| Hotline: 0983.970.780

Nông dân ‘đắng lòng’ trước vụ mùa bội thu

Chủ Nhật 14/05/2023 , 11:21 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Trên cánh đồng lớn, những đám ruộng phẳng ngời lên màu vàng bông lúa chín. Những bông lúa cúi cong ngập xâm xấp trong nước. Người dân đứng nhìn ruộng mà se sắt trong lòng.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) thấp giọng: “Trước lúc vào vụ gặt, chúng tôi xác định năng suất bình quân ước đạt trên 70 tạ/ha. Đây là vụ có năng suất cao trong những năm gần đây. Tuy nhiên, trận giông lốc đầu mùa kèm lũ tiểu mãn đã ủ nước trên ruộng, hạt lúa bắt đầu có hiện tượng nảy mầm. Nguy cơ một vụ  mùa thất bát đã hiển hiện trước mắt rồi”.

Nước mắt tràn theo…mưa

Cánh đồng lớn của xã Tân Ninh rộng trên 200ha nằm ven sông Kiến Giang. Trên cánh đồng là hệ thống kênh mương liên hoàn nối nhau rồi đổ về cống D2, hói Hòa Bình để tháo nước ra sông khi úng và cấp nước chống hạn khi triều sông lên.

Sau trận giông lốc cách đây một tuần thì diện tích lúa trên đồng gần như bị đổ rạp. Bà con đã tích cực  nạo vét các cống để mong thoát nước nhanh, chống úng cứu lúa. Khi nước trên đồng thấp dưới bông lúa, ra đồng ai cũng mừng vì có thể thu hoạch trong tuần tới. Nhưng những trận mưa lớn nối nhau trong mấy ngày trước  lũ Tiểu  mãn đã nhấn chìm hàng trăm ha lúa đang kỳ chín tới vào  biển nước.

Ra thăm ruộng, ông Nguyễn Thanh Hiếu (xã Tân Ninh) như muối xát vào lòng. Nhà ông có gần 1,5ha ruộng liền nhau nhờ năm trước thực hiện “dồn điền đổi thửa”. Vụ mùa thuận lợi nên cây lúa khỏe, đẻ nhánh dày. Chỉ cần chục ngày là kêu máy về gặt. Nhìn bông lúa chín vàng, đều tắp, ông Hiếu như thấy một vụ mùa bội thu. Nay tin giá lúa tươi đã được thương lái đánh tiếng giá “tám mươi” (8 triệu đồng/tấn), ông càng mừng thầm.

Người nông dân rơi nước mắt khi ngồi bên ruộng lúa chín vàng đang bị ngập trong nước. Ảnh: T.Phùng.

Người nông dân rơi nước mắt khi ngồi bên ruộng lúa chín vàng đang bị ngập trong nước. Ảnh: T.Phùng.

Bây giờ, đứng trên bờ ruộng, ông cứ nhấp nháy như để ngăn dòng nước mắt chực chảy ra. Trên đồng, màu lá lúa vàng nổi trên mặt nước, nhưng bông lúa thì đã ngập trong nước đã mấy hôm nay. Ông Hiếu lội xuống ruộng, cúi người, tay quơ mấy bông lúa ngâm dưới nước lên.Từ trong mớ bông lúa đã nghe mùi chua chua thoát ra. Rồi bổng ông như khựng lại khi thấy  trên hạt lúa vàng đẫm nước đã nứt nanh để cho mầm lúa bật ra.

Ông Hiếu thẫn thờ nói với tôi: “Nếu không thoát nước kịp thì hai ngày sau nữa, cơ bản hạt thóc trên bông lúa đều nảy mầm hết. Khi đó có thu hoạch về nhà cũng chỉ dùng vào việc chăn nuôi chứ không thể xay gạo được”.

Rồi ông nhẩm tính sản lượng lúa cũng được trên 10 tấn, bán với giá lúa như hiện nay thì cũng thu về 80 triệu đồng. Bây giờ thì mất trắng con số 80 triệu đồng rồi. Không biết khi thu hoạch xong có bù được chi phí giống má bỏ ra không đây.

Ông Nguyễn Văn Hiếu: 'Nhiều hạt lúa trên bông đã nẩy mầm do ngâm nước lâu ngày'. Ảnh: T.Phùng.

Ông Nguyễn Văn Hiếu: “Nhiều hạt lúa trên bông đã nẩy mầm do ngâm nước lâu ngày”. Ảnh: T.Phùng.

Xã Tân Ninh gieo cấy gần 600ha trong vụ đông xuân này. Lúa chín, bà con khẩn trương thu hoạch được gần 50ha thì dừng lại vì giông lốc xoáy, mưa trắng đồng. Dù lúa có đổ rạp nhưng ruộng ráo nước, trời tạnh thì vẫn tiếp tục thu hoạch được. Nhưng những ngày tiếp theo mưa lại ập xuống, nước đồng đầy lên. Thay vì mừng, bà con lại lo ngay ngáy bởi hiển hiện… mất mùa.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh cho hay, gần 550ha lúa đến kỳ thu hoạch đang bị ngâm nước. Dù chúng tôi  đang cố gắng tìm mọi cách để chống úng nhưng cũng rất khó vì hệ thống kênh mương đều đầy nước. Nếu kéo dài thêm thì lúa lên mầm là điều không thể tránh khỏi.

Chỉ sau một đêm, hơn 5 sào lúa của ông Doãn chưa kịp gặt đã bị ngập trong nước có nguy cơ mất mùa nặng. Ảnh: T.Phùng.

Chỉ sau một đêm, hơn 5 sào lúa của ông Doãn chưa kịp gặt đã bị ngập trong nước có nguy cơ mất mùa nặng. Ảnh: T.Phùng.

Trên cánh đồng xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh) cũng vắng người. Những vạt ruộng đã gặt xong nằm xen kẻ với những vạt ruộng chín vàng rạp cứ dập dệnh trong nước. Ông Nguyễn Văn Doãn đứng trên bờ nhìn vạt ruộng bị ngâm nước mà se sắt trong lòng. Ông bảo nhà làm 10 sào ruộng, lúa được mùa nên mừng lắm. Bữa trước kêu máy về gặt được 5 sào và mai đang tính gặt nốt thì tối đó mưa gió,  giông tố nổi lên quật tả tơi 5 sào lúa và nhấn chìm trong nước mưa dềnh lên trên ruộng.

Bây giờ, lúa đã bị ngâm đến 4 ngày rồi, mỗi bông lúa bắt đầu có 7 - 10 hạt thóc nảy mầm. Nếu kéo thêm vài ngày thì chắc chắn lúa bị lên mầm hết. Vụ này tưởng được mùa mà giờ chỉ thu hoạch có được phân nữa”, ông Doãn ngậm ngùi.

Người dân xã Hoa Thủy hộ đê cứu lúa trong đêm mưa. Ảnh: X.Hòa.

Người dân xã Hoa Thủy hộ đê cứu lúa trong đêm mưa. Ảnh: X.Hòa.

Nỗ lực cứu lúa trong đêm

Huyện Quảng Ninh gieo cấy gần 5.200ha lúa. Tính đến chiều ngày 7/5, các địa phương trong huyện đã thu hoạch được gần 600ha.

Ông Trần Đức Thuận, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Ninh cho biết, do ảnh hưởng của mưa lớn và gió đã làm hơn 3.000ha lúa đông xuân trên địa bàn bị đổ rạp. Thời gian này, lúa đang vào thời kỳ thu hoạch nên khi bị ngâm nước rất dễ bị lên mầm. Chúng tôi đang chỉ đạo quyết liệt việc tiêu úng, cứu lúa.

Bờ bao được dựng lên trong đêm để ngăn lũ tràn, cứu lúa. Ảnh: X. Hòa.

Bờ bao được dựng lên trong đêm để ngăn lũ tràn, cứu lúa. Ảnh: X. Hòa.

Cánh đồng lớn của Hợp tác xã nông nghiệp Hoành Vinh (xã An Ninh, huyện Quảng Ninh) rộng gần 400ha bị ảnh hưởng nặng nề. Hơn 300ha lúa chín vào vụ gặt đổ rạp trong nước.

Ông Võ Doãn Dực, Giám đốc HTX Hoành Vinh đã có mặt trên đồng lúc rạng sáng. Ông bảo, hai trạm bơm điện gồm 6 máy bơm hoạt động hết công suất mấy hôm nay. Tối ngày 13/5, cầu chì trạm hạ thế nổ, HTX cấp tốc sửa chữa, thay thế. Đến nữa đêm đóng được cầu dao thì cầu chì nổ tiếp.

“Anh em trong ban Giám đốc HTX thức trắng đêm để khắc phục sự cố. Đến chiều hôm sau thay thế trạm hạ thế thì mới đưa các trạm bơm vào họat động”, ông Dực cho hay. Cũng theo ông Dực, nếu bơm suốt đêm ngày thì khoảng 3 hôm nữa nước trên ruộng mới cạn. Lúc đó, lúa sẽ lên mầm. Chúng tôi dự ước vụ mùa này đạt năng suất bình quân 75 tạ/ha, nhưng việc lúa bị đổ rạp và ngập trong nước thì năng suất có thể bị ảnh hưởng đến 70%.

Huyện Lệ Thủy gieo cấy gần 11.000ha, bà con đã thu hoạch được gần 1.000ha thì dừng lại vì giông lốc, ruộng ngập nước. Trên 2.000ha lúa bị ảnh hưởng nặng, có nguy cơ giảm năng suất từ 50 - 70%.

Sau khi được khắc phục, trạm bơm HTX Hoành Vinh chạy suốt đêm ngày để tiêu úng. Ảnh: T.Phùng.

Sau khi được khắc phục, trạm bơm HTX Hoành Vinh chạy suốt đêm ngày để tiêu úng. Ảnh: T.Phùng.

Trong những ngày qua, mưa lớn nên nước có nguy cơ tràn đê bao ngập ruộng. Hàng ngàn người dân các xã Hoa Thủy, Thái Thủy, Hồng Thủy… đã trắng đêm đắp đê cứu lúa. Tại xã Hoa Thủy, diện tích gieo cấy gần 1.000 ha, bà con mới chỉ thu hoạch gần 100 ha thì gặp mưa, giông lốc kéo dài. Hiện toàn xã có trên 200ha lúa bị ảnh hưởng nặng có nguy cơ mất mùa cao.

Khi những cơn mưa lớn, kéo dài làm nước trên sông mấp mé bờ đê bao, đe dọa hàng trăm ha lúa đang chín. Ngay trong đêm, hàng trăm người dân đã có mặt tại các tuyến đê xung yếu để dùng bao tải cát chất thành nâng cao mặt đê chắn lũ.

Ông Võ Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy cho hay: “Chúng tôi đã huy động phương tiện chở cát đến, sau đó nhanh chóng cho cát vào bao và chất lên mặt  đê làm thành bờ tường vững chắc. Đến 4 giờ sáng ngày 13/5 thì mưa nhẹ hạt và tạnh dần, các điểm xung yếu đã được bảo vệ, ruộng lúa không bị nhấn chìm. Mọi người thở phào vì hạn chế được thiệt hại vụ mùa”.

Nông dân tranh thủ tận thu hoạch lúa ngập nước để hạn chế thất bát vụ mùa. Ảnh: N.Hải.

Nông dân tranh thủ tận thu hoạch lúa ngập nước để hạn chế thất bát vụ mùa. Ảnh: N.Hải.

Vụ đông xuân này, các địa phương trong tỉnh Quảng Bình gieo cấy trên hơn 29.300ha lúa. Đến nay, lúa trà đầu, trà chính vụ đang ở giai đoạn thu hoạch, lúa trà muộn giai đoạn chín sáp.

Trận mưa giông, lốc kèm mưa lớn vừa qua đã làm đổ ngã, ngập úng hơn 6.000ha lúa. Trong đó các địa phương bị thiệt hại diện tích lớn như huyện Quảng Ninh trên  3.500ha, Lệ Thủy trên 2.000ha, TP Đồng Hới trên 260ha, huyện Bố Trạch trên 200ha…

Sở NN-PTNT Quảng Bình chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân khắc phục diện tích bị đổ rạp bằng cách thoát nước trong ruộng, dựng cây, bó lúa lại thành từng cụm. Riêng đối với những diện tích lúa bị ngã đổ đang chín tới thì tiến hành thu hoạch sớm nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

[Bài 2] Bức panorama lớn nhất Việt Nam và mối tình Điện Biên của hai nghệ sỹ

Năm 1961, diễn viên trẻ Ngọc Lan tình cờ gặp họa sỹ Ngô Mạnh Lân ở Moscow. Cuộc gặp gỡ định mệnh gắn kết hai nghệ sỹ nhờ mối nhân duyên với Điện Biên Phủ.