Nông Nghiệp Radio chào đón mùa hè bằng giai điệu tình yêu “Thời hoa đỏ”. Với chuyên mục “Chuyện tình khó quên”, những người thực hiện Nông Nghiệp Radio cùng giới mộ điệu chia sẻ tháng ngày kết nối và lìa xa của nhà thơ Thanh Tùng và người vợ hoa khôi Thanh Nhàn một thời nức tiếng Hải Phòng.
Bằng sự trân trọng, “Chuyện tình khó quên” của Nông Nghiệp Radio tái hiện không gian đất cảng đầu thập niên 70 thế kỷ trước. Nơi ấy, nhà thơ Thanh Tùng đã hạnh ngộ người đẹp Thanh Nhàn giữa thời khắc lao động và chiến đấu trong tiếng máy bay Mỹ rình rập bắn phá miền Bắc và “tiếng búa vang lên bao định lý”.
Nhà thơ Thanh Tùng có lẽ là gã trai duy nhất trên thế gian này đi thăm tình nhân bằng cách chạy bộ. Ông đã chạy bộ từ trung tâm Hải Phòng về huyện Vĩnh Bảo, rồi chạy bộ ngược lại, tổng cộng 60 cây số để được gặp mặt người đẹp Thanh Nhàn.
Nhà thơ Thanh Tùng là một người đàn ông lam lũ và chân thành, còn người đẹp Thanh Nhàn là một người đàn bà đằm thắm và lãng mạn. Họ là hai thái cực, họ là hai thế giới, họ là hai mảnh rời chông chênh. Một lần hạnh ngộ đã hút họ vào nhau, như một cách Thượng Đế gắn kết và xoa dịu cho hai trái tim nhọc nhằn rung cảm.
Mùa hè năm 1972, với hạnh phúc giản dị trong mái ấm nhỏ bé, nhà thơ Thanh Tùng đã viết bài thơ “Thời hoa đỏ” để tặng vợ mình. Những câu thơ trào ra từ rạo rực hiện tại và thổn thức quá khứ: “Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao/ Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng/ Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh/ Chẳng cho lòng ta yên/ Anh mải mê về một màu mây xa/ Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ/ Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa/ Em hát một câu thơ cũ/ Cái say mê một thời thiếu nữ/ Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa một thời trai trẻ”.
Trong bài thơ “Thời hoa đỏ”, nhà thơ Thanh Tùng chia sẻ dùm người đẹp Thanh Nhàn cả những mất mát riêng rư. Vì vậy, giá trị đích thực của “Thời hoa đỏ” không nhằm ca ngợi tình yêu đẹp đẽ giữa mùa hè chói chang hy vọng, mà chủ yếu bày tỏ sự độ lượng của tình nhân dành cho tình nhân sau bao nhiêu mất mát và tổn thương: “Trong câu thơ của em, anh không có mặt/ Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết/ Anh đâu buồn mà chỉ tiếc/ Em không đi hết những ngày đắm say/ Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ/ Không cho ai có thể lạnh tanh/ Hoa đặt vào lòng ta những vệt đỏ/ Như vết xước của trái tim”.
Bài thơ “Thời hoa đỏ” được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc, và trở thành một ca khúc được nhiều người yêu thích. Xuất hiện trong chuyên mục “Chuyện tình khó quên” của Nông Nghiệp Radio, chị Lan Hương – con gái của nhà thơ Thanh Tùng và người đẹp Thanh Nhàn, thổ lộ: “Bài thơ “Thời hoa đỏ” là kết quả tình yêu say đắm mà bố mẹ tôi đã dành cho nhau. Mối tình của họ dù nhiều nước mắt, nhưng vẫn hướng về nhau son sắt mặn nồng. Sau khi mẹ tôi mất, bố tôi có viết thêm nhiều bài thơ khác cho mẹ, trong đó có bài "Sau thời hoa đỏ".
Vậy, “Sau thời hoa đỏ” nói gì? Đó là tâm trạng thổn thức của nhà thơ Thanh Tùng với người đẹp của “Thời hoa đỏ” xa khuất: “Như câu thơ mỗi lần ai hát/ Lại một lần khóc ngày xưa/ Lại một lần anh cưới em về/ Lại một lần thời hoa đỏ/ Trải vô cùng đến tận cõi đam mê”.
Chương trình “Chuyện tình khó quên” với “Nhà thơ Thanh Tùng giấu nước mắt đàn ông vào thời hoa đỏ” sẽ xuất hiện lúc 20h tối nay, 15/4, trên Nông Nghiệp Radio. Chương trình do báo Nông Nghiệp Việt Nam thực hiện, với sự đồng hành của Nhà sách trên mạng Vinabook.com.