Từ chính sách vận động khai hoang
“Gia đình tôi và nhiều hộ dân khác đổ bao mồ hôi, nước mắt để đắp con đê vòng quanh bãi bồi ven sông Văn Úc, thôn Kinh Điền, xã Tân Viên. Người ta vào xây nhà lấn chiếm, xây chuồng trại, suốt bao năm không bị xử lý. Còn ông Nguyễn Đức Tạo, người được phép canh giữ đê, có xô xát vì uất ức lại phải vào tù”, một người dân thôn Kinh Điền, kể với chúng tôi bằng giọng phẫn nộ.
Theo tài liệu trong hồ sơ vụ án và trình bày của người dân, từ những năm 1990, thực hiện phong trào khai hoang phục hóa, Đảng bộ xã Tân Viên chỉ đạo chi bộ thôn Kinh Điền cùng trưởng thôn, chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp và nông dân khai hoang đất bãi bồi ven sông Văn Úc, xã Tân Viên.
Người dân khi đó đã lập vồng (luống đất đắp cao) trồng mía, sau chuyển sang trồng chuối để tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Ông Nguyễn Văn Toán, một người dân ở thôn Kinh Điền kể những ngày gian khó, người dân tự nguyện đăng ký tham gia nhận đất bãi để lập vồng trồng mía. Chính quyền khi đó đã đo đạc, xác nhận cho mỗi hộ sử dụng diện tích đất có chiều ngang 6 mét, chiều dài từ chân đê ra đến bờ sông Văn Úc (trừ 25 mét hành lang bảo vệ đê). Có chỗ dài hơn 100 mét.
Sau đó, do trồng cây ngắn ngày không hiệu quả, người dân chuyển sang trồng cây lâu năm. Để bảo vệ cây, nhân dân cùng nhau đắp bờ bao, xây cống điều tiết nước sản xuất. Bờ bao chân rộng 6 mét, mặt cắt ngang 3 mét, cao 2,5 mét, dài 1.115 mét, hình chữ U có 3 mặt giáp với đê quốc gia.
Ông Đặng Bá Xái, nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Kinh Điền, cho biết khi bờ bao đắp xong, Hợp tác xã thống nhất giao khoán cho ông Nguyễn Đức Tạo (người trúng thầu) được quản lý, sử dụng, trồng cây lâu năm, xây nhà cấp 4 để ở và trông coi bảo vệ đê. Ông Tạo có trách nhiệm điều tiết nước phục vụ sản xuất và thường xuyên bồi đắp đê, không để cho đê bao bị sạt lở hay bị vỡ.
Bị chiếm đất và tài sản trái phép
Năm 2005, khu đất của ông Tạo và khu đất vồng của các hộ dân đang sử dụng bị ông Nguyễn Văn Thản cùng các con chặt phá cây cối, hoa màu để chiếm đất. Gia đình ông Thản xây nhiều công trình vi phạm Pháp lệnh Đê điều, bị cơ quan chức năng nhiều lần lập biên bản vi phạm. Tuy nhiên, ông Thản không những không chấp hành mà còn tiếp tục xây dựng, tạo thành một khu trang trại.
Các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu buộc tháo dỡ công trình vi phạm của cơ quan chức năng đối với gia đình ông Thản chỉ như "nước đổ lá khoai".
Người dân ở thôn Kinh Điền tố gia đình ông Thản ký hợp đồng "chui" với Chủ tịch UBND xã Tân Viên. Trong đó, có phần đất trùm lên đất của các hộ dân khác, gồm cả diện tích mà ông Tạo đã nhận thầu với Hợp tác xã Kinh Điền từ trước.
Ông Tạo và nhiều người dân ở thôn Kinh Điền đã làm đơn tố cáo gửi nhiều nơi, từ Trung ương đến địa phương. Đến tháng 4/2015, UBND huyện An Lão mới thành lập tổ kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai tại khu bãi bồi ven sông Văn Úc ở thôn Kinh Điền, xã Tân Viên.
Trên cơ sở kiểm tra của tổ công tác, UBND huyện đã ban hành Kết luận số 275 ngày 21/4/2015. Theo đó, việc Chủ tịch UBND xã Tân Viên ký hợp đồng kinh tế cho thuê đất với ông Nguyễn Văn Thản năm 2005 không phù hợp với quy định của pháp luật. UBND xã vừa cho thuê không đúng thời hạn quy định (20 năm), vừa sai phạm khi chuyển mục đích sử dụng đất sang chăn nuôi.
Theo kết luận 275, ông Thản xây dựng 2 trại nuôi lợn đè lên 807 mét bờ bao mà ông Tạo thuê của Hợp tác xã Kinh Điền ngày 23/9/2000, và một số diện tích đất của 9 hộ dân khai hoang đang sử dụng. Chính chuyện này gây nên tình trạng khiếu kiện kéo dài.
UBND huyện An Lão đã yêu cầu ông Nguyễn Văn Thản tháo dỡ các công trình vi phạm, yêu cầu UBND xã Tân Viên thu hồi hợp đồng kinh tế ký với ông Thản năm 2005, và hướng dẫn gia đình ông làm thủ tục ký lại hợp đồng trên cơ sở xác định rõ diện tích đất xen kẽ của các hộ gia đình. UBND huyện cũng hướng dẫn các hộ dân viết đơn thuê thầu đất bãi bồi ven sông Văn Úc, thôn Kinh Điền theo quy định.
Với bờ bao Hợp tác xã Kinh Điền cho ông Tạo thuê năm 2000, UBND huyện An Lão yêu cầu UBND xã chủ trì cùng ông Thản, ông Tạo hòa giải, thỏa thuận việc sử dụng đất bờ bao thuộc đất bãi Kinh Điền. Nếu không được, UBND xã hướng dẫn ông Tạo làm đơn yêu cầu Tòa án nhân dân huyện An Lão giải quyết vấn đề. Trên thực tế, việc giải quyết tranh chấp đất không đơn giản, khiến vụ việc kéo dài đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm.
Hợp đồng thuê đất vô hiệu nhưng không thi hành án
UBND xã Tân Viên cho biết đã kiện ông Nguyễn Văn Thản ra tòa, nhằm thu hồi hợp đồng đã ký giữa ông Nguyễn Văn Thản và ông Trần Đình Toản - nguyên Chủ tịch UBND xã này.
Theo xác minh của Tòa án, ông Trần Đình Toản, người ký hợp đồng kinh tế năm 2005, thừa nhận do nhận thức không đầy đủ nên đã đại diện UBND xã Tân Viên ký hợp đồng với ông Thản. Khi đó, ông Thản muốn chứng minh tài chính cho con gái đi Anh.
Ông Toản cũng nhận, không báo cáo với Đảng ủy xã Tân Viên và UBND huyện An Lão lúc ký hợp đồng năm 2005. Hợp đồng này có một bản duy nhất giao cho ông Thản. Sau đó, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân TP. Hải Phòng đã tuyên hợp đồng cho thuê đất giữa UBND xã Tân Viên và ông Nguyễn Văn Thản vô hiệu.
Ông Thản phải trả toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng theo hợp đồng kinh tế năm 2005 cho UBND xã Tân Viên, huyện An Lão. UBND xã có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho ông Nguyễn Văn Thản 2,294 tỷ đồng, là số tiền ứng với 1/2 giá trị tài sản, cây cối, hoa màu mà gia đình ông Thản đầu tư.
Tuy nhiên, ông Tạo cho rằng, gia đình ông có phần lớn cây cối đã trồng từ những năm còn đắp đê bằng tay trong số ông Thản được đền bù. Do đó, ông Tạo yêu cầu Tòa án buộc gia đình ông Thản bồi thường 3,787 tỷ đồng thiệt hại về hoa lợi trên bờ bao và tôm cá không được thu hoạch. Một hộ khác là bà Đào Thị Chuyền yêu cầu ông Thản bồi thường 4,346 tỷ đồng tiền hoa lợi, lợi tức mà bà không thu được trong 13 năm.
Vì cho rằng, hợp đồng kinh tế ông Thản ký với UBND xã Tân Viên năm 2005 đã bị Tòa án tuyên vô hiệu, các hộ dân tiếp tục có đơn đề nghị cơ quan chức năng yêu cầu ông Thản trả lại diện tích đất đã chiếm giữ của họ nhiều năm qua.
Về phía ông Thản, ông cho rằng UBND xã Tân Viên chưa thực hiện nghĩa vụ thanh toán số tiền 2,294 tỷ đồng theo tuyên án. Do đó, ông chưa có trách nhiệm phải bàn giao đất về UBND xã theo quyết định của Tòa án.
Trao đổi với phóng viên Nông nghiệp Việt Nam, ông Lương Đăng Trình, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Viên cho biết, trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của UBND huyện An Lão, UBND xã đã yêu cầu các bên giữ nguyên hiện trạng đất.
UBND xã đề nghị, không bên nào được thi công làm biến dạng mặt bằng đất bãi, xây dựng cơi nới các công trình hiện có, chuyển nhượng, cho thuê, chặt phá cây cối hoa màu trên đất bãi bồi ven sông Văn Úc thuộc thôn Kinh Điền. Tuy nhiên, nhiều lần ông Nguyễn Văn Quyết, con trai ông Thản, đã thuê máy xúc về thi công trong khu vực đang tranh chấp đất, thậm chí phá một đoạn bờ bao. Thấy vậy, ông Tạo cùng các hộ dân cũng thuê máy về đắp lại bờ bao.
Theo phản ánh của người dân, khi ông Quyết cho người phá bờ bao, người dân đã báo chính quyền nhưng cán bộ xã chỉ đến lập biên bản rồi về, không khởi tố tội hủy hoại tài sản. Trong khi đó, ông Tạo và một số hộ thuê người đắp bờ bao, bảo vệ vùng bồi ven sông, thì bị truy tố tội hủy hoại tài sản, khiến người dân bất bình.
Chúng tôi đã nêu vấn đề này với Phó Chủ tịch Lương Đăng Trình, song ông cáo bận việc gia đình và cho biết: “Xã đang đợi chỉ đạo của huyện và ý kiến từ Tòa án”.