| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp thịnh vượng, nông dân ấm no, nông thôn hiện đại

Thứ Tư 07/07/2021 , 09:28 (GMT+7)

Vĩnh Phúc Vượt qua nhiều tác động tiêu cực của dịch Covid-19, giá trị sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 tỉnh Vĩnh Phúc đạt mức tăng trưởng 5,78% so với cùng kỳ.

Vượt qua thách thức

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, đây là mức tăng cao nhất trong 10 năm gần đây. Từ năm 2020 đến nay, ngành nông nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời tiết diễn biến bất thường, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt.

Lĩnh vực chăn nuôi gặp nhiều khó khăn trong công tác tái đàn lợn do giá con giống tăng cao, giá bán một số loại nông sản xuống thấp trong khi giá các loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất luôn biến động, thị trường tiêu thụ không ổn định, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm phức tạp, khó lường.

Tỷ lệ giống lúa chất lượng chiếm trên 75% tổng diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh; cơ giới hóa được tăng cường áp dụng trong sản xuất, làm đất bằng máy chiếm trên 95%, thu hoạch lúa bằng máy đạt trên 70% diện tích. Vụ Xuân năm 2021, năng suất lúa trung bình đạt hơn 62,5 tạ/ha, tăng 2,29% so với cùng kỳ.

Trong lĩnh vực trồng trọt đã chuyển dịch mạnh cơ cấu giống, cây trồng, mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với điều kiện các vùng sinh thái và địa phương trong tỉnh. Các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao đã hình thành như: Vùng sản xuất rau, quả an toàn thực phẩm theo quy trình VietGAP; lúa hữu cơ (Yên Lạc), một số HTX liên kết chuỗi với Công ty Vineco Tam Đảo.

Sản xuất chăn nuôi phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng; chăn nuôi lợn, bò sữa và gia cầm đã trở thành thế mạnh của tỉnh, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi được áp dụng rộng rãi, nhiều giống gia súc, gia cầm có năng suất, chất lượng tốt được đưa vào sản xuất.

Hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung lớn như: Chăn nuôi lợn tập trung tại các xã thuộc huyện Lập Thạch, Yên Lạc; chăn nuôi gia cầm chuyên trứng, chuyên thịt tại các xã thuộc huyện Tam Dương và Tam Đảo; chăn nuôi bò sữa tại huyện Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Đảo... liên kết tiêu thụ với 2 Công ty sữa lớn (Vinamilk và sữa Cô gái Hà Lan). Nhiều trang trại áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi và liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Chính sách hỗ trợ các giống lúa chất lượng cao của tỉnh đã giúp người dân mở rộng tối đa diện tích cho năng suất, sản lượng cao.

Chính sách hỗ trợ các giống lúa chất lượng cao của tỉnh đã giúp người dân mở rộng tối đa diện tích cho năng suất, sản lượng cao.

Chỉ đạo sát sao, chủ động thích ứng

Cũng theo Sở NN-PTNT, có được kết quả trên là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Bộ NN-PTNT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố và sự nỗ lực cố gắng của bà con nông dân các dân tộc trong tỉnh.

Ngành NN-PTNT cũng đã tập trung chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi; phân công cán bộ tăng cường đi cơ sở và phối hợp với các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất; chỉ đạo đồng bộ tất cả các hoạt động dịch vụ như: Tưới tiêu, giống cây trồng, vật nuôi, vật tư phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc BVTV, thú y, khuyến nông chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ... tập trung cao độ phục vụ sản xuất.

Chủ động, tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành một số quyết định, phương án, kế hoạch như: Quyết định, Kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân theo Nghị quyết số 20 của HĐND tỉnh; Phương án ứng phó với hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021; Kế hoạch tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm và khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi năm 2021; Kế hoạch ngăn chặn và phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò; Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2021...

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc, trong thời gian tới cần ưu tiên phát triển các ngành hàng lợi thế, có thị trường tiêu thụ tốt; tăng cường ứng dụng KHCN, sử dụng giống năng suất và chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích phát triển nông nghiệp theo VietGAP, nông nghiệp hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao.

Tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, tập trung, chuyên môn hóa, trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến, năng suất chất lượng cao gắn bảo quản, chế biến với tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh và hướng tới xuất khẩu.

Nuôi bò sữa đã trở thành thế mạnh của tỉnh, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

Nuôi bò sữa đã trở thành thế mạnh của tỉnh, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

Khuyến khích chuyển đổi vùng ruộng trũng cấy lúa sang một vụ lúa- một vụ cá và chuyên cá thâm canh; hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung có quy mô diện tích lớn, áp dụng thực hành nuôi tốt gắn với truy xuất nguồn gốc và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trước mắt, tập trung triển khai kế hoạch sản xuất vụ Mùa đạt kết quả cao nhất; làm tốt công tác dự tính, dự báo, xây dựng phương án phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các chính sách tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại ngành Nông nghiệp hiệu quả hơn.

Triển khai thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; rà soát diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây trồng, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tập trung triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhất là việc đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp; công nhận mới 15-20 sản phẩm OCOP của tỉnh.

Tăng cường chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ; liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; sản xuất nông nghiệp hữu cơ; nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, đặc biệt vật tư nông nghiệp đầu vào.

Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đảm bảo an toàn các hồ chứa, nâng cấp hệ thống đê sông, chủ động phòng, chống thiên tai.

Vượt lên tất cả những khó khăn, thách thức bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng với diễn biến thời tiết bất thường, tác động của biến đổi khí hậu, năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc được đánh giá có tăng trưởng khá, giá trị sản xuất toàn ngành đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng, tăng 2,88% so với năm 2019 cao hơn so với mức tăng bình quân chung của cả nước (2,65%); riêng 6 tháng đầu năm 2021, tăng 5,78% so với cùng kỳ.

    Tags:
Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.