| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp Việt Nam và câu chuyện về sự chuyển đổi tích cực

Thứ Tư 03/01/2024 , 09:09 (GMT+7)

'Tôi rất vui khi có mặt tại Hậu Giang, xem trình diễn thực hành nông nghiệp công nghệ cao trên đồng ruộng. Các bạn là câu chuyện thành công về sự chuyển đổi tích cực'.

Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Murat Sartas - nhà khoa học Thổ Nhĩ Kỳ, một trong 91 thành viên của Liên minh Tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR), được Bộ NN-PTNT mời đến Hậu Giang xem trình diễn đồng ruộng về kỹ thuật cơ giới hóa trong sản xuất lúa vùng ĐBSCL trong khuôn khổ Festival quốc tế Ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023.

Các nhà khoa học quốc tế đến thăm Hậu Giang nhân dịp Festival quốc tế Ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023. Ảnh: Quỳnh Chi.

Các nhà khoa học quốc tế đến thăm Hậu Giang nhân dịp Festival quốc tế Ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023. Ảnh: Quỳnh Chi.

Hành trình sôi nổi tới Festival lúa gạo

Chuyến xe buýt đưa đoàn khách quốc tế từ Cần Thơ đến Festival quốc tế Ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 tràn đầy hứng khởi, không ngớt tiếng nói cười. Ngắm nhìn quang cảnh nông nghiệp tươi đẹp của vùng ĐBSCL, cuộc trò chuyện sôi nổi giữa các nhà khoa học như thể hòa quyện vào những con sóng trên sông. Có sự sửng sốt trước những cánh đồng xanh rì rào, có niềm hân hoan khi thấy người nông dân Việt Nam bước vào mùa vụ mới. Ai ai cũng phấn khởi trước buổi trình diễn đồng ruộng về kỹ thuật cơ giới hóa trong sản xuất lúa vùng ĐBSCL.

Một vị khách thốt lên: “Thật tuyệt vời! Việt Nam không chỉ có lúa gạo, tôi còn thấy cả vườn cây ăn quả và các ao nuôi trồng thủy sản”. Vị khách bên cạnh gật gù đồng tình và nói thêm: “Đúng là vậy. Quang cảnh nơi đây thật đa dạng, tràn đầy sức sống, khác với những cánh đồng độc canh mà tôi vừa thấy trong chuyến thăm Hoa Kỳ vài tháng trước”.

Nhân dịp Festival quốc tế về ngành hàng lúa gạo, 91 chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới đến thăm vùng ĐBSCL trù phú. CGIAR (Liên minh Tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế) được mời tới dự Lễ phát động Chương trình “1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp” được tổ chức tại cánh đồng của huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Sau Lễ phát động là màn trình diễn cơ giới hóa trong nông nghiệp với nhiều loại máy móc từ khâu gieo hạt cho đến xử lý sau thu hoạch.

Nhà khoa học châu Phi (áo đỏ) hứng thú với máy cắt cỏ tự động. Ảnh: Quỳnh Chi.

Nhà khoa học châu Phi (áo đỏ) hứng thú với máy cắt cỏ tự động. Ảnh: Quỳnh Chi.

Bà Barbra Muzata, Trưởng nhóm truyền thông toàn cầu của CGIAR bày tỏ: “Đối với chúng tôi, lời mời của Bộ NN-PTNT đến dự Lễ khởi động Chương trình 1 triệu ha lúa là vinh dự lớn. CGIAR đề cao sự hợp tác của bạn bè Việt Nam. Chúng tôi rất nóng lòng được tham gia vào không gian sản xuất lúa gạo ở Việt Nam. Chắc hẳn, đây là lời đáp lại sự nhiệt thành của Liên minh dành cho những người bạn Việt Nam trong nhiều năm qua”.

Bà nhấn mạnh thêm, đội ngũ khoa học CGIAR tới Việt Nam với tinh thần học hỏi ở mức cao nhất. Trưởng nhóm truyền thông mong rằng Bộ NN-PTNT sẽ thấy được những nỗ lực hợp tác của CGIAR những năm qua tại Việt Nam, cùng Liên minh tiếp tục chuyển giao công nghệ tới các quốc gia khác.

Ấn tượng với màn trình diễn cơ giới hóa

Điểm nhấn của buổi trình diễn là các thiết bị bay không người lái (drone) dùng trong nông nghiệp. Để chào đón các đại biểu tham dự, 8 chiếc drone xếp dàn hàng ngang trên cánh đồng. Đây là những phương tiện của nhiều nhà cung cấp tại Việt Nam, công nghệ tiên tiến, đáp ứng đa dạng nhu cầu sử dụng.

“Tôi rất vui khi có mặt tại Hậu Giang, xem trình diễn thực hành nông nghiệp công nghệ cao trên đồng ruộng. Các bạn là một câu chuyện thành công về sự chuyển đổi tích cực. Chúng tôi xin cảm ơn ban tổ chức vì đã có lời mời để chiêm ngưỡng màn trình diễn này! Vấn đề nền tảng mà nhà nông học chúng tôi đặt ra, là làm thế nào để nhân rộng những mô hình tuyệt vời này sang các quốc gia khác”, tiến sĩ Murat Sartas chia sẻ. 

Ông Murat là nhà khoa học Thổ Nhĩ Kỳ, hiện đang sống và làm việc tại Rwanda. Lĩnh vực chính của ông là đổi mới sáng tạo, mở rộng mô hình nông nghiệp, hợp tác đa phương. Vai trò của tiến sĩ Murat trong Liên minh là tư vấn các nhà quản lý từ cấp trung ương đến địa phương, giúp nhân rộng ứng dụng công nghệ ở 6 khu vực thuộc dự án CGIAR.

Tiến sĩ Murat Sartas, chuyên gia về đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp. Ảnh: Quỳnh Chi.

Tiến sĩ Murat Sartas, chuyên gia về đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp. Ảnh: Quỳnh Chi.

Cũng mãn nhãn với màn trình diễn drone ứng dụng trong nông nghiệp, ông Mudereri Tawona, chuyên gia khoai tây người Zimbabwe hy vọng đất nước mình có thể sớm phủ sóng thiết bị này để bảo vệ sức khỏe người nông dân.

Ông Mudereri bày tỏ: “Không có những công nghệ này ở đất nước tôi, cũng như ở Rwanda, nơi tôi làm việc. Đây là dịp đặc biệt để xem cách làm của Việt Nam, và làm thế nào để áp dụng công nghệ nhằm cải thiện sản xuất lúa gạo. Cơ giới hóa giảm công lao động, gia tăng năng suất, đem lại hiệu quả cao hơn. Chúng tôi mong đợi các quốc gia, thông qua hợp tác Nam - Nam và hợp tác công tư, có thể cải thiện đời sống của người làm nông. Đôi bên cùng có lợi, ấm no cho mọi nhà.”

Các nhà khoa học quốc tế ghi nhận Việt Nam là quốc gia nổi bật với năng lực công nghệ vượt trội, nguồn nhân lực chất lượng, nguồn vốn dồi dào. Họ mong rằng Việt Nam có thể mở rộng hợp tác với các chính phủ, khối tư nhân, tổ chức quốc tế, đưa những công nghệ này tới các nước châu Phi.

Hợp tác khu vực giúp vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu

Quy trình cơ giới hóa gieo sạ được phát triển, nhân rộng quy mô trong khuôn khổ Dự án “Phục hồi các vùng châu thổ lớn của châu Á” (Asian Mega - Delta - AMD) do CGIAR phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam và Campuchia thực hiện. Việc tham gia Sáng kiến AMD giúp Việt Nam nối dài thành công bước đầu của Sáng kiến hợp tác Nông nghiệp và Lương thực châu Á.

Điểm nổi bật của chương trình là màn trình diễn máy bay không người lái được sử dụng trong nông nghiệp. Ảnh: Quỳnh Chi.

Điểm nổi bật của chương trình là màn trình diễn máy bay không người lái được sử dụng trong nông nghiệp. Ảnh: Quỳnh Chi.

Thông qua chương trình nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI), Việt Nam đã gửi máy móc và cán bộ khuyến nông sang Campuchia để đào tạo nông dân nước này. Các mô hình canh tác lúa - cá, luân canh lúa với khoai lang, dưa hấu cũng đang được thử nghiệm để tăng năng suất, duy trì sức khỏe đất. Các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp sản xuất thiết bị, lãnh đạo địa phương và ngành nông nghiệp trao đổi chặt chẽ, giúp nông dân khu vực Đông Nam Á thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy không bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn như vùng ĐBSCL, Campuchia đối mặt với nguy cơ về hạn hán, lũ lụt. Đó là lý do nước bạn mong muốn áp dụng kỹ thuật cơ giới hóa gieo sạ để cải tạo sức khỏe cây trồng. Nghiên cứu đã chỉ ra, cơ giới hóa gieo sạ giúp giảm rủi ro đổ ngã, nên giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng chất lượng và độ đồng đều hạt gạo.

Bên cạnh đó, thiếu nguồn lao động nông thôn cũng là vấn đề lớn của Campuchia khi người dân di cư lên thành phố, tìm kiếm việc làm trong nhà máy công nghiệp. Khi lao động trở nên đắt đỏ, nông dân Campuchia thực hành sạ lúa thủ công để tiết kiệm thời gian, công sức trên đồng ruộng. Tuy nhiên, sạ lan dẫn tới sử dụng quá nhiều hạt giống, năng suất thấp. Nếu ở Việt Nam, sạ lan sử dụng 120kg hạt giống/ha, con số này ở Campuchia là khoảng 300kg/ha - đây là chênh lệch rất lớn.

Những thách thức này mở ra cơ hội để chuyển đổi thực hành canh tác lúa, vừa tránh thất thoát hạt giống, vừa giảm công lao động trên ruộng. Sau giai đoạn thử nghiệm trên quy mô lớn, các nhà khoa học IRRI đã sẵn sàng hợp tác với Chính phủ Campuchia, doanh nghiệp sản xuất thiết bị và nông dân để triển khai cơ giới hóa trên diện rộng.

Tiến sĩ lúa gạo Rica Joy Flor chia sẻ về dự án phối hợp giữa CGIAR, Việt Nam và Campuchia. Ảnh: Thanh Thủy.

Tiến sĩ lúa gạo Rica Joy Flor chia sẻ về dự án phối hợp giữa CGIAR, Việt Nam và Campuchia. Ảnh: Thanh Thủy.

Bà Rica Joy Flor, nhà khoa học IRRI người Campuchia thông tin: “Toàn bộ quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, chuyển đổi hệ thống lương thực ở Campuchia cũng đề cao phát triển con người. Chúng tôi đặc biệt coi trọng việc trao quyền quyết định cho thanh niên và phụ nữ”.

Hiện các nhà khoa học IRRI, cùng các bên liên quan, đang đào tạo các nhóm nông dân thông qua chương trình “Vườn ươm doanh nghiệp”. Mô hình này kết nối các bạn trẻ thành lập nhóm khởi nghiệp, cung cấp dịch vụ liên quan đến cơ giới hóa gieo sạ (như hạt giống, phân bón, vận hành).

Chính phủ Campuchia cũng có chương trình khuyến khích cán bộ khuyến nông trẻ về địa phương giúp người dân. Đến nay, Chính phủ đã tuyển dụng hơn 200 sinh viên mới ra trường tham gia đào tạo nông dân thực hành cơ giới hóa gieo sạ. Những người trẻ đều có tinh thần cao về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hăng hái tham gia quá trình chuyển đổi nông nghiệp Campuchia.

91 nhà khoa học đến thăm Việt Nam hiện đang làm việc AfricaRice, Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT), Trung tâm Cải tiến ngô và lúa mỳ quốc tế (CIMMYT), Trung tâm Khoai tây quốc tế (CIP), Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế ở các vùng khô hạn (ICARDA), Trung tâm Nông lâm thế giới (ICRAF), Viện Nghiên cứu cây trồng quốc tế cho vùng nhiệt đới bán khô hạn (ICRISAT), Viện Nghiên cứu chính sách Lương thực quốc tế (IFPRI), Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI), Viện Quản lý Nước quốc tế (IWMI) và Viện Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (IITA).

Xem thêm
Các nhà báo đã chung tay lan tỏa 'câu chuyện Việt Nam'

Gặp gỡ báo giới đầu năm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng các nhà báo đã cùng nhau kể 'câu chuyện Việt Nam', đẹp và đáng tự hào.

Hàng trăm chậu cúc chết cháy sau một đêm, nghi bị kẻ xấu đầu độc

BÌNH ĐỊNH Hơn 300 chậu cúc Tết đang trỗ búp rực rỡ đã được thương lái đặt cọc bỗng dưng chết cháy sau một đêm, chủ nhà vườn ‘chết đứng’, nghi có kẻ xấu ‘đầu độc’…

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng quê ngày cận Tết: Lá dong Tràng Cát vào 'mùa cưới'

'Cưới lá' là cách người Tràng Cát gọi mùa thu hoạch lá dong nửa cuối tháng Chạp, khi cả làng rộn ràng căng bạt che lá, tạo khung cảnh như những đám cưới.