000 ngày công lao động để thực hiện xây dựng các tiêu chí NTM. 

Bí thư Huyện ủy Yên Bình, ông An Hoàng Linh chia sẻ, điều đáng mừng nhất trong thực hiện xây dựng NTM ở một huyện miền núi như Yên Bình là sự đồng thuận, tự nguyện, tự giác đóng góp công sức, tiền của của người dân. Cuối năm 2023, khi lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân để làm hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM đã nhận được sự nhất trí cao với tỷ lệ gần 100% của nhân dân các địa phương.

Chính quyền huyện tạc đá tri ân những đóng góp của người dân trong xây dựng NTM tại địa phương.

Chính quyền huyện tạc đá tri ân những đóng góp của người dân trong xây dựng NTM tại địa phương.

Chặng đường xây dựng NTM còn dài và sẽ không có điểm dừng, với mục tiêu xây dựng NTM thực chất “nông nghiệp tiến bộ, nông thôn văn minh, nông dân hạnh phúc”.

Thời gian tới, huyện Yên Bình sẽ xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể để đạt được mục tiêu tiếp theo như đến năm 2025 đạt chuẩn huyện NTM có kinh tế - xã hội phát triển khá. Phấn đấu có 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 1 xã bảo đảm các tiêu chí NTM thông minh. Đến năm 2030, phấn đấu trở thành huyện NTM nâng cao, có kinh tế - xã hội phát triển hàng đầu tỉnh Yên Bái.

Đến nay, Yên Bình có tất cả 22 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 7 xã NTM nâng cao, 1 xã NTM kiểu mẫu, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 55 triệu đồng/năm, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 96%, hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,52%, chỉ số hạnh phúc của người dân đạt 69%...

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Bình Thuận phát triển sản phẩm OCOP thế mạnh, đặc trưng

Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận phát triển sản phẩm OCOP theo thế mạnh, đặc trưng như nước mắm, thanh long, hải sản, yến và gạo chất lượng cao.