| Hotline: 0983.970.780

Vĩnh Phúc phấn đấu để ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ

Thứ Tư 27/01/2021 , 13:46 (GMT+7)

Giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc năm 2020 ước đạt trên 10 nghìn tỷ đồng, góp phần đưa 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Vĩnh Phúc hiện có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Vĩnh Phúc hiện có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Ngành nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế

Năm 2020, trong điều kiện khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường, diện tích gieo trồng cây hàng năm tiếp tục giảm, giá một số loại sản phẩm nông sản thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định, ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực trong mọi tình huống và là nền tảng để tỉnh đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 10.394,9 tỷ đồng, tăng 2,88% so với cùng kỳ năm 2019. Toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã hỗ trợ trên 1.325 tấn giống lúa chất lượng cao, 2.770 ha rau quả hàng hóa an toàn theo chuẩn VietGAP, 617 máy sản xuất nông nghiệp, 150 máy tạo oxy nuôi cá thâm canh; hỗ trợ và nghiệm thu 2.453 công trình xử lý chất thải chăn nuôi; hỗ trợ 45 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP trong nông nghiệp, thủy sản.

Khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là các hợp tác xã cũng đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống cho đông đảo người lao động, tạo sự ổn định về chính trị - xã hội trên địa bàn.

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 449/750 hợp tác xã đang hoạt động, tạo việc làm cho hơn 41.710 thành viên, người lao động. Năm 2020, thành lập mới 24 hợp tác xã nông nghiệp, phi nông nghiệp và có 11 tổ hợp tác đăng ký chứng thực hợp tác. Doanh thu hàng hóa và cung cấp dịch vụ bình quân đạt trên 3,2 tỷ đồng/hợp tác xã, lợi nhuận bình quân 302 triệu đồng/hợp tác xã; thu nhập bình quân người lao động đạt 3,4 triệu đồng/người/tháng.

Tạo động lực thúc đẩy nông dân phát triển kinh tế

Mặc dù là trụ đỡ của nền kinh tế, sản xuất nông, lâm, thủy sản đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp vẫn manh mún, nhỏ lẻ khiến việc liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi sản phẩm còn hạn chế, nông sản có thương hiệu trên thị trường còn ít, chưa có nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều nên năng lực cạnh tranh không cao.

Để tiếp tục thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, bảo đảm an ninh lương thực địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, giai đoạn 2021 – 2025 tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến sẽ dành khoảng hơn 368 tỷ đồng hỗ trợ người sản xuất là các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân, chủ trang trại phát triển sản xuất nông nghiệp theo nguyên tắc hỗ trợ ưu tiên các ngành hàng, sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Năm 2020, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của tỉnh Vinh Phúc ước đạt 10.394,9 tỷ đồng.

Năm 2020, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của tỉnh Vinh Phúc ước đạt 10.394,9 tỷ đồng.

Cụ thể, về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa và cây hằng năm thành vùng tập trung, quy mô lớn, tỉnh sẽ hỗ trợ 50% chi phí mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khi thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang cây hằng năm có quy mô tối thiểu 5ha liền vùng tập trung.

Hỗ trợ 1 lần 50% chi phí đào ao, đắp bờ bao nhưng không quá 50 triệu đồng/ha/người sản xuất khi thực hiện chuyển đổi trồng lúa sang trồng lúa kết hợp chăn nuôi trồng thủy sản quy mô tối thiểu 10ha liền vùng tập trung.

Về giống lúa chất lượng, giống thủy sản, tỉnh hỗ trợ 70% chi phí mua giống lúa chất lựng nhưng không quá 1,05 triệu đồng/ha/vụ/người sản xuất; 50% chi phí mua giống cho người sản xuất nuôi các đối tượng thủy sản chủ lực, đối tượng thủy sản có hiệu quả kinh tế có diện tích từ 0,3 ha trở lên.

Tỉnh cũng hỗ trợ 100% kinh phí mua các loại vắc xin tiêm phòng, thuốc khử khuẩn tiêu độc môi trường chăn nuôi cho người sản xuất; 50% chi phí giống, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học hoặc thảo mộc để sản xuất rau quả hàng hóa an toàn theo Vietgap quy mô từ 2ha trở lên, mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/ha/vụ, không quá 2 vụ/năm/người sản xuất.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 – 2025 tạo ra khung pháp lý phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tạo điều kiện cho sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Có gì ở 'Lễ hội nông sản'?

TP.HCM 60 gian hàng nông sản, sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao của các tỉnh thành trên cả nước quy tụ tại sự kiện 'Kết nối sản phẩm OCOP thường kỳ tại TP.HCM'.